+
Aa
-
like
comment

Câu chuyện về ngân sách 5 tỷ và một đàn bò đói

Như Yên - 01/10/2020 06:48

Sự việc đàn bò thuộc giống lai F1 của bò tót rừng ở vườn quốc gia Phước Bình bị cơ quan quản lý chúng “bỏ mặc” đói khát hơn 1 năm qua đã làm xôn xao dư luận. Đàn bò trước kia mang lại dự án tiền tỉ được chăm sóc kỹ lưỡng nhưng sau khi dự án kết thúc thì ai cũng phủi bỏ trách nhiệm.Việc làm nhẫn tâm trên chỉ là một phần bề nổi của thực trạng vô số đề tài nghiên cứu khó học chỉ “thành công trên giấy”. Không những không mang lại hiệu quả mà còn gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Trách nhiệm quản lý thuộc về ai?

Đầu năm 2012, Sở KH-CN hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng thực hiện dự án lai tạo giống bò tót rừng với hy vọng mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Yêu cầu quan trọng nhất của đề tài là trong 3 năm tới sẽ lai thành công 40 cá thể bò tót cùng dòng F2.

Tuy nhiên, sau hơn 6 năm nghiên cứu và cho lai giống tất cả 5 con bò cái vẫn không sinh sản. Câu hỏi đặt ra tại sao cả đàn bò 10 con được chăm sóc kỹ lưỡng trong mỗi trường thuận lợi, được phối giống định kỳ với bò nhà nhưng lại không tạo ra được cá thể mới nào. Nguyên nhân đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải thích rõ ràng.

Và đến tháng 6/2019, sau khi đề tài đã kết thúc đàn bò tót “hậu duệ” này đã bị các ban ngành chức năng bỏ mặc. Suốt hơn 1 năm qua chúng chỉ ăn cỏ khô cầm cự qua ngày.

Bò tót lai F1 trong trại khảo nghiệm Phước Bình ốm “trơ xương”

Điều đáng buồn không phải là dự án thất bại vì nghiên cứu không thể nào chắc chắn thành công 100% được. Ở đây cần phải lên án chính là cách mà ban ngành chức năng chịu trách nhiệm với đàn bò đối xử với chúng.

“Chuồng nuôi nhốt rộng 200m2 ở thôn Bạc Rây, kề cầu Treo bắc qua sông Cái. Mái trại lợp tôn, chuồng ngăn là những khung sắt hàn bao quanh, một số thanh đã bung ra do gỉ sét, được thay thế bằng các cây gỗ, buộc sơ sài. Chúng không còn dũng mãnh như trước, bởi cơ thể suy kiệt, ốm yếu. Từng thớ xương sườn và xương bả nhô ra như thể chỉ còn da bọc xương. Một số gầy lép đến nỗi chân đi xiêu vẹo”.

Vì đây là dự án nghiên cứu kết hợp giữa 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng nên khi được hỏi về đàn bò tót cả 2 bên đều đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

PGS.TS Lê Xuân Thám chủ nhiệm đề tài cho rằng:

“Chưa thể nói gì kết quả nghiên cứu vì còn nhiều vấn đề phức tạp, cần chờ thêm các dự án nghiên cứu tiếp theo. Đề tài do ông chủ nhiệm hiện đã kết thúc hơn một năm qua, nay ông không còn liên quan gì trong việc quản lý, chăm sóc”.

“Khi dự án nghiên cứu kết thúc, đơn vị ông tạm thời phụ trách chăm sóc đàn bò tót lai ở Phước Bình. Do chưa có dự án mới, từ đó đến nay, chúng tôi phải tự bỏ kinh phí sự nghiệp ra để duy trì, rất khó khăn” Ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho hay.

Đàn bò tót lai cũng từ đó mà bị “bỏ rơi” tình trạng hiện tại không khác gì đang nằm chờ chết. Những dự án tiền tỉ, những người trước kia ngày đêm đặt nhiều kỳ vọng thì giờ lại nhẫn tâm bỏ mặc sự sống chết của chúng, liệu có còn lương tâm? Nhiều câu hỏi được đặt ra tại sao lại không trả chúng về tự nhiên để được sống đúng bản năng vì dù sao đề tài nghiên cứu cũng đã kết thúc?

Đề tài nghiên cứu hay đốt tiền vô bổ

Năm 2015, PGS.TS Lê Xuân Thám là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa” đã chia sẻ:

“Chúng tôi hy vọng trong năm 2016 sẽ tiến hành nhiều phương pháp lai cùng dòng và khác dòng để cho ra đời thành công khoảng 40 cá thể bò F2. Chỉ cần một bò đực F2 có 25% nhiễm sắc thể bò tót ổn định, sinh trưởng tốt có thể thụ tinh nhân tạo cho khoảng 50.000 bò cái nhà trong vòng một năm, mở ra hướng kinh doanh thịt bò thương phẩm rất lớn tới người dân”.

Ý tưởng lai bò tót với bò nhà để tạo ra vật nuôi có khối lượng lớn hơn, chất lượng thịt tốt hơn là rất hữu dụng nhưng tính đến nay đã tiêu tốn hơn 5 tỷ đồng ngân sách nhà nước mà kết quả vẫn “chưa đâu vào đâu”. Mục đích ban đầu đề ra là tạo ra đàn bò thịt cho năng suất cao, chất lượng tốt cũng chưa hoàn thành được. Tình trạng thiếu dinh dưỡng khi mỗi ngày chỉ ăn một bó cỏ khô khiến cả đàn bò gầy “ trơ xương”. Không gian sống chật hẹp, bị nuôi nhốt như bò nhà lâu ngày đã khiến đàn bò tót lai F1 vốn sở hữu đặc tính hung mãnh giống 70% bò tót rừng trước kia cũng trở nên rụt rè khi có người lại đi đến gần chuồng nuôi nhốt.

Đây không phải lần đầu tiên Đề tài nghiên cứu khoa học – công nghệ cấp nhà nước tiêu tốn ngân sách “khủng” mà không thu được kết quả. Có thể kể đến đề tài “Nghiên cứu tạo bê sữa cao sản bằng kỹ thuật chia, tách phôi” kéo dài 5 năm (từ 2009 – 2015) bước đầu đã có kết quả nhưng từ khi đi vào triển khai đến nay vẫn chưa mang lại lợi ích thực tiễn. Giống bê lai tạo hiện nay vẫn chưa được đưa vào chăn nuôi đại trà trong khi nguồn kinh phí duy trì dự án đã cạn kiệt. Hay đề tài “Nghiên cứu xác định chỉ thị ADN liên quan đến khả năng khám bệnh cúm A/H5N1 của một số giống gà nội” đăng 4 bài báo và báo cáo khoa học, trong đó có 1 bài báo quốc tế, 2 bài báo trong nước và 1 báo cáo trên Hội nghị khoa học toàn quốc. Tuy nhiên, kết quả của công trình nghiên cứu vẫn chưa đưa vào ứng dụng thực tế, chưa sản xuất được vacxin phòng bệnh cung cấp đại trà.

Câu hỏi cần đặt ra là ngay từ đầu các dự án này có được bao nhiêu phần trăm thành công và ai đã là người xét duyệt? Và các dự án này có đưa vào ứng dụng thực tiễn được không hay chỉ là một bản báo cáo được nhiều người khen ngợi sau đó lại “cất vào ngăn tủ”?

Chính vì công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong việc xét duyệt và cấp kinh phí đã gây thiệt hại không nhỏ đến ngân sách nhà nước trong suốt thời gian qua. Đành rằng không phải nghiên cứu khoa học nào cũng thành công nhưng cần phải nhìn rõ hướng khả thi và lợi ích thực tiễn mà dự án mang lại thì mới không lãng phí tài nguyên, công sức và tiền bạc.

Nói tóm lại, người “chịu đòn” cuối cùng vẫn là người dân vì nguồn kinh phí cấp cho các dự án đều là tiền thuế của người dân nộp vào, nghiên cứu lại không mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội thì khác nào “quăng tiền qua cửa sổ”. Các cơ quan ban ngành có thẩm quyền cần phải xem xét lại khâu quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học. Từ khâu xét duyệt đề tài, cấp kinh phí đến khâu giám sát kiểm tra nhằm đảm bảo tính minh bạch và tránh lãng phí vào các đề tài vô bổ.

Như Yên

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều