Câu chuyện về những người lính căng mình chống dịch ở biên cương
Hãng phim Điện ảnh Quân đội đã tới Lào Cai để ghi lại quá trình các chiến sĩ nơi đây căng mình ngăn chặn dịch bệnh qua biên giới.
“Lào Cai hiện khoảng 10-15 độ C, có mưa và sương mù nên thời tiết rất lạnh”, đại úy Nguyễn Quang Quyết kể với PV bằng giọng nói run run, ngắt quãng.
Anh cùng 4 thành viên trong đoàn làm phim tài liệu của hãng phim Điện ảnh Quân đội Nhân dân tới Nậm Chảy, Mường Khương từ ngày 12/3 để ghi lại quá trình các chiến sĩ nơi đây căng mình ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua đường biên giới. Bộ phim do đại úy Trần Thị Thu Hương lên kịch bản.
Gánh nước vài km trong thời tiết giá lạnh Mường Khương là một huyện nằm ở phía bắc, cách thành phố Lào Cai hơn 50 km. Trong đó, xã Nậm Chảy nằm trên cao nguyên cổ Bắc Hà thuộc dãy Tây Côn Lĩnh có độ cao 2.427 m. Tây Côn Lĩnh thường được gọi là “nóc nhà Đông Bắc”, và cũng là đỉnh núi khó chinh phục, bởi quãng đường cheo leo, gập ghềnh, hoang vu.
Đại úy Nguyễn Quang Quyết tâm sự anh và đoàn quay phim quyết tìm đến địa điểm khó khăn, nguy hiểm nhất để ghi được những thước phim chân thực về các chiến sĩ biên giới. Theo đại úy, mỗi chốt có khoảng 7-10 đồng chí gồm lực lượng biên phòng, công an, dân quân địa phương và y tế. Đoàn quay phim của anh có 5 đồng chí, lên đó sinh hoạt cùng lực lượng biên phòng.
Mọi sinh hoạt, từ việc ăn uống đến nghỉ ngơi của các chiến sĩ diễn ra trong những chiếc lán nhỏ, dựng tạm bợ, trông càng lụp xụp khi trời đổ mưa, gió lùa về. Đó là nơi họ nghỉ ngơi sau một ngày dài căng mình bám sát, tuần tra trên khắp các tuyến đường mòn sát biên giới.
“Họ tự nấu nướng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, ăn uống, thậm chí tới nhà dân cách đó vài km để gánh nước”, đại úy chia sẻ với PV.
“Trên này hiện có mưa, sương mù dày, thời tiết rất lạnh nên quá trình tuần tra của các đồng chí gặp nhiều khó khăn. Họ ngủ và sinh hoạt trong lán dựng tạm, điện lại không có nên khá bất tiện. Chưa kể, ở đây thường xuyên không có sóng điện thoại nên các anh khá vất vả trong việc liên hệ với bên ngoài”, anh kể.
“Hiện tại, các đồng chí thiếu nhất là khẩu trang và xịt khử khuẩn. Các bộ ban ngành cũng cấp nhưng chưa đủ bởi lượng khẩu trang còn được các đồng chí phân phát cho bà con sinh sống ở xung quanh”, đại úy bộc bạch.
Tuy nhiên, trong điều kiện sinh hoạt khó khăn như thế, tinh thần của các chiến sĩ luôn lạc quan, mạnh mẽ để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
“Những chiến sĩ ấy luôn luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ và bám trụ ở địa bàn. Từ khi dịch diễn biến phức tạp, chưa đồng chí nào về nhà, thậm chí có những đồng chí nhiều ngày không thể gọi điện cho gia đình vì ở đây không có sóng”, đại úy Quang Quyết cho biết.
Anh Tống Văn Đức – quay phim trong đoàn – cũng chia sẻ: “Trời mưa gió 14-15 độ C, anh em sau khi ăn tối cùng nhau tại lán, chúng tôi từ chốt lưng chừng núi trở về đồn để nghỉ ngơi còn các anh lại thay nhau tiếp tục bồng súng đi tuần tra. Xin được gửi lời cảm ơn đến những chiến sĩ biên phòng đang nằm ngoài lán, đốt bếp lửa hồng trắng đêm để ngăn chặn dịch bệnh không tràn qua biên giới”.
Tinh thần chiến sĩ luôn lạc quan, cùng nhau san sẻ khó khăn Với đại úy Nguyễn Quang Quyết, đây là một trong những chuyến đi ý nghĩa nhất. Được chứng kiến giây phút các chiến sĩ cùng nhau san sẻ khó khăn, động viên nhau bằng tinh thần lạc quan là điều anh không thể quên.
“Các đồng chí đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ, bám sát các điểm chốt dịch được chỉ đạo. Các anh em ổn định về tinh thần và sức khỏe dù nơi ở khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhu yếu phẩm”, anh tâm sự.
“Thủ trưởng các đồn và Bộ Chỉ huy Quân sự luôn quan tâm hỏi han, động viên. Các đồng chí ở các chốt cũng san sẻ khó khăn với nhau. Tinh thần mọi người đều rất tốt, thậm chí có nhiều câu chuyện hài hước, vui vẻ. Chẳng hạn khi các đồng chí đi gánh nước thì mọi người đùa nhau rằng: ‘Lấy nước suối cho nhanh, chứ gánh như vậy bao giờ có nước uống’”.
Đại úy Nguyễn Quang Quyết chia sẻ khi nhận nhiệm vụ tới tác nghiệp ở Lào Cai, gia đình anh cũng lo lắng. Tuy nhiên, đại úy quyết định đi, bởi: “Đây là đề tài nóng và có sức lan tỏa lớn, tác động tích cực tới cộng đồng. Đặc biệt, hình ảnh những người lính không quản khó khăn, căng mình nơi biên giới thôi thúc tôi xung phong đi tác nghiệp lần này”. Theo đại úy, đoàn quay phim của anh thường thức dậy vào 3-4h để theo chân các chiến sĩ và trở về lúc 22h.
“Khi ê-kíp của chúng tôi được thành lập và lên đường thì anh em đều chuẩn bị sẵn tư tưởng. Tinh thần anh em trong đoàn rất tốt. Do đó chúng tôi sẵn sàng đề xuất với Bộ Tư lệnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng để đi đến những địa điểm khó khăn, thiếu thốn nhất tác nghiệp. Chúng tôi cũng muốn ghi lại những hình ảnh đó”, anh tâm sự.
Khi được hỏi đây có phải lần tác nghiệp gian nan nhất, đại úy Quang Quyết trả lời: “Mỗi thời điểm tác nghiệp có những trở ngại khác nhau, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện tại thì đây là một trong những nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Đầu tiên, đây là dịch bệnh. Thứ hai, địa bàn mà các đồng chí làm nhiệm vụ khá hiểm trở, phức tạp”.
Trong chuyến đi lần này, đại úy cùng các cán bộ của hãng phim Điện ảnh Quân đội cũng kêu gọi mọi người quyên góp nhu yếu phẩm.
“Do kế hoạch tác nghiệp được đưa ra khá đột xuất nên trong một buổi tối, chúng tôi chỉ kêu gọi được 1.500 chiếc khẩu trang và một ít nước rửa tay sát khuẩn. Chúng tôi khi lên đó cũng chia nhỏ, mỗi đồn khoảng 200-300 chiếc khẩu trang. Chúng tôi xin mạn phép tiếp tục kêu gọi mọi người ủng hộ, sau đó xin ý kiến của thủ trưởng và Bộ Chỉ huy Biên phòng để vận chuyển tới các chốt”, đại úy Quang Quyết cho biết.
Sau Lào Cai, đại úy Nguyễn Quang Quyết sẽ cùng đoàn làm phim tiếp tục tới Hà Giang để quay thêm những thước phim. Một hành trình gian nan đang chờ họ phía trước, nhưng ai cũng muốn lên đường.
Bởi ở phía trước ấy, có những người lính lặng lẽ, căng mình trong sương gió biên cương, họ không lộng lẫy bước ra từ màn ảnh nhưng vẫn lay động tận tâm can khán giả.
Lan Phương/ ZFN