+
Aa
-
like
comment

‘Cánh tay phải’ của bà Suu Kyi bị bắt khi biểu tình lan rộng ở Myanmar

Trần Anh - 05/02/2021 16:08

Ông Win Htein, thành viên kỳ cựu của đảng NLD, trợ lý chủ chốt và là ‘cánh tay phải của bà Aung San Suu Kyi, vừa bị bắt tại Myanmar sáng nay 5-2 tại nhà con gái.

Cánh tay phải của bà Suu Kyi bị bắt khi biểu tình lan rộng ở Myanmar - Ảnh 1.
Ông Win Htein (trái), người vừa bị bắt ngày 5-2, được xem như cánh tay phải của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.

Theo France24 và hãng tin AFP, ông Win Htein bị bắt trong bối cảnh các đường phố lớn ở Myanmar vừa trải qua đêm thứ ba với đông đảo người dân đổ ra đường phản đối cuộc đảo chính quân sự.

Trong ngày hôm nay 5-2, hàng chục giáo viên tại ĐH Dagon ở Yangon đã tổ chức tuần hành phản đối đảo chính quân sự. Họ đã bắt chước kiểu chào giơ ba ngón tay lên của các phong trào tuần hành tại Hong Kong và Thái Lan trong khi đồng thanh hát vang một ca khúc cách mạng.

Ông Kyi Toe, viên chức phụ trách báo chí của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) cho biết ông Win Htein, 79 tuổi, thành viên kỳ cựu trong đảng này đã bị bắt tại nhà con gái ông.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với kênh tiếng Myanmar của đài BBC (Anh) sáng nay 5-2, ông Win Htein cho biết ông bị bắt với cáo buộc tội nổi loạn. Nếu bị kết án, ông Win Htein có thể đối mặt mức phạt nặng nhất là tù chung thân.

“Họ không thích những điều tôi nói tới. Họ sợ những gì tôi đang nói”, ông Win Htein nói với đài BBC.

Trước khi bị bắt, ông Win Htein nói với truyền thông trong nước rằng cuộc đảo chính quân sự là “không khôn ngoan”, và các lãnh tụ của cuộc đảo chính đó đã đưa đất nước “đi sai hướng”.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Frontier Myanmar sau cuộc đảo chính, ông Win Htein nói: “Họ đang tìm cách đưa chúng tôi trở về số 0 bằng cách phá hoại chính phủ của chúng tôi”. Ông Win Htein kêu gọi quần chúng “phản đối cuộc đảo chính này nhiều nhất có thể”.

Trong sáng sớm 1-2, quân đội Myanmar đã tiến hành cuộc đảo chính, bắt cố vấn nhà nước Suu Kyi, Tổng thống Win Myint cùng nhiều quan chức đảng NDL, tuyên bố tình trạng khẩn cấp một năm và giành quyền điều hành đất nước.

Mỹ, EU và nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar, kêu gọi quân đội thả ngay những người đã bị bắt một cách phi pháp.

D. KIM THOA/TTO

Bài mới
Đọc nhiều