+
Aa
-
like
comment

Câu chuyện về bộ âu phục đi mượn của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch

04/06/2021 08:46

Vừa qua, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, nhà báo Đan Mạch Thomas Bo Perdesen, người đã có 40 năm gắn bó với Việt Nam đã viết lại những câu chuyện ký ức đặc biệt của ông Thạch, vị chính khách, nhà ngoại giao lỗi lạc của Việt Nam được giới phương tây gọi bằng biệt danh “Con cáo bạc”.

Hà Nội, tháng 4/2021

Ở tuổi 66, Phạm Tuấn Phan giống cha mình một cách kinh ngạc. Đôi mắt rực lửa, những đường nét trên khuôn mặt điển trai, mái tóc dày điểm bạc. Chúng tôi gặp nhau ở một quán café tại Hà Nội để trò chuyện về cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

“Phan, uống bia vào giữa ngày thế này sẽ làm tôi gà gật mất”, tôi từ chối lời mời của Phan.

Tiếng cười của Phan bắt đầu cất lên khe khẽ, rồi sau đó vang lên sảng khoái khiến đôi mắt sắc sảo dịu lại. Phan giống cha anh nhiều đến nỗi khi nhìn anh, ký ức vụt đưa tôi về ngày mùng 2/6/1984, khi tôi lần đầu tiên gặp “Con cáo bạc” huyền thoại – biệt danh mà những nhà báo phương Tây đặt cho ông Thạch.

Cuộc gặp đầu tiên của tôi với ông Thạch cũng bắt đầu bằng tiếng cười lớn, sảng khoái đặc trưng và câu hỏi hóm hỉnh của ông.

“Thế nào, người Đan Mạch thích cái nào hơn – sự hiếu khách của Việt Nam hay Trung Quốc?”

Sáng hôm đó, ông Thạch đã đọc một bài báo trên tờ Nhân dân, mô tả “cuộc gặp” của chúng tôi với màn đạn pháo không được thân thiện lắm của Trung Quốc ở biên giới. Tình hình rất căng thẳng, sau khi Trung Quốc đã tấn công thị trấn biên giới Hà Giang một tuần trước đó. Cậu phóng viên ảnh và tôi đang đi cùng với nhóm trinh sát của Việt Nam thì phía Trung Quốc đột nhiên bắn một loạt đạn pháo lớn về phía chúng tôi.

Bức ảnh gia đình của ông Nguyễn Cơ Thạch

Vụ việc xảy ra đúng vào ngày sinh nhật thứ 29 của tôi, ngày được bắt đầu bằng hoa và bánh từ chủ nhà Việt Nam. Ngày hôm sau, câu chuyện này được đăng lên trang nhất tờ báo, và lời của phóng viên Đan Mạch được dẫn lại: “Việt Nam đón tôi bằng hoa, còn Trung Quốc thì đón bằng đạn pháo”.

Ông Thạch nháy mắt với tôi và nở một nụ cười tươi thân thiện.

Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Thạch là một trong số rất ít những chính khách cấp cao của Việt Nam có thế sử dụng tiếng Anh thành thục.

Sau nụ cười thân thiện về bài học với Trung Quốc ở biên giới, chén trà xanh được rót ra, ông Thạch ra dấu cho tôi rằng ông đã sẵn sàng trả lời các câu hỏi của tôi.

Tôi bắt đầu bằng một câu hỏi trực diện.

“Đã hơn 5 năm kể từ khi quân đội Việt Nam tiến vào Campuchia. Các nhà chỉ trích phương Tây đang thắc mắc liệu các ngài có định rút đi?”

“Quân đội Việt Nam sẽ không rời khỏi Campuchia cho đến khi lực lượng Pol Pot bị tiêu diệt hoàn toàn. Cuộc chiến chống lại Pol Pot là cuộc chiến tự vệ, cũng giống như các quân đội Xô – viết, Mỹ, Anh, Pháp cùng hành quân đến Berlin để tiêu diệt Hít-le và Đức quốc xã.”

Ông Thạch có vẻ không muốn bị cắt ngang và tiếp tục câu trả lời.

“Dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, toàn thể nhân dân Campuchia đứng trước nguy cơ chết đói, và hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu người đã chết. Dưới chế độ diệt chủng, kể cả bác sĩ và giáo viên cũng bị xử tử. Không có bệnh viện hay trường học khi chúng tôi đến Phnom Penh.

Hiện giờ, mới chỉ 5 năm sau khi chế độ Pol Pot sụp đổ.

Tình trạng lương thực vẫn cần được cải thiện nhưng không còn ai chết đói nữa. 1,6 triệu sinh viên trở lại trường học và dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang được cải thiện. Chúng tôi có thể hỗ trợ người láng giềng đứng dậy trên chính đôi chân của họ, mặc dù nguồn lực của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Chúng tôi vẫn là nước nghèo. Mỹ đã thua trong cuộc chiến tranh, nhưng họ vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại đất nước tôi trên các mặt ngoại giao, kinh tế và chính trị. Điều này gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho Việt Nam, nhưng sẽ không bao giờ ngăn được chúng tôi hỗ trợ bạn bè của mình ở Campuchia.

Vào tháng 1/1983, một phái đoàn các nhà ngoại giao cấp cao đã đến Campuchia. Tất nhiên, họ phản đổi sự hiện diện của quân đội Việt Nam nhưng họ phải thừa nhận rằng các điều kiện của người dân Campuchia đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.”

Ông Nguyễn Cơ Thạch với lấy tách trà, cho tôi có cơ hội để tiếp tục câu hỏi.

“Giới lãnh đạo phương Tây thì lại có đánh giá khác về tình hình. Một số cho rằng Việt Nam gần như là công cụ trong chiến lược vùng của Liên Xô để tạo ra một thành trì trong khu vực. Một số thậm chí còn nói rằng trên thực tế, ông là Bộ trưởng Ngoại giao của Liên Xô ở Đông Nam Á?”

Ngài Bộ trưởng đáp lại tôi bằng một tràng cười giòn giã khác.

“Đó là điều họ nói về đất nước tôi và về tôi à? Có rất ít quốc gia phải đổ nhiều xương máu để chống lại sự đô hộ của nước ngoài như Việt Nam. Mỗi cuộc chiến, chúng tôi đều phải chống trả với sự hy sinh rất lớn. Với lịch sử như vậy, làm sao anh có thể nghĩ Việt Nam sẽ chấp nhận sự đô hộ từ một cường quốc bên ngoài. Trung Quốc, Pháp và Mỹ đều đã không thành công.

Mặt khác, Liên Xô tôn trọng sự độc lập của Việt Nam. Chúng tôi biết ai là bạn, nhưng chúng tôi cũng không muốn có kẻ thù ở phương Tây hay nơi nào khác. Để tôi đưa cho anh một ví dụ: năm 1976, Việt Nam trở thành thành viên của Ngân hàng thế giới World Bank. Các nước phương Tây đã vui mừng chào đón chúng tôi.

Năm 1979, khi Mỹ và các đồng minh tiến hành bao vây, cấm vận về kinh tế với Việt Nam, chúng tôi nộp đơn xin làm thành viên của COMECOM, một tổ chức hợp tác kinh tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa.

Về nguyên tắc, chúng tôi muốn có quan hệ hữu nghị với Mỹ và tất cả các quốc gia trên thế giới. Như giờ đây, Việt Nam là thành viên của World Bank, mặc dù chúng tôi không được lợi từ các chương trình của World Bank và COMECOM. Chúng tôi không tự cô lập mình với các hệ thống chính trị và kinh tế khác. Giờ hãy thử nói về trường hợp của Đan Mạch. Tôi tin rằng Đan Mạch chỉ tham gia World Bank. Thế thì, sao các anh có thể ám chỉ Việt Nam đại diện cho định kiến chống lại phương Tây. Sự định kiến là ở phía các anh mới đúng chứ?”

Lần này, tiếng cười của ông Thạch đi kèm với một cái nháy mắt thân thiện.

Nhiều năm sau, tôi mới biết được rằng, lúc đó, ông Thạch đã đệ trình lên Thủ tướng một bản đề xuất chiến lược với nội dung chính là “Làm thế nào để thêm bạn, bớt thù”.

“Các nhà chỉ trích phương Tây cho rằng chính quyền Heng Samrin của Campuchia chỉ có thể tồn tại nhờ lực lượng quân đội của Việt Nam. Họ thậm chí gọi ông Heng Samrin là con rối của Việt Nam?”

“Trung Quốc, Mỹ, và một số nước phương Tây đang cố dùng luận điệu này như một nỗ lực nhằm che đậy quyết định ủng hộ Pol Pot của họ. Họ biết rất rõ rằng Pol Pot là tội phạm và kẻ giết người hàng loạt. Heng Samri đã lãnh đạo cuộc cách mạng chống lại Pol Pot ngay từ những ngày đầu vào năm 1977. Cuộc nổi dậy toàn diện chống lại Pol Pot chắc chắn không phải là do Việt Nam ngụy tạo. Cái mà anh đang thấy là kết quả trực tiếp của việc chế độ diệt chủng Pol Pot chống lại chính dân tộc mình.

Trung Quốc đang hỗ trợ quân sự lớn cho tàn dư của chế độ Pol Pot. Chính phủ Heng Samrin hiện có nhiệm vụ to lớn là tái thiết Campuchia. Nếu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia quá sớm sẽ khiến tình hình Campuchia thêm tồi tệ.”

Trong khi ngài Bộ trưởng nhấp một ngụm trà, tôi ghi nhanh một câu hỏi khác vào trong cuốn sổ.

“Sự hiện diện của quân đội Việt Nam ở Campuchia đã trở thành cái cớ cho Mỹ và đồng minh áp đặt lệnh cấm vận kinh tế chống lại Việt Nam. Người dân đất nước ngài đang phải trả giá đắt cho sự ủng hộ mà Việt Nam giành cho chính phủ Heng Samrin?”

Lần đầu tiên trong cuộc phỏng vấn, ông Thạch gật đầu tỏ ý đồng tình.

“Chúng tôi đúng là phải trả một cái giá rất đắt. Chúng tôi có cùng chung một vấn đề quan trọng với các bạn Lào và Campuchia: chúng tôi đang phải vất vả chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Nhưng nếu không tiếp tục công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, chúng tôi sẽ phải trả cái giá còn cao hơn thế trong tương lai.”

Chúng tôi tiếp tục một tuần trà nữa và tôi đưa ra thêm một loạt câu hỏi với ngài Bộ trưởng.

“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rằng Việt Nam phải chịu trách nhiệm về xung đột hiện tại giữa hai nước vì sự hiện diện của Việt Nam ở Campuchia?”

“Có thể những hành động khiêu khích của Trung Quốc hiện nay là một cố gắng của họ nhằm nâng cao sĩ khí của Pol Pot và các nhóm trung thành với Pol Pot. Nhưng, cuộc xung đột hiện nay còn bắt nguồn từ lịch sử xâm lược lâu dài của Trung Quốc đối với Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều con phố ở Hà Nội được đặt tên những anh hùng đã hy sinh để ngăn chặn quân Trung Quốc xâm lược. Trong 1.000 năm qua, người Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam ít nhất 10 lần, gần đây nhất là vào năm 1979.”

“Chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều bộ đội Việt Nam trong một chuyến thăm khu vực biên giới. Việt Nam đang chuẩn bị để sẵn sàng đương đầu với một cuộc xâm lược khác?”

“Ồ, anh đã có trải nghiệm của chính mình rồi đấy thôi, chạy khỏi trận pháo kích của Trung Quốc hôm qua ở Hà Giang. Tôi rất vui vì quân đội của chúng tôi đã đưa anh về an toàn sau cuộc chạm trán với người Trung Quốc.

Tôi xin cam đoan rằng Trung Quốc sẽ không dễ gì xâm lược được Việt Nam. Họ chỉ thành công một lần; tất cả các lần khác đều thất bại. Bản chất tôi là một người lạc quan. Chúng tôi cũng đã trải qua thời kỳ hòa bình lâu dài với Trung Quốc, đến 350 năm. Việt Nam tiếp tục nỗ lực cho mối quan hệ tốt nhất có thể với Trung Quốc, nhưng lịch sử cũng dạy chúng tôi chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.”

Nhà báo Thomas Bo Pedersen trao tặng tấm ảnh chân dung Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cho người con trai cả Phạm Tuấn Phan

Một tín hiệu được ông Lê Mai, người đi cùng hỗ trợ tôi kín đáo đưa ra. Thời gian sắp hết. Nhưng tôi không thể bỏ qua câu hỏi về vấn đề nhân quyền, một yếu tố cốt lõi trong rào cản chính trị nặng nề của phương Tây đối với Việt Nam.

“Việt Nam thường bị chỉ trích về các vấn đề nhân quyền. Một số nhà quan sát phương Tây đã so sánh các trại cải tạo của các ông với các trại tập trung của Đức Quốc xã.”

“Vậy ư? Hãy để tôi nhắc anh rằng một số nhà lãnh đạo cấp cao của Đức Quốc xã đã bị hành quyết sau Thế chiến thứ 2. Kể cả 40 năm sau, những người Do Thái vẫn tiếp tục truy lùng những tội phạm dưới thời Đức quốc xã còn sống. Có thể vì thế mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (ông Kissinger là người gốc Do Thái – ND) đã dự đoán rằng sẽ có một cuộc tắm máu xảy ra sau khi chúng tôi giải phóng Sài Gòn.

Tôi khuyên anh nên nhìn vào những thực tế đã xảy ra hơn là những cáo buộc vô căn cứ. Tại Việt Nam, không một người nào của chế độ miền Nam bị xử tử, mặc dù một số người trong số họ đã gây ra những tội ác dã man đối với nhân dân Việt Nam. Thay vào đó, chúng tôi đã đưa họ đi cải tạo và họ hầu hết đã được thả.

Vẫn còn một số ít người đang bị giam giữ, những người chịu trách nhiệm về các cuộc thảm sát chống lại các thường dân vô tội trong chiến tranh. Chúng tôi liên tục nhận được các đề nghị từ chính phủ Mỹ để phóng thích những người này. Thế nhưng khi chúng tôi đề nghị trả tự do để họ định cư ở Mỹ thì phía Mỹ lại từ chối. Họ không muốn những tội phạm này đi lại tự do ở đất nước của họ.”

Ông Thạch kết thúc buổi phỏng vấn bằng đề nghị thu xếp cho tôi sang Phnom Penh để tự mình chứng kiến rằng Campuchia đã không trở thành một trại giam giữ tù nhân của Việt Nam.

“Nếu anh không tin, hãy tự đến đó và chứng kiến”, ông nói rồi lại cất tiếng cười và tiếp lời: “Giờ thì mong anh thông cảm, vì tôi phải đi mượn bộ vest từ kho chính phủ – Tôi sắp có cuộc họp với phái đoàn LHQ. Chúng tôi phải tằn tiện mọi thứ, kể cả trang phục, vì lệnh cấm vận của phương Tây.”

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều