Câu chuyện “Tích trữ xăng vì giá rẻ”
Tiết kiệm vài nghìn đồng mỗi lít xăng có thể không nhiều ý nghĩa với cá nhân, nhưng lại quan trọng với người kinh doanh vận tải.
Minh Quang (42 tuổi, Thái Nguyên) kinh doanh dịch vụ vận tải cho biết từ khi giá xăng giảm mạnh, mỗi lần mua xăng, dầu, anh ý gửi tại nơi bán với số lượng 2.000-5.000 lít. Nếu so sánh giá xăng hiện tại là gần 12.000 đồng/lít với đầu năm là gần 20.000 đồng/lít, hiện mỗi lần mua, anh Quang tiết kiệm được 16-40 triệu đồng.
Với người làm xe dịch vụ như Quang, việc mua xăng theo hình thức ký gửi là không lạ. Thông thường, hợp đồng thường mỗi lần 1.000 lít, nhưng khi giá giảm, anh tăng số lượng lên vào lần để tận dụng khoản tiết kiệm được. Quang cho biết thêm, việc mua ký gửi thực tế chỉ được cây xăng áp dụng với các khách hàng lớn, thân thiết, nếu không sẽ rất khó.
Giá xăng bắt đầu giảm mạnh từ giữa tháng 3, khi tụt từ mốc 19.120 đồng/lít về 16.810 đồng/lít với RON 95, đến 13/4 thì về mức 11.930 đồng. Đây là mức rẻ nhất trong 11 năm qua, hồi 2009 giá xăng khoảng 11.000 đồng. Trên thế giới, giá dầu thô thậm chí về mức âm, kéo giá xăng, dầu giảm sâu trên nhiều thị trường.
Giá giảm luôn là tin vui với người kinh doanh vận tải. Nhưng không chỉ doanh nghiệp, các cá nhân cũng có nhu cầu tích trữ. Văn Lâm (29 tuổi, tài xế taxi, Nam Định) cho biết dùng nhiều thùng 20 lít đi mua xăng về chất đống trong sân nhà. Lâm cho biết, tích trữ xăng khá phổ biến với người chạy xe dịch vụ, nhất là ở tỉnh lẻ bởi thường ở nhà riêng, có không gian rộng rãi, dễ cất xếp hơn thành phố lớn.
Cơ hội của người mua lại là điều không vui với người bán. Trần Duy (33 tuổi, Hà Nội) quản lý một cây xăng tư nhân cho biết, trước đây cửa hàng anh cũng áp dụng hình thức ký gửi trả tiền trước với khách, vì giá xăng dầu luôn ổn định hoặc tăng, hiếm khi giảm. Nhưng với thực tế hiện nay, cửa hàng yêu cầu khách thanh toán sau, tránh phải bù lỗ.
“Chúng tôi vẫn làm phiếu cho các đối tác lớn nhưng sẽ hạch toán vào cuối tháng và trả tiền theo đợt, căn cứ theo giá thực tế chứ không làm như trước đây”, Duy cho biết. Việc thanh toán trước vẫn duy trì nhưng chỉ cho một số trường hợp được chỉ định hoặc đặc biệt như quốc phòng, an ninh hay các cơ quan ngoại giao.
Ông chủ các trạm xăng cũng cho biết tình trạng tích trữ chỉ xảy ra với người kinh doanh xe dịch vụ, với cá nhân thì rất hiếm, bởi nhu cầu sử dụng ít, số tiền tiết kiệm được không quá nhiều.
Tích trữ xăng, dầu tuy có lợi nhưng kéo theo đó nhiều rủi ro. Văn Tuấn, cán bộ phòng cháy chữa cháy khuyên chỉ nên mua xăng đủ nhu cầu, vì việc tích trữ rất dễ dẫn tới cháy nổ. “Người dân ở miền núi xa xôi hẻo lánh có thể tích trữ một vài can, chứ giữa thành phố mà tích trữ là không cần thiết”. Ngoài ra, tích trữ xăng, dầu cũng rất dễ bị coi là hành vi đầu cơ trục lợi, vi phạm pháp luật.
Dũng Đoàn/VNE