Cao tốc Bắc – Nam: Đột phá quan trọng năm 2023

Các chuyên gia ủng hộ mạnh mẽ việc đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Hệ thống giao thông đường bộ, với xương sống là đường cao tốc Bắc Nam, là một mũi đột phá quan trọng, cần phải được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ nguồn lực quốc gia và là sự đầu tư mang tầm chiến lược. Đất nước phát triển, không thể thiếu đường cao tốc.

Năm 2023 là một năm bản lề khi là năm thứ 3 triển khai giai đoạn 2 của con đường huyết mạch Cao tốc Bắc Nam phía Đông. Việc tổ chức Lễ khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tất cả đều đang nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công một trong 3 đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra với mục tiêu đến năm 2025, cả nước ta có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc.

Đây không chỉ là sự kiện lớn của ngành Giao thông vận tải mà còn là sự kiện lớn của các địa phương, tạo không khí phấn khởi, tích cực thi đua lao động đối với cán bộ, công chức viên chức, người lao động toàn ngành giao thông vận tải ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2023.

Việc xây dựng đường cao tốc Bắc Nam có ý nghĩa nhiều mặt, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần gắn kết các địa phương, thu hẹp khoảng cách vùng miền, lan tỏa về kinh tế – xã hội.

Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố năm 2019, chỉ số chất lượng đường bộ, và chỉ số kết nối giao thông đường bộ của nước ta lần lượt đứng thứ 103 và 104. Đây là một trong những chỉ số thấp nhất trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh tổng thể của Việt Nam.

Cơ sở hạ tầng giao thông yếu, là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới chi phí logistic của Việt Nam chiếm tới 20% GDP, cao gần gấp đôi so với các nước phát triển, và cao hơn mức bình quân toàn thế giới. Đó là một chi phí quá lớn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thì việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, với xương sống là đường cao tốc – Bắc Nam, là một mũi đột phá quan trọng, cần phải được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ nguồn lực nguồn lực quốc gia.

Với việc hoàn thiện Cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ đáp ứng được lưu lượng vận tải hàng hóa ngày càng tăng. Giải quyết các hạn chế mà các tuyến quốc lộ khác còn gặp phải như Quốc lộ 1A, quốc lộ 45,… Làm giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt đối với các hàng hóa “ngắn hạn” nhằm giảm tối đa chi phí vận hành của hàng hóa. Chưa dừng lại ở đó, Cao tốc Bắc – Nam đi vào hoạt động cũng là bước đệm để thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài. Đồng thời, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động. Không chỉ vậy, trục đường phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau giúp kết nối các vùng miền lại gần nhau hơn. Góp phần nâng cao đời sống văn hóa xã hội. Khai thác tiềm năng du lịch, giao lưu văn hóa giữa các địa phương.

Nhìn tổng thể, cao tốc Bắc – Nam chính là bước đầu cho kế hoạch xây dựng hệ thông đường cao tốc trên toàn quốc, đạt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km, đến năm 2050 có trên 9.000km đường bộ cao tốc. Cùng với đó, thời điểm cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi vào hoạt động sẽ là bước ngoặt phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nội dung: Hạc Hoàng
Đồ họa: M.N