+
Aa
-
like
comment

Cạnh tranh Trung – Mỹ có đang đi đến hồi khốc liệt nhất?

Huy Hoàng - 27/10/2022 04:05

Phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong Đại hội XX của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa qua, đang cho thấy những sự thay đổi lớn sắp sửa diễn ra ở khu vực Châu Á trong một thế kỷ tiếp theo…


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tại những lần Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc trước đây, những gì mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu thường sau đó sẽ trở thành một khuôn mẫu để các nhà hoạch định chính sách của quốc gia này áp dụng vào nền kinh tế, định hướng đất nước sau đó. Đại hội XX vừa qua cũng không ngoại lệ.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đảng XX vào tuần trước, ông Tập khẳng định rằng nước này “phải quan tâm hơn đến những nguy cơ tiềm ẩn, chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất, đồng thời sẵn sàng chống chọi với gió lớn, nước xiết và thậm chí cả những cơn bão nguy hiểm”. Ông Tập khẳng định “chúng tôi sẽ không bị khuất phục trước gió lớn, nước chảy xiết hoặc những cơn bão nguy hiểm”.

Không khó để đoán “sóng to gió lớn” mà ông Tập đề cập đến là ai? Gần đây, Mỹ đã thông qua việc cấm xuất khẩu Chip sang Trung Quốc, cũng như ký đạo luật, tài trợ 50 tỷ đô là nhằm thúc đẩy ngành Chip phát triển bên trong nước Mỹ. Sau việc cấm cửa trên, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) đã phải tổ chức cuộc họp khẩn với các công ty bán dẫn hàng đầu nhằm tìm cách đánh giá thiệt hại từ chính sách hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ cũng như đưa ra những cam kết hỗ trợ đối với lĩnh vực quan trọng này.

Tham vọng tự chủ ngành chip của Trung Quốc gặp khó

Nhìn một cách tổng thể thì Trung Quốc giờ đây đang trong một chu kỳ phát triển đi lên. Trong gần một thế kỷ qua, Trung Quốc đã cũng như đang cố để đạt được 4 thành tựu lớn. Một là giành lại độc lập từ tay các cường quốc phương Tây, hai là xây dựng nền kinh tế hùng mạnh dựa trên quyền lực của đảng Cộng sản, ba là cải cách, mở cửa và hiện đại hóa đất nước và cuối cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội Trung Quốc hiện đại về mọi mặt.

Ba mục tiêu đầu tiên đã đạt được cũng như gắn liền với tên tuổi của các cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, duy chỉ thành tựu thứ 4 là đang được ông Tập Cận Bình thực hiện trong 10 năm qua. Ông Tập cũng không giấu diếm ý định sánh ngang các tiền bối khi đã hoạch định một đại kế hoạch cho 100 năm tiếp theo, là xây dựng Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt. Chính sách “Thịnh Vượng Chung” là bằng chứng cho điều đó.

Trong đó, chính sách “zero covid” dù muốn hay không cũng đã làm sụp đổ nhiều con sâu trong nền kinh tế Trung Quốc, Evergrande là một ví dụ. Chính phủ Trung Quốc cũng tăng thuế cá nhân với người giàu, phong sát giới nghệ sĩ, dẹp bỏ những hình tượng không theo thuần phong mỹ tục… tất cả đều cho thấy đang có một sự cải tổ lớn trong xã hội Trung Quốc. Bằng chính sách Thịnh Vượng Chung, khiến cho những thành phần tinh hoa có trách nhiệm hơn với đất nước. Trung Quốc tin rằng họ sẽ có một nền kinh tế bền vững hơn bao giờ hết. Sự bền vững đó sẽ tạo tiền đề để chuẩn bị nội lực thực hiện giấc mộng Trung Hoa, cạnh tranh vị thế với Hoa Kỳ.

Đối với các nước, cạnh tranh Mỹ – Trung dâng cao, sẽ làm các nước Phương Tây chủ động tìm kiếm quan hệ với các quốc gia ở Đông Nam Á, cũng như cấm cửa với các doanh nghiệp Trung Quốc. Điều đó làm chuỗi cung ứng khổng lồ ở Trung Quốc phải phân tán ra nhiều quốc gia khác, là động lực cho các nước đi sau phát triển. Tuy nhiên, cùng với những cơ hội, thì cạnh tranh Mỹ – Trung kịch liệt chắc chắn sẽ tạo ra những tác động khó lường đối với các nước trong khu vực.

Việt Nam chuẩn bị gì cho một kỷ nguyên cạnh tranh Mỹ – Trung đang đi tới hồi khốc liệt nhất?

Thực tế mà nhìn nhận thì hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Không thể để mất một thị trường nào trong hai kể trên, cũng không thể đứng về một phía.

Cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ là tâm điểm trong thời gian tới, sức ảnh hưởng không kém cạnh gì một cuộc chiến tranh lạnh thế kỷ 20. Do đó, Việt Nam cần đóng vai trò nhiều hơn ở Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế, để từ đó có cơ hội chia sẻ những “mối quan ngại chung”, “những thách thức chung” mà nhiều nước đang phải đối mặt, và mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng trên những mặt trận kinh tế, ngoại giao lẫn quốc phòng. Chia sẻ công nghệ, cùng nhau hợp tác giải quyết những bất ổn chung. Sự kết nối có chiều sâu này sẽ tạo thành mối liên kết giúp các nước nhỏ hơn, hoặc đi sau, có tiếng nói đủ lớn với các cường quốc. Cũng như qua đó tạo dựng được nhiều hành lang kinh tế, không để phụ thuộc vào duy nhất thị trường nào.

Việt Nam cũng vì thế mà sẽ có tiếng nói, tuy là một nước nhỏ nhưng được sự ủng hộ lớn, không để cạnh tranh Trung Mỹ ảnh hưởng đến công cuộc phát triển kinh tế.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều