+
Aa
-
like
comment

Cao tốc Bắc-Nam: Hóa giải nỗi lo nhà đầu tư Trung Quốc

23/07/2019 10:26

Các chuyên gia kinh tế, giao thông đã đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm hóa giải nỗi lo về nhà thầu Trung Quốc tại dự án cao tốc Bắc Nam.

Sau hơn 2 tháng chào bán và nhận hồ sơ sơ tuyển, toàn bộ 8 dự án PPP của tuyến cao tốc Bắc Nam đã hoàn thành việc mở thầu. Các dự án đã nhận được 60 bộ hồ sơ với tư cách độc lập và liên danh.

Theo thống kê, có 16 nhà đầu tư Trung Quốc đến sơ tuyển tại cao tốc Bắc Nam. Trong đó có nhiều công ty thuộc các tập đoàn đường sắt như Tập đoàn Cục 16 đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn Cục 21 đường sắt Trung Quốc, China Railway Construction Investment Group Co, China Railway Construction Corp…

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm số lượng đông nhất với 29 đơn vị. Tuy nhiên, không nhiều hồ sơ độc lập. Đa số doanh nghiệp chọn cách liên danh với nhau hoặc với nhà đầu tư Trung Quốc.

Nhiều ý kiến đã bày tỏ lo ngại về kịch bản nhà đầu tư Trung Quốc “áp đảo” tại các gói thầu cao tốc Bắc Nam. Làm thế nào để chúng ta có thể chọn ra được những nhà thầu chất lượng, uy tín để tham gia vào dự án?.

Ưu tiên nhà thầu nội

Trao đổi với Đất Việt, TS. Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông cho rằng, theo luật đấu thầu quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện đều có thể tham gia đấu thầu thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam. Chúng ta không thể ngăn cấm họ.

Vì thế, theo TS. Thủy, chúng ta nên có một định chế riêng đối với các nhà đầu tư nội. Định chế này không vi phạm luật đấu thầu quốc tế, giúp các nhà đầu tư nội có cơ hội để cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài.

“Đối với các nhà đầu tư ngoại, chúng ta biết rõ nhà đầu tư nào làm tốt, làm nghiêm túc, nhà đầu tư nào hay sử dụng chiêu trò, gây khó khăn. Chính vì thế, khi xuất hiện các nhà đầu tư Trung Quốc tại các gói thầu dự án cao tốc Bắc Nam, báo chí và dư luận đều cảm thấy lo lắng.

Theo tôi, chỉ có cách duy nhất là các bộ ngành quản lý cần có cách ứng xử khéo léo để đưa ra một định chế riêng đối với các nhà đầu tư nội. Định chế này không vi phạm các điều khoản về luật đấu thầu quốc tế, trong đó có những tiêu chí mà Việt Nam có quyền được đề ra. Giả sử số điểm trúng thầu là 10 thì nhà đầu tư nội chỉ cần đáp ứng 8 điểm. Chúng ta cần tận dụng những điểm này để đưa nhà đầu tư nội vào dự án cao tốc Bắc Nam.

Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được dự án cao tốc Bắc Nam như Tổng công ty Sông Đà, các Cienco (các tổng công ty xây dựng công trình giao thông), Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Trường Sơn… Đây đều là những doanh nghiệp có đủ thiết bị, công nghệ và đặc biệt là có kinh nghiệm trong việc thực hiện các công trình lớn”, vị chuyên gia giao thông nêu quan điểm.

Cao toc Bac-Nam: Hoa giai noi lo nha dau tu Trung Quoc
Việt Nam nên có một định chế riêng đối với các nhà đầu tư nội. Ảnh minh họa

TS.Nguyễn Xuân Thủy phân tích, sở dĩ chúng ta cần có một định chế riêng cho nhà đầu tư nội là vì các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu rất nhiều thế mạnh. Họ chuyên đi đấu thầu quốc tế, họ có nguồn lực tài chính mạnh, có công nghệ, có nhiều mánh khóe, chiêu trò trong khi nhà đầu tư nội lại không có nhiều kinh nghiệm trong đấu thầu quốc tế.

“Nếu cần thiết, để cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nội cần liên kết với nhau để đáp ứng các tiêu chí về tài chính, công nghệ, ý tưởng… Chúng ta có lợi thế về giá nhân công rẻ, thiết bị vật tư tại chỗ, phí quản lý thấp, chỉ cần đảm bảo được các tiêu chuẩn quốc tế (AASHTO) chúng ta hoàn toàn có cơ hội trúng thầu dự án này. Làm sao trong 8 dự án PPP thành phần, ít nhất nhà đầu tư nội trúng thầu được 4.

Nếu để các nhà đầu tư nước ngoài thoải mái đấu thầu thì họ rất dễ thắng thầu, mà thắng thầu thì rất phức tạp. Vì sao? Chúng ta có quá nhiều bài học liên quan đến nhà thầu nước ngoài, mà nói thẳng ra là Trung Quốc. Chúng ta non tay trong vấn đề quản lý các nhà thầu quốc tế, thiếu bản lĩnh, thiếu quyết đoán, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, gây bức xúc cho nhân dân”, ông Thủy phân tích.

Đề cập đến việc Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc, công ty mẹ của công ty TNHH Cục 6 đường sắt Trung Quốc, đơn vị tổng thầu đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng tham gia đấu thầu dự án cao tốc Bắc Nam, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh, đối với những nhà đầu tư đã có “vết” cần phải có những “điểm trừ” thật nặng, thậm chí thẳng tay loại bỏ nhà đầu tư đó ra khỏi các gói thầu họ tham gia.

“Đây cũng là một hình thức cảnh cáo đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào các dự án ở Việt Nam. Chúng ta cần nói rõ với họ rằng, dự án Cát Linh – Hà Đông đã ảnh hưởng tiêu cực như thế nào. Làm sao để những nhà đầu tư nước ngoài vừa sợ, vừa phục. Trên cơ sở đó đảm bảo được chất lượng công trình, đảm bảo về công nghệ, đảm bảo được tiến độ…”, ông Thủy nói.

Theo nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông, ngoài những vấn đề nói trên, bản thân lãnh đạo các bộ ngành cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, ứng xử một cách khéo léo. Làm sao công tác đấu thầu được đảm bảo minh bạch, chọn ra được những nhà thầu có năng lực để thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam – một đại công trình mang tính lịch sử.

Cần cơ chế mở

Đồng tình với quan điểm với TS. Nguyễn Xuân Thủy, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế – Học viện Tài chính) cho rằng, cần có một định chế riêng đối với các nhà đầu tư nội, khuyến khích họ tham gia vào dự án mà không vi phạm luật đấu thầu quốc tế.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia kinh tế, để có thể lựa chọn được những nhà đầu tư chất lượng, uy tín thì trước hết đội ngũ chấm thầu phải công tâm, minh bạch. Bên cạnh đó, việc soạn thảo hợp đồng của các gói thầu cũng rất quan trọng.

“Hợp đồng càng cụ thể, tỉ mỉ, rõ ràng chi tiết thì sau này xử lý càng dễ. Cần phải đưa vào bản hợp đồng những quy định mang tính bắt buộc, ví dụ nếu ông trúng thầu ông không được bán cho các nhà thầu khác. Khi anh trúng thầu dứt khoát phải có đặt cọc, để từ đó anh phải có trách nhiệm thi công dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, nếu không sẽ buộc anh bồi thường”, TS. Thịnh lưu ý.

Ông Thịnh cho rằng, liên danh nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài cũng là một vấn đề rất đau đầu. Phải có quy định rõ ràng, cụ thể trong liên danh, doanh nghiệp ngoại chịu trách nhiệm đến đâu, doanh nghiệp trong nước chịu đến đâu.

Nếu liên danh mà doanh nghiệp nước ngoài chiếm vai trò chính thì phải cư xử như doanh nghiệp nước ngoài; ngược lại nếu doanh nghiệp trong nước chiếm vai trò chính thì được cư xử và hưởng các ưu đãi như doanh nghiệp trong nước.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chúng ta nên có một cơ chế mở trong trường hợp không đủ nhà đầu tư uy tín tham gia đấu thầu. Cơ chế mở ở đây cho phép một số nhà đầu tư có tên tuổi ở các quốc gia phát triển có ý định tham gia vào dự án cao tốc Bắc Nam được tham gia đấu thầu mà không cần thông qua sơ tuyển.

Cơ chế mở này cũng cần những điều khoản cụ thể. Nó chỉ áp dụng đối với những nhà đầu tư có năng lực tài chính, có công nghệ hiện đại, và uy tín. Còn đối với những nhà đầu tư “làng nhàng” thì vẫn phải trải qua giai đoạn sơ tuyển bình thường. Tránh hiện tượng các nhà đầu tư yếu kém lợi dụng điểm này để tham gia dự án.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để thu hút các nhà đầu tư nổi tiếng, ông Thịnh cho rằng: “Đây là một bài toán khó đối với Việt Nam, một phần là do công tác quảng bá và mời chào các nhà đầu tư nước ngoài chưa được tốt. Bên cạnh đó, các gói thầu của chúng ta còn thiếu cụ thể, thiếu chi tiết, thiếu điều kiện ràng buộc, trách nhiệm cụ thể của các bên tham gia.

Đây là vấn đề mà chúng ta phải giải quyết nhanh chóng để thu hút các nhà đầu tư uy tín tham gia vào các dự án sau này của tuyến cao tốc Bắc Nam.

Trước đây, một số nhà đầu tư nước ngoài đã tới Việt Nam thăm dò nhưng rồi họ lại bỏ đi. Một trong những vấn đề họ băn khoăn là chi phí không chính thức.

Khi họ phải tốn quá nhiều chi phí không chính thức thì họ sẽ phải cắt bớt cái này cái kia, khi đó chất lượng công trình sẽ không được đảm bảo và họ sẽ không chấp nhận kiểu làm ăn gian dối đó. Nhà đầu tư ở các nước phát triển rất ghét điều này.

Đây cũng là bài họcđối với Việt Nam. Nhà đầu tư tại các nước phát triển cần một môi trường đầu tư minh bạch, nếu như chúng ta đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ chế chính sách để họ yên tâm thực hiện dự án thì tôi tin chắc rằng họ sẵn sàng làm việc với chúng ta”.

(Theo Đất Việt)

Bài mới
Đọc nhiều