+
Aa
-
like
comment

Cấp cứu đường không và quần thể y tế đa năng

29/12/2020 09:56

Sau chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 8-11-2019, sân bay cấp cứu bằng trực thăng trên nóc của tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng) chính thức được đưa vào hoạt động.

Cấp cứu đường không và quần thể y tế đa năng - Ảnh 1.
Sân bay cấp cứu đường không giúp “cướp” giờ vàng cứu người bệnh – Ảnh: DUYÊN PHAN

Trò chuyện với báo Tuổi Trẻ, Thiếu tướng – PGS.TS – Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc bệnh viện, chia sẻ: “Thiết lập được đường bay riêng là cả một niềm mơ ước suốt 30 năm. Có thể nói đường bay này đi vào hoạt động đã nối dài hành trình của bình yên và hi vọng, mang mục đích tối thượng, tất cả vì người bệnh, vì nhân dân, vì cộng đồng”.

Thỏa nguyện mơ ước 30 năm

* Ông vừa nhắc đến việc thiết lập được đường bay riêng là cả một niềm mơ ước suốt 30 năm qua…

– Tôi nhớ vào năm 1999, trong chuyến tháp tùng GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng – nguyên thứ trưởng Bộ Y tế – tham dự một hội nghị y tế ở Úc, tôi được chứng kiến những hình ảnh rất xúc động về một chuyến bay trực thăng cấp cứu thành công cho bệnh nhân đột quỵ trong vòng nửa tiếng đồng hồ.

Rồi những chuyến bay chuyển tạng ghép rất nhanh từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, hay qua phim ảnh tôi biết đến các đội phản ứng nhanh, cứu hộ hàng không.

Từ rất lâu tôi đã khao khát, mơ ước Việt Nam sớm có được trực thăng cứu hộ. Nhưng lúc bấy giờ đất nước đang khó khăn, thuốc men còn thiếu thốn nên việc đưa ra ý tưởng về trực thăng cứu hộ có gì đó hơi hão huyền.

Thời gian trôi qua với những đòi hỏi thực tế từ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân, chiến sĩ ở Trường Sa; tai nạn, thiên tai, thảm họa; từ nhiệm vụ của một đơn vị quân y với khả năng sẵn sàng tác chiến, ứng phó nhanh với các vấn đề y tế khẩn cấp càng trở nên cấp thiết đã thôi thúc chúng tôi phải quyết tâm sớm triển khai được một sân bay cấp cứu bằng trực thăng.

* Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong hoạt động cấp cứu ngoại viện, qua đó Bệnh viện Quân y 175 trở thành bệnh viện đầu tiên của cả nước có sân bay cấp cứu đường không đạt tiêu chuẩn quốc gia…

– Thực ra từ năm 2005 chúng ta đã có một cuộc diễn tập rất lớn về trực thăng. Nhưng để chuẩn hóa, mang tầm vóc của một sân bay đạt tiêu chuẩn quốc gia cho nhiều loại hình máy bay có thể tác chiến thì đến bây giờ mới có.

Chúng ta phải hình dung những ngày cao điểm bầu trời TP.HCM có khoảng 1.000 chuyến bay, kéo theo việc quản lý không lưu vô cùng phức tạp.

Do đó, để được cấp phép khai thác sân bay trực thăng cấp cứu đòi hỏi bệnh viện phải trải qua quá trình nghiệm thu, bay thử và hội đủ các điều kiện, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về trình độ bay, kỹ năng bay, thời tiết bay cũng như hai yếu tố bắt buộc phải đảm bảo đó là an ninh và an toàn hàng không.

Chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ rất lâu về việc ra mắt sân bay cấp cứu bằng trực thăng cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Sư đoàn 370 – binh chủng Phòng không không quân, Binh đoàn 18…

Cấp cứu đường không và quần thể y tế đa năng - Ảnh 2.
PGS.TS – Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc Bệnh viện Quân y 175

* Liệu đây có phải là giải pháp tối ưu cho hoạt động cứu hộ cứu nạn trong tương lai không, thưa ông?

– TP.HCM là một thành phố năng động, phát triển nhất cả nước nhưng cấp cứu còn gặp nhiều vấn đề hạn chế do các yếu tố về cơ sở hạ tầng, phương tiện cứu hộ, trang thiết bị y tế và kỹ năng, ý thức của con người.

Với vai trò, vị thế của mình, TP.HCM đòi hỏi cần phải có một trung tâm, hệ thống cấp cứu vừa nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo “cướp” được giờ vàng cứu sống người bệnh.

Một thực tế khá đáng tiếc ở TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là dù có đường sông chằng chịt nhưng hệ thống cấp cứu đường sông hiện là “con số 0”.

Khi cấp cứu đường bộ tắc, đường sông bỏ không là vô cùng uổng phí. Không chỉ thế, hiện nay để tổ chức một hệ thống cấp cứu có khả năng phản ứng nhanh đang là vấn đề hết sức nan giải.

Như vậy, nếu như chúng ta giải quyết được vấn đề cấp cứu đường không, củng cố đường bộ và phát triển thêm đường thủy, tôi tin chắc TP.HCM sẽ là địa phương đi đầu cả nước trong triển khai hệ thống cấp cứu – cứu hộ – cứu nạn đa năng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, đó là xây dựng thành phố phát triển toàn diện – văn minh – hiện đại – nghĩa tình.

Nối dài những hành trình hi vọng

* Tại lễ khánh thành Viện Chấn thương chỉnh hình cuối năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng bệnh viện phát triển thành một quần thể y tế đa năng mang tầm vóc khu vực, quốc tế… Bệnh viện đang làm gì để đáp ứng kỳ vọng đó?

– Đến nay việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng của bệnh viện cơ bản đã xong. Nhiệm vụ tiếp theo của chúng tôi là xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị.

Bệnh viện có mạng lưới hợp tác với 6 đối tác chiến lược là Hoa Kỳ, Úc, CHLB Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore với trên 200 bệnh viện, cơ sở y tế, trường đại học, viện nghiên cứu…

Mỗi năm có 50-60 chuyến viếng thăm của quan chức ngoại giao, nhà khoa học, chuyên gia, mỗi năm có 20-30 cán bộ, nhân viên của bệnh viện được gửi ra nước ngoài đào tạo.

Vậy trong quần thể y tế đa năng đó sẽ có gì? Đó là hệ thống các viện gồm Chấn thương chỉnh hình; Ung bướu và y học hạt nhân; Dưỡng lão; các trung tâm gồm Tim mạch, Thần kinh, Phục hồi chức năng, Cấp cứu, Huấn luyện đào tạo – Mô phỏng (tiêu chuẩn quốc tế), Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Khoa học – công nghệ và Đơn vị thử nghiệm lâm sàng phục vụ các yêu cầu về nghiên cứu khoa học.

Như vậy sẽ tạo ra một mô hình viện trong viện và viện – trường. Mô hình trung tâm đào tạo tập trung đào tạo sau đại học, các chứng chỉ đào tạo liên tục, chuyển giao kỹ thuật – công nghệ và đào tạo mô phỏng.

Quần thể y tế đa năng này khi đi vào hoạt động không chỉ đem lại giá trị người bệnh, mà sẽ là nơi thu hút nguồn nhân lực tạo cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ có năng lực chuyên môn, có khả năng ngoại ngữ và có ước mơ, hoài bão…

* Nhắc đến Bệnh viện Quân y 175, người ta thường nhớ đến các đóng góp cho y tế biển đảo, đặc biệt cấp cứu cho quân, dân Trường Sa…

– Chúng tôi tự hào khi vừa là người lính vừa là người thầy thuốc, bên cạnh bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc còn mang trong mình trọng trách bảo vệ sức khỏe cho chiến sĩ, người dân.

Từ khi Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa khánh thành (năm 2017), công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe quân và dân trên đảo đạt nhiều khởi sắc.

Hàng chục ngàn ngư dân được thăm khám điều trị, đặc biệt qua hệ thống Telemedicine, bệnh viện đã chỉ đạo và thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật phức tạp như đột quỵ não, đa chấn thương nặng, “mổ bắt con”…

Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đang là điểm tựa vững chắc đảm bảo chăm sóc sức khỏe để cán bộ, chiến sĩ và ngư dân yên tâm bám đảo, bám biển, góp phần thiết thực vào giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Những giai điệu từ trái tim

cap cuu truc thang
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn trong một lần sang Cộng hòa Nam Sudan, nơi các cán bộ Bệnh viện dã chiến đang làm nhiệm vụ – Ảnh: NV cung cấp

* Với rất nhiều ca khúc viết về Trường Sa, dường như âm nhạc chính là người bạn tri kỷ của ông?

– Dù cuộc sống có vất vả thế nào, tôi vẫn thấy vô cùng may mắn và hạnh phúc. May mắn bởi được sinh ra trên cuộc đời này và hạnh phúc bởi cuộc đời này đã giao cho tôi cùng lúc hai nhiệm vụ bảo vệ đất nước và chăm sóc sức khỏe người dân.

Người ta nói âm nhạc là sự xoa dịu nỗi đau về tâm hồn, còn y học xoa dịu nỗi đau về thể xác. Tôi hạnh phúc khi được làm cả hai việc ấy.

Thực tiễn cuộc sống đã cho tôi nhiều chất liệu để từ đó chuyển hóa thành những ca từ, giai điệu.

Đó không phải là cảm xúc thông thường của một người viết nhạc, với tôi đó là những giai điệu từ trái tim, là trách nhiệm phải chia sẻ cho cộng đồng, cho chính cả con người nơi mình đã gặp, đi qua.

Bằng âm nhạc của mình, tôi mong muốn viết nên những hành trình của ước mơ, của bình yên và hi vọng cho tất cả mọi người…

HOÀNG LỘC/TTO

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều