Cao tốc Trung Lương sau hai năm dừng thu phí
Sau hai năm cao tốc TP HCM – Trung Lương dừng thu phí, lượng xe, số vụ tai nạn đều tăng, cần khoảng 300 tỷ đồng sửa chữa toàn tuyến đường.
Sáng 14/12, khu vực Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành, Tiền Giang) lượng ôtô đông, các xe nối đuôi ra vào cao tốc Trung Lương để về Sài Gòn và xuống miền Tây. 11 cabin thu phí đóng cửa im ỉm, bụi, mạng nhện phủ đầy.
Sau khi dừng thu phí, do xe chạy tốc độ cao qua khu vực không được kiểm soát, nhiều vụ ôtô va vào các trụ biển báo lẫn buồng thu phí, mảnh kính còn nằm vương vãi dưới mặt đường. Một số cửa kính cabin bị vỡ được dán lại bằng keo. Tại đầu trạm, đã có 4 biển cảnh báo cấm xe máy, nhưng hai nhân viên phải túc trực 24/24 nhằm phát hiện, ngăn chặn.
“Mỗi ngày có vài chục xe, cuối tuần lên đến cả trăm xe máy, đa số là người tỉnh khác không quen đường chạy vào cao tốc. Nếu chúng tôi không ngăn chặn, họ đi vào làn bên trong sẽ rất nguy hiểm”, nhân viên canh gác tại đây cho hay.
Dọc tuyến cao tốc dài gần 62 km, hàng rào hành lang đã được sửa nhiều lần, đóng lại các đoạn rào hở, nhưng tình trạng người dân phá rào vào cao tốc bắt xe, cắt cỏ vẫn tiếp diễn. Trên làn đường, những đoạn hằn lún, bong tróc nặng trước đây đã được dặm vá, thảm nhựa, tạo nhám mặt đường. Tuy nhiên, các ôtô vẫn chạy san sát nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn, nhiều chiếc còn chạy vào làn đường dừng khẩn cấp để vượt xe khác.
“Trong tình trạng trạm thu phí để mở, xe vào đông nên cao tốc giờ như đường làng, xe chạy bát nháo, đường có sửa thì vài tháng nữa lại hư tiếp, chạy không quen đường rất dễ gây tai nạn”, tài xế Lê Văn Linh nói.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang cho biết, từ khi dừng thu phí, các ôtô chạy trên cao tốc TP HCM – Trung Lương quá đông, dẫn đến quá tải đường, ảnh hưởng đến tốc độ của các xe, từ đó nguy cơ xảy ra tai nạn.
Sở đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, sớm cho thu phí lại, để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường huyết mạch này.
Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải) thông tin, trong hai năm dừng thu phí, trên cao tốc xảy ra 273 vụ va chạm giao thông, làm 16 người chết, 68 người bị thương, hàng trăm ôtô bị hư hỏng, tăng khoảng 1,5 lần so với trước đó. Do lượng xe tăng đột biến, khoảng 31%, cao điểm trên 51.000 xe mỗi ngày đêm, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng.
Từ tháng 7, Cục Quản lý đường bộ 4 đã chi 22 tỷ đồng để sửa 7 km đường, hiện đã hoàn thành. Ngoài ra, đơn vị cũng đã cho sửa hệ thống điều hành giao thông thông minh cao tốc trị giá hơn 38 triệu USD. Toàn bộ hệ thống camera, hệ thống điện, màn hình hư hỏng, phầm mền đang được sữa với chi phí khoảng 2,3 tỷ đồng từ vốn của Tổng Cục Đường bộ, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng này.
“Do thời gian cao tốc hoạt động đã 10 năm, nhiều đoạn đã xuống cấp, ước tính tổng kinh phí sửa chữa lại toàn tuyến khoảng 300 tỷ đồng. Do kinh phí giới hạn nên phải đầu tư theo từng năm, dự kiến năm sau xin vốn khoảng 60 tỷ đồng để làm lại một số đoạn đường xấu”, ông Thành nói.
Cao tốc TP HCM – Trung Lương có 4 làn xe, là cao tốc đầu tiên ở miền Nam nối TP HCM với tỉnh Long An, Tiền Giang, vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Năm 2010, tuyến cao tốc hoạt động nhưng hai năm sau mới thu phí. Bộ Giao thông Vận tải giao cho Tổng Công ty Cửu Long ký hợp đồng bán quyền thu phí cao tốc cho Công ty Yên Khánh với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, thời hạn 5 năm.
Từ 1/1/2019, cao tốc dừng thu phí sau khi hết hợp đồng, Tổng cục Đường bộ giao lại Cục Quản lý đường bộ 4 quản lý. Đầu tháng 7, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ sớm có thu phí trở lại đối với tuyến cao tốc này.
Hoàng Nam/ VNE