+
Aa
-
like
comment

Câu chuyện về quả “bom nổ chậm” đang dần tàn phá nước Đức

Lan Hoa - 13/07/2022 14:57

Bằng cách trừng phạt Nga, Đức đã tự đẩy mình chìm vào “hố sâu” của khủng hoảng và nhận lấy những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đây được ví như quả “bom nổ chậm” cần sớm tháo gỡ để không xảy ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và xã hội của nước Đức.

Nếu Nga thực sự khóa van khí đốt, đó sẽ là đòn giáng nặng nề với Đức

Theo thông báo mới đây, Đức ước tính chỉ đủ dự trữ khí đốt trong 1 hoặc 2 tháng tới giữa bối cảnh dòng chảy khí đốt từ Nga bị ngưng trệ, khiến giới phân tích quan ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện.

Nguồn cơn của sự lo lắng này bùng nổ khi Gazprom thông báo giảm 60% nguồn cung cấp khí đốt qua hệ thống đường ống Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream), từ 167 triệu mét khối/ngày xuống 67 triệu mét khối/ngày.

Có thể thấy rằng, trong các động thái nhằm trừng phạt hàng hóa Nga, lệnh cấm nhập khẩu đối với dầu khí và khí đốt là một trong các mặt hàng thiết yếu nhất đối với Đức.

Theo đó, đường ống dẫn dầu Dòng chảy Phương Bắc 1 là một trong các đường ống chính dẫn khí đốt từ Nga đến Đức, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp khí đốt sử dụng cho sinh hoạt và giữ ấm khi nhiệt độ tại châu lục này hạ xuống trong mùa đông.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc cắt khí đốt lần này sẽ tác động đến tâm lý tiêu dùng, làm tình hình trở nên tồi tệ trong bối cảnh lạm phát tăng vọt. Gánh nặng lớn sẽ đè lên vai các công ty sử dụng nhiều năng lượng và khí đốt, khiến sản lượng sản xuất công nghiệp của Đức giảm khoảng 5%. Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 1%, các chuyên gia của Deutsche Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất của Đức cũng phải bày tỏ bi quan về tình hình năng lượng hiện tại của Đức.

Dòng chảy Phương Bắc 1

Bên cạnh đó, việc gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga ngay lập tức đẩy Đức vào thế khó, khi nỗ lực nạp đầy các kho khí đốt nhằm chuẩn bị cho mùa đông bất ngờ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Theo Bộ kinh tế Đức, các cơ sở dự trữ khí đốt tự nhiên của nước này mới chỉ lấp đầy gần 61%, mức chỉ đủ dùng 1 đến 2 tháng tới.

Trước thực tế trên, Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck cảnh báo, nền kinh tế số 1 châu Âu sẽ đối mặt với suy thoái nặng nề nếu Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt vào giữa tháng 7 như kế hoạch. Cùng quan điểm, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cũng cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế rất nghiêm trọng vì giá năng lượng tăng mạnh.

Nghiêm trọng hơn, rắc rối năng lượng của Đức được dự báo có thể lan rộng ra khắp châu Âu. Trước diễn biến mới, một số nước Liên minh châu Âu (EU) – vốn nhận 40% lượng khí đốt qua các đường ống của Nga – đã công bố các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm tiêu thụ, tăng dự trữ. Italia, nước mua khí đốt Nga lớn thứ hai trong EU, đã phải cho phép Công ty nhà nước Gestore dei Servizi Energetici vay 4 tỷ euro để mua khí đốt tăng dự trữ. Áo và Hà Lan cũng để ngỏ khả năng duy trì các nhà máy nhiệt điện, sẵn sàng bù đắp cho việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

Theo số liệu do Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) mới công bố, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Đức đã chạm mốc 7,9% trong tháng 6/2022. Đây là mức cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất, trở thành rủi ro lớn đối với nền kinh tế nước này. Hiện Đức đang dồn mọi nguồn lực nhằm giải quyết bài toàn kinh tế đặc biệt phức tạp, sau khi ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục trong 5 thập kỷ vừa qua do hệ quả của đại dịch Covid-19 và chiến sự tại Ukraine.

Tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Đức đã chạm mốc 7,9% trong tháng 6/2022

Được biết, giá năng lượng tăng cao trên toàn cầu càng “đổ dầu vào lửa”, khiến nhiều ngành công nghiệp của Đức phải vật lộn duy trì sản lượng mà còn nâng giá cả thành phẩm trên thị trường.

Tỷ lệ lạm phát gia tăng nhanh chóng khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp nội địa Đức đối mặt với mức giá cao hơn đối với nhiều loại sản phẩm và dịch vụ, khiến sức mua giảm. Tới nay, giá thực phẩm ở Đức đã tăng 11,1% so với thời điểm cách đây 1 năm.

Không dừng lại, dự báo chi phí hàng hóa thiết yếu ở Đức sẽ tiếp tục tăng. Trang DW (Đức) dẫn ý kiến của chuyên gia Aurelien Duthoit tại Allianz Trade cho rằng, mức tăng có thể lên tới 10,7% trong năm 2022, đồng nghĩa là chi tiêu các hộ gia đình có thể sẽ tăng khoảng 250 euro/người.

Giá tiêu dùng tăng đột biến khiến người dân khu vực này ngày càng trở nên khó khăn hơn trong việc chi trả phí sinh hoạt. Chi phí năng lượng tăng cao là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát ở châu Âu, với mức giá đã tăng 44,7% trong tháng 3.

Mới đây, Reuters cũng đã dẫn phân tích của giáo sư Glenn Diesen thuộc Đại học Đông-Nam Na Uy, biên tập viên Tạp chí Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu, rằng việc Đức áp đặt các lệnh trừng phạt Nga là một ví dụ điển hình về việc tự làm hại bản thân một cách khá đau đớn.

Lan Hoa (Reuters, DW)

Bài mới
Đọc nhiều