+
Aa
-
like
comment

Câu chuyện điều động và bổ nhiệm cán bộ tại TP HCM đang là điều đáng nói

Đỗ Mạnh - 20/07/2020 17:04

Câu chuyện điều động và bổ nhiệm cán bộ mới đây tại TP HCM đang là đề tài đang được dư luận hêt sức quan tâm với tâm trạng bức xúc. Điều đáng buồn là trường hợp của ông Trần Trọng Tuấn – Phó Chánh Văn phòng Thành ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM bị khởi tố chỉ sau 15 ngày nhận quyết định bổ nhiệm cương vị mới.

Người trong cuộc thì cho rằng việc bổ nhiệm cán bộ thực hiện đúng quy trình, nhưng câu hỏi đặt ra là đúng tại sao lại bị khởi tố chỉ 15 ngày sau khi đề bạt. Đây phải nói là đã có những sai sót nghiêm trọng quy trình đề bạt và bổ nhiệm cán bộ tại TP HCM. Việc cán bộ lên đến chức vụ Phó Chánh Văn phòng thành ủy, một vị trí mà hàng ngày thường xuyên tiếp xúc sinh hoạt với các cán bộ của các Sở và Ban ngành khác thì dù có che giấu đến đâu thì những biểu hiện tội phạm đến mức độ bị khởi tố chắc chắn sẽ không thể giấu được qua con mắt của những người xung quanh, đặc biệt là đối với cơ quan Công an. Trong khi đó trong quy trình xem xét đề bạt cán bộ bao giờ cũng có phần phải thăm dò ý kiến quần chúng. Vì vậy nếu cứ với cách làm hời hợt thiếu trách nhiệm, xuê xoa và cả nể như đã làm sẽ cảnh báo trong tương lai không xa không những chỉ có một ông Trần Trọng Tuấn, mà còn nhiều trường hợp khác.

Dư luận cho rằng khi cán bộ mắc phải những sai phạm đến mức bị khởi tố thì cơ quan nơi ông Tuấn làm việc chẳng lẽ không mảy may biết được dù là biểu hiện nhỏ nhất? Trường hợp biết tại sao không dám đấu tranh? Hay do phe cánh, nhóm lợi ích nhóm? Dư luận cho rằng những cán bộ thoái hóa, biến chất thường rất ma mãnh, thường xuyên chăm chút và tạo dựng cho mình một vỏ bọc tốt để che mắt quần chúng. Trên thực tế vỏ bọc đó chỉ có thể che mắt được những quan chức biến chất chứ không thể che mắt được đa số quần chúng nơi cán bộ đó công tác và nhân dân nơi đương sự sinh sống. Con mắt của quần chúng nhân dân từ trước đến nay như những hàn thử biểu có thể đánh giá được người tốt, kẻ xấu, người tin cậy được hay không đáng tin cậy. Có thể họ không biết cụ thể là cán bộ phạm tội gì nhưng về bản chất con người thì không thể giấu được. Ví dụ trong đời sống thường nhật nhân dân có quyền nghi ngờ khi phát hiện những công chức giàu lên một cách bất thường, mức sinh  hoạt của gia đình viên chức đó có mức cao hơn bất thường so với thu nhập chính đáng của đương sự và so với những người xung quanh. Khi đó nhân dân có quyền đặt câu hỏi và điều đó cũng giúp cơ quan chức năng  có thêm những hiểu biết chi tiết và có những đánh giá sát hơn trong quy trình đề bạt và bổ nhiệm cán bộ.

Hiện nay trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, để tránh những kiện cáo vu khống bôi nhọ cán bộ, những thông tin điều tra cán bộ luôn được được giữ bí mật. Đây có thể là vỏ bọc làm cho những thẩm tra viên không quan tâm đến những thông tin ngoài luồng và cho rằng việc phát hiện những sai phạm là việc của cơ quan tố tụng và thanh tra. Với những tư duy như thế rõ ràng đã làm cho công tác cán bộ trở nên thiếu khách quan và không chặt chẽ.

Chúng ta thừa hiểu việc thành hay bại trong mọi công việc đều có nguồn gốc xuất phát từ nhân sự, nhân sự tốt thì việc xấu sẽ dần tốt lên, nhân sự xấu thì việc tốt dần dần sẽ trở thành xấu. Vì vậy trong quá trình điều tra thì quy trình bổ nhiệm của cơ quan tổ chức không nên quá lộ liễu nhưng cũng không nhất thiết phải quá bí mật, nhất là đối với các cán bộ chủ chốt của các Sở, Ban, Ngành. Đối với những người được giao chịu trách nhiệm trình và đề bạt cán bộ, để tránh những hiện tượng bôi nhọ nói xấu cán bộ không có căn cứ, có thể xin ý kiến của cán bộ chủ chốt, cán bộ nơi địa phương nhân sự sinh sống để tham khảo thêm ý kiến. Quy trình này phải được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ với thông tin được bảo mật một cách tuyệt đối.

Trường hợp vừa bổ nhiệm đã bị kỉ luật như ông Trần Trọng Tuấn cần phải xem xét lại tư cách của người giới thiệu đề bạt bổ nhiệm, kiểm điểm chi bộ nơi ông Tuấn đã sinh hoạt trước khi ông Tuấn được bổ nhiệm.

Công tác cán bộ là công tác then chốt, vì vậy phải rất nghiêm túc và tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt nhằm không để lọt những cán bộ thoái hóa, biến chất leo cao, lên nhanh trong bộ máy chính quyền các cấp. Nhưng cũng không quá quan liêu mà bỏ sót nhân tài. Đặc biệt trong điều kiện chúng ta đang chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội lần thứ 13 của Đảng sắp tới. Việc cần làm là lựa chọn người có tài, có tâm, có tầm để phụng sự sự phát triển của đất nước chứ quyết không để lọt những người không đủ phẩm chất, đạo đức vào hàng ngũ lãnh đạo để đục khoét phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của nhân dân ta.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều