Câu chuyện “quả táo khuyết” từ bỏ Trung Quốc và cơ hội cho Việt Nam

Mới đây, các trang tin quốc tế đã đồng loạt cho đăng tải các bài viết với thông tin Apple vừa quyết định tăng tốc dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc và quốc gia mà họ hướng đến chính là Việt Nam và Ấn Độ.

Theo nhiều nguồn tin từ dữ liệu chuỗi cung ứng cho thấy, Apple đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành sản xuất Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cũng như hệ quả của thương chiến Mỹ – Trung.

Trong bối cảnh Apple đẩy nhanh chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến tiềm năng, nhận được nhiều sự chú ý của ông lớn công nghệ Mỹ.

Các tờ báo như Deccant Herald của Ấn Độ, Washington Post của Mỹ, một số nhật báo của Trung Quốc cũng xác nhận điều này. Theo đó, Apple đã quyết định tăng tốc quá trình dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và Ấn Độ sau cuộc khủng hoảng nhân sự tại Trung Quốc khi hàng loạt lao động nghỉ việc vì chiến dịch cải tổ Covid gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của hãng, khiến cho sản lượng sản phẩm của hãng sụt giảm nghiêm trọng và rủi ro tương lai rất lớn.

Mặc dù chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đang dần được dở bỏ, nhưng ít có khả năng các lao động đã trở về quê sẽ trở lại sớm. Nhiều lao động mới tuyển dụng gần đây cũng đang nghỉ việc làm dấy lên làn sóng lo ngại về khả năng tiếp tục đứt gãy chuỗi cung ứng và Apple đang quyết tâm tăng tốc quá trình dịch chuyển khỏi Trung Quốc nhanh hơn so với mục tiêu trước đó.

Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng, xu hướng rút lui của Apple sẽ còn tăng tốc hơn nữa nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng và mở rộng cứ điểm sản xuất.

Theo kế hoạch được tiết lộ bởi các nhân viên của hãng được đăng tải trên nhật báo Phố Wall, Apple sẽ chuyển khoảng 45% iPhone sang Ấn Độ, trong khi Việt Nam sẽ nhận phần tương tự với Ipad, Macbook, Apple Watch và các sản phẩm khác. Một số trang tin cũng chia sẻ những thông tin đáng chú ý hơn là ngoài Apple một loạt các công ty khác cũng đang làm điều tương tự.

“Nỗ lực đa dạng hóa của Apple, với các khoản đầu tư vào Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời tăng cường mua sắm từ Đài Loan, Mỹ và các nơi khác, đang định hình lại cấu trúc nguồn cung toàn cầu”, Reuters nhấn mạnh.

Chẳng hạn trên tờ seoul.co.kr của Hàn Quốc, trong một bài viết với tiêu đề Apple đang sôi sục trong cuộc khủng hoảng Trịnh Châu, mở rộng tiếp xúc với Ấn Độ và Việt Nam. Tờ báo này cho biết, không chỉ Apple mà một loạt những ông lớn khác cũng đang dịch chuyển sang Việt Nam với ít nhất 13,8 tỷ USD. Việc chuyển sang Việt Nam để giảm rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Cụ thể, tờ báo này viết, sản xuất thụt lùi do công nhân, nhà máy nghỉ việc lại vướng vào việc bị mỹ loại khỏi chuỗi cung ứng và quá mệt mỏi với chính sách Zero Covid của Trung Quốc. Apple đang đẩy nhanh kế hoạch nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là viên đá lót đường để chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam và Ấn Độ, phù hợp với động thái của Mỹ nhằm loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng.

Theo Wall Street, trong bối cảnh Apple đẩy nhanh chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, Việt Nam lại đang là điểm đến nhận được nhiều sự chú ý của “Táo khuyết”.

Như Sputnik đã từng đưa tin, JP Morgan cho biết, Apple dự kiến sẽ sản xuất 65% AirPods, 20% iPad cùng Apple Watch và 5% MacBook tại Việt Nam vào năm 2025. Trong khi đó, New York Times nhận định, Việt Nam là một trong những thị trường được hưởng lợi nhiều nhất khi Apple tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Foxconn, nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất của Apple, gần đây đã ký một thỏa thuận trị giá 300 triệu USD để mở rộng quy mô tại Việt Nam, với việc xây dựng một nhà máy mới dự kiến tạo ra 30.000 việc làm.

Hồi tháng 8, CEO Tim Cook đã nêu tên Việt Nam như là một trong 4 thị trường ghi nhận doanh thu trên hai con số, đóng góp nhiều vào khoản doanh thu kỷ lục 83 tỷ USD của hãng trong quý II, mặc cho những biến động tiêu cực của thị trường.

Giờ đây, Việt Nam đang nổi bật như một điểm đến đầu tư mới thay thế cho Trung Quốc.  Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng vượt 8% trong năm nay, bất chấp những khó khăn kinh tế toàn cầu nói chung và sự sụt giảm đơn hàng hiện tại của Việt Nam trong những tháng cuối năm nói riêng, quốc gia này sẽ vẫn tăng trưởng cao, vượt mục tiêu ban đầu đặt ra là 6-6,5%.

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đang tìm cách lấy Việt Nam làm bàn đạp để tiến vào ASEAN kể từ năm 2020 đến nay. Chỉ riêng nợ vốn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam đã đạt 13,88 tỷ USD. Việt Nam đang nhanh chóng chuyển đổi thành quốc gia có thu nhập trung bình cao sau khi chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường với nền kinh tế năng động nhất ASEAN.

Thế mạnh của Việt Nam mà các nhà đầu tư nước ngoài chú ý là vị trí chiến lược gần Trung Quốc, chi phí nhân công và sản xuất rẻ ổn định chính trị, xã hội. Ngoài ra, chiến lược xuyên suốt của quốc gia này luôn coi nhân lực, quy định và cơ sở hạ tầng là những nhiệm vụ cấp bách nhất để thoát bẫy thu nhập trung bình.

Như vậy, có những dấu chỉ rõ ràng cho thấy, thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ được “nâng hạng” trong hệ sinh thái của ông lớn công nghệ Hoa Kỳ, dù trước đó từng bị coi là thị trường hạng ba của Apple hồi năm 2019.

Thực hiện: Tuệ Ngô

Đồ họa: M.N