+
Aa
-
like
comment

Cao tốc Bắc-Nam: Không phải cứ nhà thầu ngoại là tốt

10/07/2019 09:32

Đã đến lúc Việt Nam cần làm một con đường cao tốc của riêng mình.

Đã đến lúc Việt Nam cần có đường cao tốc của riêng mình

Ngày 8/7, Ban quản lý dự án 6 thuộc Bộ Giao thông Vận tải (Ban quản lý) tổ chức sơ tuyển chọn nhà đầu tư thực hiện hai dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Diễn Châu (Nghệ An) và Diễn Châu – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).

Theo đó, các  nhà thầu Trung Quốc và Hàn Quốc đang chiếm ưu thế tại hai dự án này. Cụ thể, trong số 6 nhà đầu tư, liên danh dự thầu cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu, có 4 đơn vị từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt có 10 nhà đầu tư, liên danh dự thầu, trong đó có 7 đơn vị từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cao toc Bac-Nam: Khong phai cu nha thau ngoai la tot
Dự án cao tốc Bắc – Nam bắt đầu sơ tuyển. Ảnh: Khoa học và đời sống

Nhìn vào diễn biến trên, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Việt Nam không kỳ thị, phân biệt nhà đầu tư ngoại, bất kể đó là nhà đầu tư đến từ nước nào.

Tuy nhiên, các nhà thầu Trung Quốc và Hàn Quốc đều là hai nhà thầu lớn, thực hiện rất nhiều dự án ở Việt Nam nhưng hầu hết dự án nào cũng đều có vấn đề.

Các dự án Cát Linh – Hà Đông, cầu Vàm Cống… đang cho thấy không phải cứ nhà đầu tư nước ngoài nào cũng đều làm tốt.

“Đã đến lúc Việt Nam cần làm một con đường cao tốc của riêng mình”, GS Nguyễn Mãi nêu quan điểm.

Theo vị chuyên gia, hiện có rất nhiều nhà đầu tư trong nước có đủ tiềm năng, trình độ, kỹ thuật, đủ năng lực tài chính sẵn sàng bỏ vốn để được làm dự án cao tốc này.

Thực tế cũng có nhiều nhà đầu tư trong nước dù lần đầu thực hiện các dự án cao tốc lớn như Vân Đồn – Móng Cái, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn nhưng rất thành công, nhanh và rẻ.

“1km đường cao tốc do doanh nghiệp trong nước thực hiện đang có giá khoảng 4-5 triệu USD, thực hiện trong thời gian 2 năm trong khi nhiều tuyến đường cao tốc khác của Việt Nam do nhà thầu nước ngoài thực hiện đang có giá lên tới 20 triệu USD/1km đường, thời gian kéo dài đến chục năm, đắt gấp 4-5 lần nhà đầu tư trong nước thực hiện mà hiệu quả lại không cao”, vị GS chỉ rõ.

Vì sao vội làm?

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất vẫn nằm ở những quy định về thủ tục hành chính.  Theo GS Nguyễn Mại, không nên lo lắng dự án lớn, vốn nhiều, doanh nghiệp trong nước không đủ tiềm năng tài chính để tham gia. Bộ KHĐT, Bộ GTVT hoàn toàn có thể tham mưu chia nhỏ các dự án thành phần để thu hút các nhà đầu tư trong nước. Với cách làm này, ông tin chỉ trong khoảng vài năm là có thể hoàn thành dự án.

“Không nên lấy lý do doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được điều kiện theo quy định, bởi lẽ dự án là của chúng ta, vốn huy động là từ doanh nghiệp, “bóng trong chân chúng ta”, chúng ta hoàn toàn có quyền chủ động, tự tổ chức cách thức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

Đây không phải là dự án vay vốn ODA nước ngoài, không nhất thiết phải tổ chức đấu thầu quốc tế, cũng không bắt buộc phải để nhà đầu tư nước ngoài phải tham gia. Như vậy cũng sẽ tránh tình trạng bị phụ thuộc về vốn vay như: phải sử dụng nguyên liệu, máy móc, thậm chí là nhân công, lao động của nước cho vay”, vị GS nói.

Vì thế, vị chuyên gia cho rằng, không cần phải vội vàng thực hiện dự án ngay lúc này mà có thể lùi thời gian mở thầu đợi hoàn thiện dự án luật đầu tư công sửa đổi, mở cửa cho doanh nghiệp trong nước tham gia.

“Cũng đừng lo doanh nghiệp trong nước thiếu kinh nghiệm. Dù chưa từng thực hiện các dự án có nguồn vốn lớn tương đương nhưng cũng có thể lấy các dự án đã hoàn thành của doanh nghiệp trong nước làm thước đo đánh giá thang điểm tham khảo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước.

Tôi lấy ví dụ, chúng ta đã có cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Móng Cái – Vân Đồn, doanh nghiệp đã làm được thì không có lý do gì các dự án khác chúng ta lại không làm được”, GS Nguyễn Mại nói.

Điều vị chuyên gia lo ngại nhiều hơn đó là quá trình thiết kế các gói thầu, tổ chức đấu thầu có bảo đảm được tính công khai, minh bạch, khách quan, vô tư, hội đồng thẩm định, đánh giá, chấm thầu có phải là những chuyên gia độc lập, có chuyên môn không?

“Nếu ngay từ khâu thiết kế các gói thầu cho tới khâu tổ chức, tuyển chọn nhà thầu đã không bảo đảm được tính khách quan, công khai thì dù là tổ chức đấu thầu trong nước hay quốc tế cũng khó lựa chọn được nhà đầu tư uy tín, đủ năng lực, đủ trình độ, kinh nghiệm để tham gia.

Chưa nói tới những yếu tố tiêu cực, lợi ích có thể tham gia, chi phối, điều khiển quá trình này thì nguy cơ cao tốc Bắc – Nam lại đi theo vết xe đổ của các dự án khác là khó tránh khỏi”, GS Nguyễn Mại cảnh báo.

(Theo Đất Việt)

Bài mới
Đọc nhiều