+
Aa
-
like
comment

Người lính Bộ đội Cụ Hồ đã sống thế nào trong thời bình?

Lê Văn Chung - 15/12/2021 13:00

Nhân kỉ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, BBT xin trích nguyên văn tâm sự của một quân nhân cũng chính là Cộng tác viên của Cánh Cò. Với những tâm tư từ chính người trong cuộc, hy vọng độc giả sẽ có thêm một góc nhìn khách quan và đầy đủ hơn về những người lính Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.

Lớn lên trong gia đình bố mẹ đều là lao động chân tay vất vả, lúc chưa vào mùa cấy hái, bố tôi đi làm thợ xây, còn mẹ tôi làm nhân viên dọn vệ sinh ở trung tâm thương mại. Nhìn thân hình bố gầy gò với làn da đen sạm do tiếp xúc với nắng nhiều, thật sự rất xót xa. Mẹ bắt đầu đi làm từ sáng sớm, có những hôm tối khuya mới về.

H Hình ảnh hai anh em Lê Văn Hoàng (bên trái) và Lê Văn Chung (bên phải)

Cũng chính sự hy sinh cao cả đấy đã là động lực rất lớn giúp tôi và anh trai song sinh thi đỗ vào trường quân sự. Anh tôi học trường Sĩ quan Pháo binh và tôi học tập tại Học viện Hậu cần. Ngày tôi và anh song sinh nhập ngũ là một trong những ngày hạnh phúc của cuộc đời, mở đầu cho cuộc đời binh nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi học tập với biết bao hoài bão và khát vọng cống hiến sức mình trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trường Sĩ quan Pháo binh và Học viện Hậu cần cơ sở 2 chỉ cách nhau chưa đầy 3km, nhưng suốt 4 năm học, chúng tôi chỉ ra ngoài cuối tuần gặp nhau vỏn vẹn vài lần đếm trên đầu ngón tay. Những lần nhớ nhà, thật may mắn khi tôi luôn nhận được sự sẻ chia của đồng chí đồng đội. Cũng vì một phần lý do đó mà tôi thêm yêu và tự hào mình là một quân nhân. Được sống và cống hiến sức mình vào sự phát triển của ngành Hậu cần Quân đội Nhân dân nói riêng và sự vững mạnh, hùng cường của Quân đội nói chung thật kiêu hãnh. Môi trường quân ngũ có kỷ luật thép, đã tôi luyện cho tôi ý chí kiên cường, khắc phục mọi khó khăn, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Những lần được giải quyết phép hè, phép Tết, không khí gia đình sôi nổi hẳn lên. Những giây phút ấy tôi trân quý và tận hưởng trọn vẹn từng giây. Bao nhiêu lần hai anh em bàn nhau Tết năm nay anh em về khác đợt phép, em về đợt 1 thì anh về đợt 2 để nhà bớt trống vắng ngày Tết. Sáng sớm mùng 2, khi không khí Tết trên quê hương còn chưa hết, tôi đã phải tạm biệt bố mẹ để theo xe khách lên đường ra đơn vị trực Tết. Mấy cái Tết đã như vậy, suốt 4 năm học chưa một lần gia đình nhà tôi đông đủ, được hưởng 1 cái Tết trọn vẹn với đầy đủ thành viên trong gia đình. Thực sự, đây đã là hình ảnh khá quen thuộc đối với các gia đình có người thân là quân nhân, những ngày lễ tết khi các gia đình khác đang sum vầy vui chơi cùng nhau thì còn có những người lính đang phải trực ở đơn vị, chỉ có thể gửi gắm nỗi nhớ gia đình qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi, nghe các thành viên khác trong gia đình hỏi thăm không về được mà chạnh lòng.

Tính đến nay cũng đã 10 tháng chưa về thăm nhà, cả tôi và anh trai đều đã tốt nghiệp và trở thành những người sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam nhưng do điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi vẫn chưa thể về. Tôi tin chắc rằng, không chỉ có chúng tôi và cũng không dừng lại ở 10 tháng, ngoài kia có biết bao nhiêu người lính, có bao người quân nhân nơi tuyến đầu chống dịch cũng đã lâu không về thăm gia đình. Một người bạn của tôi tham gia chống dịch Covid-19 tại TP.HCM kể rằng đã lâu lắm không được về nhà, cũng may công việc nhiều và liên tục nên quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thương. Đôi lúc có thời gian, bạn lại gọi về hỏi thăm gia đình và người yêu luôn phải giữ gìn sức khoẻ, không được chủ quan trong phòng chống dịch và kể họ nghe về sự tàn khốc của dịch bệnh mà chẳng bao giờ kêu ca, phàn nàn về công việc. Mệt chứ, vất vả chứ, khó khăn chứ nhưng nếu kể cho người thân thì cũng chỉ làm họ thêm lo lắng. Thật vinh quang, những người lính luôn lạc quan, yêu đời giữa những khó khăn, vất vả trong công việc “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…”. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được phục vụ Quân đội, tôi thực sự chưa bao giờ hết yêu cái nghề cao quý mà tôi đã lựa chọn.

Trong một chuyến công tác ở Thanh Hoá tuần vừa qua, đơn vị tôi đến cách nhà hơn chục km nhưng tôi cũng không thể ghé qua nhà vì đang thực hiện nhiệm vụ của đơn vị giao. Sẽ chẳng sao cả nếu tôi không tình cờ gặp người thân của mình, câu hỏi “Tí nữa cháu có về nhà không Trung” làm tôi xúc động quá, chỉ trực vỡ oà mà trả lời “Dạ không ạ, cháu đang thực hiện nhiệm vụ”. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi ấy sớm kết thúc để lại cho tôi thật nhiều suy ngẫm về công việc mà mình đã lựa chọn gắn bó.

Trên đây là câu chuyện của bản thân tôi, những khó khăn ấy cũng chưa là gì so với những sự hy sinh thầm lặng, những khó khăn với muôn vàn thử thách mà những người quân nhân khác phải đối mặt và vượt qua. Những nơi nào khó khăn, nguy hiểm, trong những thời khắc quan trọng, quyết định của đất nước đều có những người lính đang thực hiện nhiệm vụ. Chuyện gia đình, công việc, đơn vị, xã hội… tác động đa chiều đến người lính, thử thách họ phải kiên cường, mạnh mẽ và quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng cuộc sống.

Tối ngày 19/12 vừa qua, khi xem chương trình “Nghĩa tình quân dân”, tôi thực sự đã rất xúc động khi được biết về ý chí sắt đá, quyết tâm cao độ vượt qua khó khăn của đội ngũ các tổ y tế và các lực lượng tham gia chống dịch. Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch HĐND TP.HCM đã khẳng định rằng trong đợt dịch vừa qua, những người lính đã hỗ trợ nhân dân thành phố không chỉ bằng mệnh lệnh người chỉ huy mà còn bằng mệnh lệnh từ trái tim. Quả thật vậy, những người lính chúng tôi luôn phát huy hết khả năng của bản thân, tô thắm thêm truyền thống anh hùng “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Người lính là vậy, hy sinh lợi ích của bản thân, tạm gác chuyện cá nhân để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, để phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Thiết nghĩ cần có những chính sách phù hợp đối với quân nhân và thân nhân trong thời gian tới để cuộc sống của họ bớt những khó khăn và vất vả. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta cần sớm có những điều chỉnh về mức lương của LLVT, xây dựng chính sách quân đội và hậu phương quân đội vững chắc để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho quân nhân và hậu phương. Có như vậy, những người lính Bộ đội cụ Hồ có thể an tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tránh hiện tượng “Mà nào ngờ đâu thân anh nơi đây tâm trí nơi nào”.

Nhân ngày 22/12, xin được gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến những quân nhân đã và đang công tác trong Quân đội. Chào thi đua quyết thắng.

Quân nhân Lê Văn Chung

Bài mới
Đọc nhiều