+
Aa
-
like
comment

Không có chứng cứ vẫn tố Việt Nam hậu thuẫn cho tin tặc

Bảo An - 23/04/2020 18:17

Gần đây, một số tổ chức nước ngoài lên tiếng cáo buộc Chính phủ Việt Nam hậu thuẫn cho nhóm tin tặc APT32. Liên quan đến cáo buộc này, ông Ngô Toàn Thắng, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Đây là những thông tin không có cơ sở”.

Hình ảnh Ông Ngô Toàn Thắng, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam

Công ty an ninh mạng FireEye đưa ra cáo buộc Chính phủ Việt Nam đứng đằng sau hậu thuẫn cho một nhóm tin tặc có tên APT32. Thực tế, không phải gần đây thông tin này mới được đưa ra. Từ những năm 2017, FireEye đã đưa ra những cáo buộc tương tự. Và cũng rất nhiều lần, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản bác thông tin này.

APT32 là ai?

Nhóm tin tặc APT32 được cho là có nguồn gốc từ Việt Nam. Ngoài cái tên APT32, nhóm tin tặc này còn được gọi bằng các cái tên khác là OceanLotus, Cobalt Kitty, Ocean Buffalo.

APT32 được cho là bắt đầu hoạt động ít nhất từ năm 2012 và đẩy mạng hoạt động từ năm 2018. Chỉ với cụm từ khoá “nhóm tin tặc APT32” trên google, chúng ta có thể dễ dàng thấy được rất nhiều kết quả liên quan. Theo đó, APT32 bị cáo buộc thực hiện hàng loạt các hành vi ăn cắp dữ liệu và tấn công đe doạ an ninh mạng như: hack trang web của tổ chức ASEAN trong hội nghị thượng đỉnh hàng năm; xâm phạm các trang web của nhiều bộ hoặc cơ quan chính phủ ở Campuchia, Lào và Philippines; tấn công vào hệ thống mạng thông tin của các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, 32 tiến hành “một chiến dịch tấn công và giám sát tập thể rộng lớn rất tinh vi” nhắm vào các nước Á châu, truyền thông, các nhóm liên quan đến nhân quyền và xã hội dân sự cũng như Hiệp hội các nước ASEAN, v.v…

Hoạt động của APT32 trong những năm qua đã đe doạ trực tiếp đến an toàn thông tin của nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên thế giới.

Những cáo buộc vô căn cứ

Với các đe doạ đến từ APT32, nhiều công ty an ninh mạng trên thế giới đã tìm mọi cách để truy nguyên, vạch trần APT32. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là nhiều công ty an ninh mạng dù không có đủ căn cứ nhưng liên tục đưa ra các cáo buộc Chính phủ Việt Nam hậu thuẫn APT32; cho rằng APT32 được chính quyền Việt Nam “nuôi dưỡng” để đánh cắp thông tin của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên thế giới.

Đặc biệt, hãng bảo mật của Hoa Kỳ – FireEye đã nhiều lần đưa ra cáo buộc sai sự thật, vô căn cứ với nội dung như trên, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hình ảnh của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Các căn cứ để “buộc tội” Chính phủ Việt Nam đều mơ hồ như: Nạn nhân của APT32 gồm các công ty đầu tư sản xuất tại Việt Nam hay bán sản phẩm tiêu dùng hoặc kinh doanh khách sạn du lịch; các vụ tấn công mạng nhằm vào giới nhà báo, bloggers, người Việt hải ngoại và các nhà bất đồng chính kiến với Chính phủ Việt Nam v.v… Với những căn cứ hết sức mập mờ như trên, FireEye và một số đối tượng dân chủ đã rêu rao vu khống Chính phủ Việt Nam sử dụng APT32 để đánh cắp các bí mật kinh doanh của các tập đoàn quốc tế phục vụ cho doanh nghiệp trong nước và đánh phá, giám sát những người bất đồng chính kiến.

 Mục đích của những cáo buộc này là gì?

Dù không biết vô tình hay có chủ đích nhưng việc FireEye liên tục đưa ra các cáo buộc về việc Chính phủ Việt Nam chống lưng cho nhóm tin tặc APT32 đã ảnh hưởng xấu đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam.

Hiện nay, trong thời kỳ công nghệ số, vấn đề an ninh mạng đang được các quốc gia đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, sau những lùm xùm liên quan đến việc các nhóm tin tặc tấn công vào hệ thống máy tính của Chính phủ nước để ăn cắp dữ liệu và sự kiện Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) thực hiện chương trình theo dõi lén PRISM để tiếp cận với hệ thống máy chủ của các tập đoàn công nghệ nhằm theo dõi các hoạt động trên mạng Internet của người sử dụng, lấy dữ liệu thư điện tử, hình ảnh, video, đoạn hội thoại, tài liệu, lịch sử tìm kiếm… của người dùng bị phanh phui hồi năm 2013, mọi người vô cùng nghi kỵ và bất mãn với các nhóm tin tặc, đồng thời cũng vô cùng lo lắng trước việc những thông tin bảo mật bị đánh cắp. Chính vì vậy, những cáo buộc về việc APT32 có mối liên hệ với Chính phủ Việt Nam tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế; tạo ra sự hoài nghi, bất mãn với Chính phủ Việt Nam; làm giảm uy tín của Chính phủ Việt Nam.

Thực tế cho thấy, Chính phủ Việt Nam thời gian qua đang tăng cường các giải pháp để bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng. Chính phủ Việt Nam không hỗ trợ, không cổ suý cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thực hiện các hành vi ăn cắp dữ liệu và tấn công mạng. Đồng thời, Việt Nam cũng lên án các hành vi phạm tội trên không gian mạng và sẵn sàng phối hợp với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh phòng và chống các hành vi tấn công mạng dưới mọi hình thức.

Việt Nam luôn tôn trọng vấn đề an toàn thông tin trên không gian mạng của tất cả mọi người và đang nỗ lực trong việc bảo vệ an ninh trên không gian mạng. Vì vậy, những cáo buộc liên quan đến việc Việt Nam sử dụng APT32 để lấy cắp dữ liệu, xâm hại đến lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước là điều không thể chấp nhận. Rất mong các đơn vị có liên quan tôn trọng Việt Nam, không đưa ra những thông tin lệch lạc, vô căn cứ gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều