Cao tốc Bắc – Nam: Ủng hộ nhà đầu tư nội thế nào?
Nhiều công trình giao thông đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn doanh nghiệp nội còn làm được, cửa làm cao tốc Bắc-Nam vẫn mở cho doanh nghiệp nội.
Vòng sơ tuyển 8 dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam theo phương thức đối tác công – tư (PPP) đã nhận 60 hồ sơ của các nhà đầu tư. Trong đó, nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia đứng độc lập hoặc liên danh với nhau và liên danh với nhà đầu tư nước ngoài.
Đã có nhiều ý kiến ủng hộ doanh nghiệp trong nước tham gia dự án cao tốc Bắc-Nam, tuy nhiên vì thiếu vốn, kinh nghiệm hạn chế nên dự án này vẫn là “cửa hẹp” đối với nhà đầu tư trong nước.
Nhiều nhà đầu tư trong nước thừa nhận, nhà đầu tư trong nước sẽ khó cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài nếu căn cứ theo tiêu chí Bộ GTVT đưa ra.
Chẳng hạn, tiêu chí vốn chủ sở hữu cho dự án tối thiểu phải chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án; nhà đầu tư phải từng tham gia dự án có tổng mức đầu tư bằng 50% tổng mức dự án đang xét…
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cao tốc Bắc-Nam là dự án quan trọng, được coi là trục xương sống quốc gia, vì thế việc chọn nhà đầu tư cần phải hết sức minh bạch ngay từ vòng sơ tuyển.
Đối với nhà đầu tư trong nước, ông khẳng định cửa vẫn mở để họ tham gia xây dựng cao tốc Bắc-Nam. Nhiều công trình xây dựng giao thông như hầm vượt núi, đường băng sân bay… phức tạp hơn doanh nghiệp Việt Nam còn làm được thì không thể nói họ không đủ khả năng làm đường cao tốc.
Mấu chốt nằm ở chỗ mọi thứ phải “theo quy định” và quy định do chủ đầu tư đặt ra.
“Các ưu tiên, ưu đãi trước hết không được vi phạm quy định của các hiệp định quốc tế, đấu thầu quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Có những quy định không thể “mềm” được, như quy định về chất lượng, tiến độ của dự án và nhà đầu tư bắt buộc phải tuân thủ. Song có những quy định vẫn có thể thay đổi để tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước tham gia mà không ảnh hưởng đến tổng thể công trình.
Chẳng hạn, với yêu cầu về vốn, có thể chia nhỏ các gói thầu của dự án cao tốc Bắc-Nam để nhà đầu tư trong nước tham gia. Gói thầu nào đòi hỏi trình độ kỹ thuật, công nghệ cao hơn thì thu hút nhà đầu tư quốc tế tham gia, hình thành các liên danh giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó các bên phải có sự cam kết, đảm bảo.
Tương tự, có thể ưu tiên, cộng điểm cho doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu trong nước, máy móc, thiết bị sẵn có của Việt Nam, lao động Việt Nam…
Dĩ nhiên, việc ưu tiên, ưu đãi đối với doanh nghiệp Việt vẫn phải xếp hàng sau yêu cầu đảm bảo về chất lượng, thời hạn, kỹ thuật, các yếu tố an toàn, an ninh kinh tế, chính trị, xã hội.
Trong cơ chế thị trường, nếu nhà đầu tư trong nước cũng dây dưa, kéo dài tiến độ thì chúng ta sẵn sàng thuê người khác”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Chính vì thế, nhìn lại danh sách các nhà đầu tư tham gia vòng sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam, vị chuyên gia một lần nữa khẳng định quan điểm: phải loại ngay từ đầu những doanh nghiệp “có vết” khi không hoàn thành dự án đúng cam kết, chất lượng không đảm bảo.
Đặc biệt, ông lưu ý phải cẩn trọng với các liên danh bởi nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư trong nước chỉ là người đứng tên để tham gia đấu thầu, còn thực chất họ không có vốn, không có công nghệ, kỹ thuật, phương án thi công dự án.
“Phải xem liên danh giữa nhà đầu tư Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ vốn liếng, đóng góp kỹ thuật công nghệ của nhà đầu tư Việt là bao nhiêu, nếu tỷ lệ đóng góp nghiêng về phía doanh nghiệp nước ngoài thì cuối cùng họ chỉ là mượn tiếng của doanh nghiệp Việt để hưởng ưu đãi.
Phải xem xét cụ thể, tỉ mỉ để nắm được thực lực của của doanh nghiệp Việt Nam trong liên danh là gì, tránh hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài mượn doanh nghiệp Việt Nam đứng tên đấu thầu, còn họ mới là người quyết định việc thi công, vốn liếng cũng như kỹ thuật… Trong trường hợp như vậy, liên danh ấy phải chấp nhận việc mình như một doanh nghiệp nước ngoài”, ông Thịnh lưu ý.
Hoài Nam