Cao ủy Nhân quyền mắc sai lầm khi vu cáo Việt Nam “ngăn cấm tự do ngôn luận”
Vừa qua, Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet đã quy kết 12 quốc gia vi pham nhân quyền, trong đó có Việt Nam khi cho rằng “Công an triệu tập, bắt 600 người về các phát biểu hay thông tin liên quan đến dịch Covid-19”.
Không phủ nhận việc cơ quan công an Việt Nam đã triệu tập nhiều đối tượng thông tin về dịch Covid-19 trên mạng xã hội lên làm việc và xử lý nhưng nguyên nhân xuất phát từ việc tung tin giả, sai sự thật chứ không phải vì cấm người dân theo dõi, trao đổi thông tin. Việt Nam khống chế và đẩy lùi thành công dịch Covid-19 không phải chỉ nhờ các biện pháp khoanh vùng cách ly nghiêm ngặt mà chính yếu nhờ vào việc ổn định, giữ vững tâm lý, tinh thần của người dân. Đó là nỗ lực chung của cả hệ thống chính quyền các cấp, các bộ ban gành từ Trung ương đến địa phương cũng như sự chủ động phối hợp, ý thức bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mỗi người dân. Ấy vậy mà, một số người lại cố tình tung tin sai sự thật lên mạng xã hội, xuyên tạc nỗ lực phòng chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị , gây hoang mang lòng dân, kích động làm mất trật tự xã hội. Nào là “Chợ Bình Chánh ngày mai chính thức bị phong tỏa… 15 ngày sau mới nhóm bán lại”, “TP Hồ Chí Minh bị phong tỏa 14 ngày vì dịch bệnh Covid-19”, “BV đa khoa Trung ương Cần Thơ có ca nhiễm Covid-19”,… thậm chí là “Đà Lạt có người tử vong vì Covid-19”.
Phải khẳng định chắc chắn một điều rằng, tính thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa để một trường hợp nào nhiễm nCoV tử vong, ngay cả bệnh nhân 91 rơi vào tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu cũng được các y bác sỹ Việt Nam cật lực cứu sống từ miệng hố tử thần. Điều này khiến không ít quốc gia trên thế giới kinh ngạc, thậm chí không tin đó là sự thật. Chắc chúng ta cũng từng biết tin phóng viên của hãng thông tấn Reuters không tin Việt Nam chống dịch hiệu quả nên đã đích thân đến nhà tang lễ tìm bằng chứng và cái kết họ buộc phải tin Việt Nam thôi. Đến nay thì đã có rất nhiều những tờ báo và cơ quan truyền thông quốc tế lớn đã thừa nhận và khen ngợi công tác chống dịch của Việt Nam. Như tờ Ouest của Pháp từng đăng bài viết “Không có trường hợp tử vong do virus corona: làm thế nào để giải thích bí quyết Việt Nam?” đã đề cập đến ba nguyên nhân: chiến lược chống dịch quyết liệt, nhanh, dập dịch có mục tiêu và khả năng tăng cường biện pháp bất cứ lúc nào. Ngay cả Đài phát thanh NPR của Mỹ cũng đã dẫn lời của Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ khen ngợi sự minh bạch, nhanh chóng thực hiện hàng loạt chiến thuật, gồm cách ly diện rộng, tích cực truy tìm những người tiếp xúc với người nhiễm virus Corona của Việt Nam. Điều này chứng minh rằng thông tin Việt Nam không có ca tử vong vì nhiễm nCoV đã được thế giới thừa nhận và nó giống như sự thật hiển nhiên. Vậy thì trường hợp nam thanh niên ở Lâm Đồng tung tin bịa đặt “Đà Lạt có người tử vong vì Covid-19” bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự cũng là hiển nhiên thôi.
Huống hồ trước đó, cơ quan truyền thông trong nước đã thông báo Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, bất kỳ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng phải chịu trách nhiệm với nội dung đăng tải trên mạng xã hội, nếu gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì sẽ bị xử lý theo quy định. Vậy thì không thể cứ nhân danh tự do ngôn luận để đăng tải, phát tán thông tin xuyên tạc rồi đứng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật được và càng không có chuyện bị xử phạt thì vu cáo ngược trở lại là vi phạm nhân quyền được.
Nguy hiểm nhất là sau những thông tin xuyên tạc được đăng tải trên mạng xã hội thì có không ít kẻ cơ hội chính trị đã lợi dụng chính thông tin sai sự thật này để chống phá Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực tới những biện pháp phòng, chống do các cơ quan chức năng triển khai,… Vậy thì đây không còn là hành động tự do ngôn luận nữa mà chính xác là khoác áo nhân quyền để phục vụ mưu đồ chính trị. Nếu Việt Nam không kiểm soát thông tin, để thông tin thất thiệt về dịch Covid-19 tràn lan trên mạng xã hội ngay từ đầu thì không chỉ gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người dân mà còn có nguy cơ gây bất ổn chính trị. Vì thế, việc triệu tập xử lý, ngăn chặn những hành vi như thế kịp thời là góp phần tạo nề nếp xã hội chứ không có chuyện vi phạm nhân quyền như bà Bachelet đã lên tiếng.
Bản báo cáo Nhân quyền lần này của bà M.Bachelet khiến người ta nhớ đến phát biểu của bà ngày 6/3/2020 tại Geneve (Thụy Sĩ), đề cập các hoạt động phòng, chống đại dịch Covid-19 của chính phủ các nước trên thế giới, bà nói rằng cởi mở, minh bạch là chìa khóa để trao quyền, khuyến khích mọi người tham gia các biện pháp được thiết kế nhằm bảo vệ sức khỏe của chính họ và mọi người, “giúp chống lại thông tin sai lệch hoặc giả mạo có thể gây hại lớn vì thúc đẩy sự sợ hãi và định kiến”. Đối với Việt Nam, cởi mở và minh bạch là một trong các yếu tố chìa khóa giúp phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, nhanh chóng khống chế dịch bệnh và bảo vệ tính mạng của người dân, được dư luận thế giới đánh giá rất cao. Với tin giả, thông tin xuyên tạc thì kể cả Chính phủ các nước trên thế giới và Việt Nam cũng đã kiên quyết xử lý loại hiện tượng này. Trong khi, như đã phân tích, những hành vi nói trên không phải là thực hiện quyền tự do ngôn luận mà là hành vi phá hoại xã hội, xâm phạm quyền và tính mạng của người khác. Lẽ ra, với vai trò ở Liên Hợp quốc thì Cao ủy Nhân quyền, đứng đầu là bà M.Bachelet phải ủng hộ các chính phủ trên thế giới xử lý hiện tượng tiêu cực để bảo vệ người dân, bảo vệ xã hội, thì nay họ lại đi bênh vực, biện hộ cho kẻ xấu, vu cáo Việt Nam và nhiều nước khác. Hành động đó không chỉ lấy làm đáng tiếc, mà cần phải bị Tổng Thư ký Liên Hợp quốc xem xét lại.
Nhân đây cũng nói thêm, nhân quyền của con người bao gồm rất nhiều hình thức như tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp,… và hình thức cao nhất của nhân quyền đó là quyền được sống. Nhưng hãy nhìn sang một số nước chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Mỹ có khoảng 114.000 người chết, Anh có 40.883 người chết, Pháp có 29.296 người chết, Trung Quốc có 4.634 người chết hay Chile, quê hương của bà Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc M.Bachelet cũng có 2.283 người chết. Vậy thì có gọi là “vi phạm nhân quyền” khi quyền cơ bản cao nhất nhất của con người là quyền được sống không được đảm bảo không?
Đặng Trường