Cảnh tượng hiếm khi tàu Mỹ, Việt Nam bao vây tàu Trung Quốc trên Biển Đông
Hình ảnh Hải quân Mỹ công bố cho thấy tàu chiến Mỹ, tàu kiểm ngư Việt Nam và tàu khảo sát Trung Quốc xuất hiện gần nhau trong một khu vực không xác định ở Biển Đông.
Trang Facebook của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ hôm 2/7 đăng tải loạt ảnh đáng chú ý về cuộc chạm mặt giữa tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) của Mỹ, tàu kiểm ngư Việt Nam và tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Indo-Pacific News cho biết tàu Việt Nam thuộc lớp tàu tuần tra KN-750.
“Cảnh tượng hiếm thấy khi tàu Việt Nam, tàu Trung Quốc, tàu Mỹ ở rất gần trên Biển Đông”, Indo-Pacific News viết.
Trước đó, Hải quân Mỹ công bố hình ảnh về cuộc chạm mặt giữa USS Gabrielle Giffords và Hải Dương 4.
“Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords triển khai hoạt động thường lệ ở khu vực lân cận tàu khảo sát Hải Dương 4 đang hoạt động ở Biển Đông”, Hạm đội 7 viết trong thông báo trên Facebook.
Hạm đội này nói thêm rằng Gabrielle Giffords đang trong quá trình triển khai luân phiên, hoạt động trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Mỹ để cường khả năng tương tác với các đối tác và đóng vai trò như lực lượng sẵn sàng phản ứng.
Trước đó hôm 23/6, USS Gabrielle Giffords triển khai các hoạt động diễn tập song phương với tàu huấn luyện JS Kashima (TV 3508) lớp Kashima và tàu huấn luyện JS Shimayuki (TV 3513) lớp Shimayuki của Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản ở Biển Đông.
USS Gabrielle Giffords cũng là chiến hạm xuất hiện gần tàu khoan West Capella của Malaysia khi Trung Quốc đưa tàu thăm dò Hải Dương 8 và các tàu hộ tống áp sát con tàu này hồi giữa tháng 5.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 2/7, bình luận về thông tin tàu khảo sát Hải Dương 4 Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thu Hằng nêu rõ:
“Chúng tôi cho rằng các hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 phải được sự đồng ý của Việt Nam theo đúng quy định của Công ước này”.
Bà Hằng nhấn mạnh, việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia và các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển của khu vực Biển Đông và khu vực, cũng như trên thế giới.
Thành Nhân