Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận “khát vốn” có nguy cơ dừng thi công?
Tháng 11/2019 không có vốn ngân sách và tín dụng thì công trình có nguy cơ dừng thi công vì nhà thầu và chủ đầu tư đã cạn kiệt vốn.
Dù đã được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ nhưng dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận (địa phận tỉnh Tiền Giang) hiện nay gặp khó khăn có nguy cơ dừng dự án trong tháng 11 vì cả nhà đầu tư, nhà thầu đều ở giai đoạn “cạn vốn”.
Điều này cũng có nghĩa là đến năm 2021, dự án đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận khó hoàn thành, thông xe như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự trông đợi của gần 20 triệu dân vùng ĐBSCL. Xoay quanh việc thực hiện dự án này, VOV có cuộc trao đổi với ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận.
PV: Ông cho biết cụ thể việc bổ sung nguồn vốn ngân sách đầu tư cho dự án đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận?
Ông Mai Mạnh Hồng: Nguồn vốn 2.186 tỷ đồng là vốn Nhà nước hỗ trợ cho dự án thay thế quyền thu phí đường cao tốc TPHCM- Trung Lương. Vì trước đây khi lập dự án được phê duyệt có việc thu phí đường cao tốc TPHCM- Trung Lương để hỗ trợ dự án. Sau khi Luật Đầu tư công ra đời, Chính phủ thay đổi phương án hỗ trợ thu phí cao tốc TPHCM- Trung Lương bằng việc hỗ trợ trực tiếp cho dự án bằng vốn ngân sách từ nguồn tăng thu năm 2018 là 2.186 tỷ đồng.
PV: Hiện tại, nguồn vốn này đã được dự án tiếp nhận hay chưa, thưa ông?
Ông Mai Mạnh Hồng: Hiện tại nguồn vốn đó đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua để bố trí cho dự án. Tuy nhiên, để nguồn vốn này về dự án thì tiếp theo là Bộ kế hoạch- Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Tiền Giang phải làm một số thủ tục nữa… nguồn vốn đó mới phân bổ về dự án. Hiện tại, dự án vẫn chưa nhận được.
PV: Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thì dự án còn có nguồn vốn rất lớn từ các gói tín dụng các ngân hàng. Ông có thể cho biết, việc triển khai các gói tín dụng này đến nay ra sao?
Ông Mai Mạnh Hồng: Vốn tín dụng thì hiện tại các ngân hàng thì đang thẩm định. Các ngân hàng như: Vietcombank, BIDV, Agribank… đang thực hiện và có báo cáo thẩm định chung sau đó có thẩm định riêng của từng ngân hàng. Hiện tại, vẫn chưa kết thúc việc thẩm định nên vốn tín dụng vẫn chưa bố trí được cho dự án.
PV: Những khó khăn về nguồn vốn ảnh hưởng như thế nào đến tiến độ và chất lượng công trình, thưa ông ?
Ông Mai Mạnh Hồng: Dự án vẫn được duy trì bằng mọi nỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu. Tuy nhiên, việc duy trì này từ tháng 3 đến nay. Khi chúng tôi vào thì đã cơ cấu lại khâu quản trị dự án, cơ cấu lại cách điều hành… Chúng tôi đã sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư, các nhà thầu cũng tự ứng vốn của mình ra, cùng với chủ đầu tư triển khai thi công. Vì nếu như dừng lại như hồi cuối năm 2018, thì không biết khi nào mới hoàn thành được.
Bây giờ chúng tôi cố gắng duy trì việc đó, chờ nguồn vốn của ngân sách cũng như vốn tín dụng. Tháng 11 này mà không có vốn thì chúng tôi cũng chịu, “lực bất tòng tâm” vì các nhà thầu đã cạn kiệt rồi và chủ đầu tư cũng đã bỏ ra toàn bộ nguồn vốn của mình rồi.
Chất lượng thì chúng tôi kiểm soát rất chặt chẽ. Ngay khi vào dự án, chúng tôi đã rà soát hệ thống các quy trình quy phạm và quy trình quản lý chất lượng, phần nào không đảm bảo chúng tôi đã cho điều chỉnh lại, siết chặt quản lý chất lượng trên công trường. Đồng thời, chúng tôi có Hội đồng cố vấn, các chuyên gia luôn theo sát dự án để điều chỉnh những bất cập trong dự án nhằm đảm bảo công trình đạt chất lượng tốt nhất.
PV: Nếu như trong tháng 11 tới, các nguồn vốn được “khai thông” thì theo ông liệu nhà đầu tư có đảm bảo tiến độ công trình đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ?
Ông Mai Mạnh Hồng: Nếu như tháng 11/2019, vốn ngân sách bố trí được cho dự án, ký được các hợp đồng tín dụng với các ngân hàng và các ngân hàng giải ngân, chúng tôi cam kết sẽ đảm ứng được tiến độ như Chính phủ đã yêu cầu, thông xe đưa vào sử dụng vào năm 2021.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nhật Trường/ VOV