Cao tốc Bắc – Nam được triển khai ra sao sau hủy đấu thầu quốc tế?
Về mặt trình tự, thủ tục, đấu thầu quốc tế hay đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư đều giống nhau, chỉ khác nhau ở tư cách của nhà đầu tư…
Ngày 24/9, Bộ GTVT đã phát đi thông tin về việc hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP (hình thức Đối tác công tư) cao tốc Bắc – Nam.
Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư vào đầu tháng 10/2019 và sẽ hoàn thành công tác sơ tuyển trong tháng 1/2020.
Dự kiến, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư vào đầu tháng 10/2019 và sẽ hoàn thành công tác sơ tuyển trong tháng 1/2020.
Điều chỉnh hồ sơ mời thầu của nhà đầu tư
Liên quan đến công tác triển khai dự án này, theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP, Bộ GTVT) cho biết: “Về mặt trình tự, thủ tục, đấu thầu quốc tế hay đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư đều giống nhau, chỉ khác nhau ở tư cách của nhà đầu tư”.
Đề cập đến công tác sơ tuyển nhà đầu tư, ông Huy cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam.
“Dự kiến, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư vào đầu tháng 10/2019 và sẽ hoàn thành công tác sơ tuyển trong tháng 1/2020”, ông Huy nói và cho biết, dự kiến từ tháng 2/2020, Bộ GTVT bắt đầu tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
“Trường hợp đấu thầu thành công, so với tiến độ đã báo cáo Quốc hội trước đây sẽ chậm hơn khoảng 3 tháng. Chúng tôi đang phấn đấu đến tháng 6/2020 sẽ khởi công dự án cao tốc Bắc – Nam đầu tiên thực hiện theo hình thức PPP”, ông Huy chia sẻ.
Liên quan đến tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, ông Huy cho biết, vừa qua, trong dư luận xã hội có một số ý kiến cho rằng, tiêu chí về năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư trong hồ sơ sơ tuyển quốc tế của 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam là quá cao so với khả năng của các nhà đầu tư trong nước.
Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ sơ tuyển hiện nay, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư xem xét lại tiêu chí về năng lực kinh nghiệm nhằm tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư trong nước có thể tham gia, từ đó làm tăng tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả các dự án cao tốc Bắc – Nam.
Tuy nhiên, về năng lực tài chính của nhà đầu tư, ông Huy cũng khẳng định, Bộ GTVT sẽ vẫn giữ nguyên các tiêu chí theo đúng quy định của Nghị quyết 20/2018 của Chính phủ. Cụ thể, nhà đầu tư tham gia dự án phải đảm bảo yêu cầu vốn chủ sở hữu phải đáp ứng tối thiểu 20% tổng mức đầu tư dự án và nhà đầu tư phải có cam kết cho vay của ngân hàng tài trợ vốn tín dụng.
Theo ông Huy, có hai vấn đề mấu chốt quyết định sự thành công của 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Thứ nhất, phải chọn được nhà đầu tư mạnh, có đủ tiềm lực tài chính và năng lực kinh nghiệm. Thứ hai là phải tháo gỡ được các vướng mắc về nguôn vốn tín dụng cho các dự án PPP giao thông.
“Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại nới hạn mức cho vay và có cách thức huy động vốn cho vay đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam”, ông Huy nói và biết thêm, để dự án cao tốc Bắc – Nam triển khai thành công rất cần sự tham gia vào cuộc của các tập đoàn lớn trong nước có tiềm lực mạnh về tài chính, kinh nghiệm đầu tư.
Là đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ triển khai hai dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu và Diễn Châu – Bãi Vọt, đại diện Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) cho biết, dự kiến đầu tháng 10/2019, đơn vị sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư của 2 dự án cao tốc nói trên.
“Theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015, thời gian phát hành hồ sơ mời sơ tuyển tối thiểu là 30 ngày. Đối với hình thức đấu thầu trong nước lựa chọn nhà đầu tư, thời gian chuẩn bị của các nhà đầu tư là 60 ngày, rút ngắn 30 ngày so với đấu thầu quốc tế (90 ngày)”, đại diện Ban QLDA 6 thông tin.
“Khi chuyển đổi hình thức lựa chọn nhà đầu tư từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước sẽ tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia, làm tăng tính cạnh tranh, minh bạch của các dự án cao tốc Bắc – Nam”, đại diện Ban QLDA6 nói và cho biết thêm, trong trường hợp đấu thầu thành công, dự kiến tháng 5/2020, hai dự án cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu và Diễn Châu – Bãi Vọt sẽ ký được hợp đồng với nhà đầu tư và triển khai thi công từ tháng 6/2019.
Chuyên gia kỳ vọng, nhà đầu tư nội “thở phào”
Dưới góc độ của nhà đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất Việt Nam hiện nay, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, Bộ GTVT hủy đấu thầu quốc tế đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam để chuyển sang đấu thầu trong nước là tin vui lớn đối các doanh nghiệp trong nước vì họ có nhiều cơ hội tham gia đầu tư các dự án này.
Tuy nhiên, ông Thế nhận định, để triển khai thành công 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đấu thầu trong nước lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT cần xem xét, điều chỉnh các tiêu chí về năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính của nhà đầu tư trong hồ sơ mời sơ tuyển so với trước đây.
Đơn cử, đối với tiêu chí về vốn chủ sở hữu chỉ cần xét tổng vốn chủ sở hữu của cả liên danh nhà đầu tư đáp ứng là được, không cần xét đến từng doanh nghiệp trong liên danh, đồng thời, trong hồ sơ sơ tuyển, Bộ GTVT cần bổ sung tiêu chí về năng lực quản lý dự án của các nhà đầu tư,…
“Trong quá trình thực hiện đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam, cơ quan nhà nước cần phải triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách, đặc biệt là sự phối hợp của các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng phải hỗ trợ cho vay đối với các dự án hạ tầng, nhất là những dự án giao thông. Tuy nhiên, phía các ngân hàng lại liên tục phớt lờ”, ông Thế nói.
Theo ông Trần Văn Thế, Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt yêu cầu các ngân hàng vào cuộc, cần thiết Chính phủ phải tăng vốn cho các ngân hàng thương mại để có nguồn vốn cho vay đối với các dự án cao tốc Bắc – Nam.
Bên lề hội thảo “Thúc đẩy hạ tầng đường sắt phát triển: nút thắt và giải pháp” được tổ chức tại Văn phòng Quốc hội chiều 25/9, ông Dương Trung Quốc (Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam) cho rằng, việc hủy thầu quốc tế tìm nhà đầu tư 1 số đoạn cao tốc Bắc – Nam của Bộ GTVT là do khách quan, dựa trên kết quả thực tế triển khai.
Quyết định này giúp các nhà đầu tư trong nước thở phào. Dù là nhà đầu tư nào thì cũng phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Trước đây, chúng ta đã thực hiện nhiều công trình lớn với nguồn lực trong nước, như đường dây 500kV Bắc – Nam, cầu Bạch Đằng…Điều đó cho thấy doanh nghiệp nội hoàn toàn tự làm được nếu có cơ chế, chính sách phù hợp, đãi ngộ tốt.
“Nếu biết tập hợp lực lượng, các bên đều quan tâm tới lợi ích chung của đất nước, lợi ích nhà đầu tư trên cơ sở minh bạch để người dân tin tưởng, tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được”, ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, trên thế giới đã có nhiều quốc gia thực hiện các dự án BOT thành công, nên chúng ta có thể điều chỉnh từ nhà đầu tư tới ngân hàng, chính quyền để không lặp lại các vấn đề như 1 số dự án BOT đường bộ vừa qua.
Còn chuyên gia giao thông – TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, trên thế giới, việc mở thầu rồi huỷ thầu không lạ, miễn là các vấn đề được công bố công khai. Với 8 đoạn kêu gọi BOT cao tốc Bắc – Nam, ban đầu có thể Bộ GTVT kỳ vọng kêu gọi được dòng vốn nước ngoài vào đầu tư hoàn thiện toàn tuyến trong thời gian ngắn. Khi ngân sách nhà nước còn khó khăn, dòng tín dụng cho BOT đã chiếm tỷ lệ cao tại các ngân hàng trong nước, khó vay thêm.
Tuy nhiên, thực tế thay đổi, chúng ta phải hủy. Hơn nữa, đây mới là bước sơ tuyển. “Việc chúng ta huỷ là quyết tâm rất lớn, không cố đấm ăn xôi, trong bối cảnh quốc tế có những biến động. Quyết định này có thể khiến dự án cao tốc Bắc – Nam khó đạt tiến độ như kỳ vọng, thậm chí nhiều năm nữa mới xong, nhưng hủy là cần thiết”, ông Đức nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, năng lực kỹ thuật trong nước, vật tư, tay nghề người lao động Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình lớn như cao tốc Bắc – Nam. Trở ngại duy nhất là vốn, nhưng vấn đề này mình Bộ GTVT khó giải quyết.
Rút kinh nghiệm các dự án BOT đường bộ đã thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 về một số định hướng riêng cho dự án cao tốc Bắc – Nam. Theo đó, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia dự án phải bằng 20% tổng vốn đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định thông qua đấu thầu cạnh tranh.
Trong 6 tháng ký hợp đồng BOT, nhà đầu tư không ký được hợp đồng tín dụng để bố trí vốn triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu, bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực.
Ngoài ra, Chính phủ cũng lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán, thực hiện dự án gồm đại diện các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, TN&MT, Xây dựng, Tư pháp, các địa phương có dự án đi qua và chuyên gia.
Dự án cao tốc Bắc – Nam dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ – Mai Sơn, Cam Lộ – Lam Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước.
8 đoạn kêu gọi đầu tư tư nhân theo hình thức BOT (trước đó đã mở hồ sơ sơ tuyển tìm nhà đầu tư quốc tế), với số vốn nhà đầu tư phải thu xếp khoảng 63.716 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng, gồm:
Đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 (qua Ninh Bình – Thanh Hóa), dài 63km, tổng mức đầu tư khoảng 12.900 tỷ đồng.
Đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn (Thanh Hóa), dài 43 km, tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng.
Đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu (Thanh Hóa – Nghệ An), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng.
Đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt (Nghệ An – Hà Tĩnh), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 13.300 tỷ đồng.
Đoạn Nha Trang – Cam Lâm, dài 50km, tổng vốn đầu tư hơn 7.615 tỷ đồng, trong đố vốn nhà nước hỗ trợ hơn 5.058 tỷ đồng.
Đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo, dài 79km, tổng vốn đầu tư hơn 13.687 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 9.311 tỷ đồng.
Đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết (Bình Thuận), dài 101 km, tổng vốn đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng.
Đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, dài 99km, tổng vốn đầu tư hơn 14.359 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ tợ hơn 2.480 tỷ đồng.
Phi Long/VOV