+
Aa
-
like
comment

Cao Bằng muốn làm sân bay: Điều khó hiểu

04/05/2020 10:00

Theo chuyên gia, khi đường cao tốc phát triển thì không cần xây dựng các sân bay gần nhau trong vòng 200-300km.

UBND tỉnh Cao Bằng vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa sân bay Cao Bằng vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đề xuất này được đưa ra với lý do Cao Bằng là tỉnh miền núi chỉ có duy nhất giao thông đường bộ. Các loại hình giao thông khác chưa phát triển được do điều kiện tự nhiên không cho phép hoặc chưa được đầu tư.

TS Lê Văn Bảy, chuyên gia logistics lấy làm khó hiểu khi nhiều tỉnh đua nhau làm sân bay, bởi khi đường cao tốc phát triển, tốc độ lên đến khoảng 150-200km/h thì không cần thiết phải xây dựng các sân bay gần nhau trong vòng 200-300km.

Hình minh họa

Cao Bằng đưa ra lý do địa phương này là tỉnh có duy nhất giao thông đường bộ để xin làm sân bay, nhưng TS Lê Văn Bảy đặt câu hỏi: những tỉnh khác, chẳng hạn như Sơn La, có những loại hình giao thông nào ngoài đường bộ?

Điều này cũng tương tự như xây cảng. Ông nhắc lại việc xây dựng cảng Trần Đề làm ví dụ, và một lần nữa đặt vấn đề: Xây cảng Trần Đề (Sóc Trăng) có hợp lý hay không khi mà tại khu vực miền Tây Nam Bộ có cảng Cần Thơ?

Nếu như xây cảng Trần Đề thì chắc chắn sẽ không cần đầu tư xây cảng Cần Thơ và khu vực sông Mekong nữa bởi 2 tỉnh này ở gần nhau, chỉ đi hết chừng 60km đường cao tốc thì việc xuất nhập khẩu hàng hóa ở khu vực Tây Nam Bộ chỉ cần 1 trong 2 cảng là đủ. Hàng hóa ở khu vực này cũng chủ yếu là nông sản, nếu xây quá nhiều cảng sẽ sai về nguyên tắc.

Một điểm khác được TS Lê Văn Bảy đặt ra, đó là: theo thông tin được truyền thông đăng tải, Cao Bằng muốn xây dựng và khai thác sân bay phục vụ cho cả hai mục đích quân sự và dân sự. Nhưng theo ông được biết, sân bay quân sự rất “kỵ” xây dựng sát biên giới.

Ngoài ra, nếu đường Cao Bằng “độc đạo”, không thể phát triển đường cao tốc thì lúc bấy giờ có thể phải xem xét các loại hình giao thông khác. Nếu xây dựng sân bay thì cũng chỉ là loại dã chiến nhỏ, phù hợp cho máy bay nhỏ cất cánh. Trong khi đó, ngành hàng không Việt Nam chủ yếu đang khai thác các loại máy bay Airbus, Boeing đời mới, đường bay phải dài hơn 2km. Chưa kể núi non hiểm trở, phải dùng loại máy bay chở mười mười mấy người.

“Đường từ Cà Mau lên TP.HCM rất tốt, chỉ mất chừng 6-7 tiếng là đến nơi. Giá vé máy bay chừng 1,7 triệu đồng/vé thì người dân thà đi ô tô, ngủ một giấc trên xe đến sáng là đến nơi còn hơn.

Hay nếu đường sắt sau này chạy tốc độ 150km/h, chưa nói tới đường sắt tốc độ cao, tuyến TP.HCM-Nha Trang chỉ mất chừng 3 tiếng thì không cần đi máy bay, vì ít nhất phải có mặt tại sân bay trước giờ bay 1 tiếng, bay về Cam Ranh mất 45 phút, từ Cam Ranh chạy về thành phố Nha Trang mất 1 tiếng. Thời gian giữa đi đường sắt với bay bằng nhau thì không ai làm sân bay.

Tương tự, tuyến đường từ Hà Nội lên Cao Bằng chừng 280km, nếu đi cao tốc nhanh thì không cần. Người ta phải so sánh khoảng cách và thời gian: nếu đi đường ô tô chừng 3-4 tiếng thì không cần xây sân bay. Bởi nếu đi máy bay thì phải có mặt tại sân bay trước 1-2 tiếng để làm thủ tục, cộng với thời gian bay, thời gian đi về nhà thì cũng ngang ngửa với đi ô tô”, TS Lê Văn Bảy dẫn loạt ví dụ.

Từ những phân tích trên, vị chuyên gia logistics cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn thì không nên “vẽ” dự án lung tung mà phải tập trung vào những vấn đề lớn.

“Thay vì xé lẻ làm những tuyến đường nhánh, tập trung làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, trục giao thông chính của quốc gia là vì thế. Điều quan trọng là phải xác định đâu là vấn đề chiến lược quốc gia, đâu là vấn đề của địa phương, đường trục của quốc gia hay đường nhánh ở địa phương quan trọng hơn”, TS Lê Văn Bảy nhấn mạnh.

Được biết, trong Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 1/2009, sân bay Cao Bằng đã từng được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2020 và xây dựng thành cảng hàng không giai đoạn 2030.

Tuy nhiên, tại Quyết định số 236/QĐ – TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không, đã không có danh mục đầu tư sân bay Cao Bằng trong quy hoạch. Do đó, tỉnh Cao Bằng chưa có cơ sở lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và triển khai các bước tiếp theo.

Thành Luân/ĐV

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều