Bao năm nay, câu chuyện nhân quyền vẫn là vấn đề muôn thuở được nhiều quốc gia quan tâm. Trong tâm thế là người anh cả của thế giới, Mỹ luôn cho mình cái quyền giám sát, áp đặt một số tiêu chuẩn nhân quyền của mình lên nước khác. Đạo luật Magnitsky là một ví dụ điển hình.
Có lẽ nhiều người dân Mỹ biết về người công nhân mang tên Harvey Hill, 36 tuổi. Vì bị ông chủ nợ tiến lương, Hill đã đến đứng trước sân nhà ông chủ nhiều lần và bị bắt. Hill bị tòa án xử nặng vào tù thay vì chỉ bị xử phạt 500 USD. Sự áp bức trong tù buộc Hill phải phản kháng nhưng điều đó không có ý nghĩa. Tất cả đều ngó lơ trước những thương tích của Hill và cuối cùng người đàn ông này đã chết trong tù. Thời điểm đó, không một đạo luật nào được Quốc hội Mỹ ban hành để bảo vệ nhân quyền.
Nhưng đó chưa phải đỉnh điểm của câu chuyện vi phạm nhân quyền ở nước Mỹ. Cách đây hai năm, sự việc cảnh sát Mỹ ghì đầu gối lên cổ của một người đàn ông có tên George Floyd cho tới khi lịm dần đã gây ám ảnh nhiều người. Cái chết của công dân này cùng với câu nói “Làm ơn. Tôi không thở được!” đã làm dấy lên làn sóng biểu tình lan rộng sang các nước Châu Âu, hưởng ứng phong trào “Black Lives Matter”, thổi bùng “ngọn lửa” âm ỉ kéo dài nhiều thế kỷ qua về vấn nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Thời điểm đó, không một nghị sỹ hay một cơ quan, tổ chức nào của Mỹ lên tiếng thành lập một đạo luật để bảo đảm nhân quyền, chỉ có hàng nghìn binh sĩ và lực lượng thực thi pháp luật được trang bị vũ trang để đàn áp các đợt biểu tình.
Khi nhân quyền của nước Mỹ vẫn còn chưa được đảm bảo nhưng Thượng viện Mỹ lại lợi dụng vụ ông Sergei Magnitsky, một công dân người Nga bị bắt và chết trong nhà tù để chuẩn y một đề nghị áp dụng chế tài với các cá nhân, quan chức Nga. Họ ban hành cái gọi là Đạo luật Magnitsky. Tuy nhiên, đối tượng của chế tài đã được mở rộng, không chỉ đối với những quan chức Nga liên quan đến cái chết của ông Sergei Magnitsky, mà còn được áp dụng cho tất cả những cá nhân, quan chức ở các quốc gia khác mà Mỹ cho rằng vi phạm nhân quyền. Từ đó, Mỹ tự nâng đạo luật này lên là “Luật nhân quyền toàn cầu”. Hình thức trừng phạt là cấm nhập cảnh, đóng băng tài sản ở Mỹ, aáp đặt duy ý chí tiêu chuẩn của đất nước nước mình lên công dân nước khác một cách vô lý.
Tuy nhiên, đạo luật Magnitsky bị hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ phản đối bởi đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, vi phạm nguyên tắc các quốc gia đều bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau được ghi trong văn kiện này. Cụ thể, Điều 1, Khoản 2, Hiến chương Liên hợp quốc ghi: Tổ chức Liên hợp quốc ra đời nhằm “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc…”. Với điều luật Magnitsky nói trên, Mỹ tự áp đặt quan điểm pháp luật của mình lên các quốc gia khác là không thể chấp nhận được.
Hơn nữa, đối với Luật quốc tế về quyền con người, đạo luật nhân quyền toàn cầu Magnitsky đã vi phạm Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị, năm 1966. Điều 1 của Công ước quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết… Các quốc gia thành viên Công ước này phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc”. Như vậy, đạo luật Magnitsky hoàn toàn sai nguyên tắc khi can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Cứ ngỡ điều luật Magnitsky chẳng dính líu gì đến Việt Nam nhưng tổ chức khủng bố “Việt Tân” đã sử dụng những “báo cáo nhân quyền”, “thư ngỏ” cùng hàng loạt ấn phẩm, bài đăng xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam. Các vụ khởi tố, bắt giam những kẻ vi phạm pháp luật như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng,… lại bị vu cáo thành “vi phạm nhân quyền, đàn áp những nhà bất đồng chính kiến hay giam giữ tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị”. Ngày ngày, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các đối tượng, trang mạng chống phá vẫn “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, vừa ra rả luận điệu xuyên tạc, vừa kêu gọi các quốc gia, tổ chức nhân quyền quốc tế như HRW, Safeguard Defenders, Nhà xuất bản Tự do,… can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam, hướng lái theo ý đồ của họ. Cũng từ đây mà các tổ chức thiếu thiện cảm với Việt Nam mới có nhiều hành động nhằm kéo đạo luật Magnitsky về nước ta.
Dưới sự tiếp tay của tổ chức chống phá “Việt Tân”, một số ấn phẩm và Cẩm nang hướng dẫn áp dụng đạo luật Magnitsky của các tổ chức như Safeguard Defenders đã ra đời. Các ấn phẩm vừa xuyên tạc trắng trợn tình hình dân chủ, nhân quyền, vừa vi phạm quyền dân tộc tự quyết khi kêu gọi Mỹ thực thi đạo luật Magnitsky vào Việt Nam để trừng phạt các cá nhân, quan chức. Suy cho cùng là muốn gây khó khăn cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia vào các hoạt động quốc tế, khu vực.
Kể từ khi Việt Nam – Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước đã có sự thay đổi quan trọng. Cho tới ngày nay, quan hệ Việt – Mỹ đã mở rộng thêm nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước dựa trên nền tảng vững chắc đã xây dựng trong suốt nhiều năm qua, cùng với đó là nguyên tắc tôn trọng lợi ích, sự bình đẳng giữa hai quốc gia, không phân biệt lớn hay nhỏ,… chỉ hai bên cùng có lợi.
Với vị trí địa chính trị chiến lược của mình, Việt Nam đang trở thành đối tác tin cậy không thể thiếu của Mỹ. Điều này thể hiện qua nhiều hiệp định thương mại đã ký kết giữa hai nước. Đặc biệt, sự hỗ trợ lẫn nhau vượt qua đại dịch Covid-19 về vaccine, vật tư y tế,… là điều cả nhân dân hai nước đều ghi nhận và biết ơn. Hơn 15 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cùng 30,2 triệu USD phòng chống dịch là món quà quý giá mà Mỹ trao tặng Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng nhiều lần gửi đồ bảo hộ và vật tư y tế cho Mỹ. Có thể thấy, giữa Mỹ và Việt Nam luôn có một sợi dây gắn kết lợi ích hiện hữu, nó không chỉ xuất hiện trong bối cảnh hai nước đối mặt với dịch bệnh mà ngay cả những ngày bình thường, trên nhiều lĩnh vực. Đó là những bản hợp đồng mua bán tàu tuần tra cảnh sát biển, là bản hợp đồng mua bán, sửa chữa máy bay hay những bản ghi nhớ hợp tác khai thác dầu khí,… Chính những điều này là cơ sở để chúng ta tin rằng, Mỹ sẽ không dại gì dùng đạo luật Magnitsky để đánh đổi giá trị ngoại giao với Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.
Mới đây, bất chấp diễn biến dịch bệnh phức tạp ở Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vẫn đến thăm Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Tổng thống đã mở lời nâng cấp mối quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện chiến lược: “Mỹ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng. Trong lúc chúng ta đang ở đây, tôi cũng xin đề nghị chúng ta xem xem có thể làm gì để nâng cấp mối quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược”. Thậm chí, khi thăm khuôn viên xây dựng Đại sứ quán Mỹ mới, rộng 39.000m2 tại Hà Nội, một lần nữa, bà cũng phát biểu đầy ẩn ý: “Nó sẽ là một ngôi nhà, một cơ sở nơi những điều quan trọng sẽ xảy đến”.
Đã đến lúc những kẻ đang mượn tay các tổ chức quốc tế thiếu thiện cảm với Việt nam để kêu gọi Mỹ áp dụng đạo luật Magnitsky trừng phạt Việt Nam phải tỉnh mộng. Bởi vì lợi ích của chính nước Mỹ và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay thì Mỹ sẽ không bao giờ áp dụng luật Magnitsky. Trên hết, Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, có quyền tự quyết nên điều luật Magnitsky là bất khả thi đối với nước ta.
Thực hiện: Đặng Trường
Đồ họa: M.N