+
Aa
-
like
comment

Cảnh tan hoang sau cơn lũ ngập mái nhà ở Thanh Chương – Nghệ An

02/11/2020 09:45

Người dân không kịp trở tay khi nước lũ nhanh chóng dâng đến mái nhà. Ngày quay về nơi ở, họ rơi nước mắt vì tất cả tài sản chìm dưới lớp bùn non.

Chiều 1/11, nước lũ ở xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã rút hết. Khu vực này vốn là tâm lũ của đợt ngập vừa qua.

Sau gần 5 ngày bị ngập, nước lũ đang rút dần khỏi các xóm, làng ở vùng hạ huyện Thanh Chương (Nghệ An). Người dân các địa phương đang tích cực khắc phục hậu quả lũ lụt.

Theo chính quyền địa phương, trận lũ khiến gần 800 ngôi nhà ở xã Thanh Mỹ chìm trong nước, hơn 300 gia đình phải sơ tán đến nơi cao.

Thiệt hại bước đầu

Vùng hạ huyện Thanh Chương gồm các xã: Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Tùng, Thanh Hà, Thanh Mai, Thanh Long thuộc cụm Bích Hào là vùng đất thấp, dường như năm nào cũng bị ngập lụt, tuy nhiên, đợt lũ này, nước dâng cao hơn mọi năm.

Từ ngày 28/10, nước đã bao vây, phong tỏa các xã và từng bước bị ngập cục bộ. Ban đầu hiện tượng úng ngập là do nước mưa chảy không kịp, sau đó nước sông Lam dâng lên, chia cắt nhiều tuyến đường, cô lập nhiều thôn, xóm.

Trở về nhà sau 3 ngày tránh lũ, bà Nguyễn Thị Mười (62 tuổi, thôn 7, xã Thanh Mỹ) bật khóc khi toàn bộ tài sản bị nước lũ nhấn chìm. Người phụ nữ cố gom nhặt những thứ còn sót lại dưới lớp bùn non.

Anh Nguyễn Văn Cảnh – Xóm trưởng xóm Phú Lập, 1 trong 4 xóm bị ngập nặng của xã Thanh Xuân cho biết: Xóm có 200 hộ dân, trong đó có 30 hộ bị ngập nặng. Những ngày qua, trên địa bàn không có điện, bà con không xay xát gạo được, thiếu lương thực, thiếu nước sạch sinh hoạt, cuộc sống khá vất vả.

“Nước lũ lên quá nhanh, chả mấy chốc ngập đến tận mái nên tui chỉ kịp đưa 4 cháu nhỏ di chuyển đến nhà cao nhất trong thôn chờ cứu hộ. Các con đi làm ăn xa nên mọi tài sản trong nhà bị lũ nhấn chìm cả. Nhìn đống đồ đầy bùn, không biết bắt đầu từ đâu…”, bà Mười bật khóc.

Cho đến sáng 2/11, mặc dù nước lũ đã rút khoảng 1,5m, con đường độc đạo đi qua xã nối Quốc lộ 46 và đường Hồ Chí Minh đã nhô trên biển nước. Việc tiếp cận, cứu trợ cho người dân đã thuận lợi hơn. Tuy nhiên, một số xóm, làng vẫn bị chia cắt. Chợ Đàng, xã Thanh Xuân vẫn còn bị ngập sâu. Trên địa bàn xã đã có điện trở lại.

Nghe tin lũ khi đang làm thuê ở xa, anh Trần Ngọc Phú (47 tuổi, thôn 7, xã Thanh Mỹ) chạy về thu dọn tài sản nhưng không kịp. Mọi thứ trong nhà người đàn ông này đều bị nhấn chìm.

Anh Nguyễn Cảnh Nguyễn ở xóm Ngũ Cẩm chia sẻ: Thanh Xuân là vùng trũng nên lũ vào thường ngâm lâu hơn các nơi, phải 3 – 5 ngày nước mới thoát, thậm chí kéo dài cả tuần, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Lúc nước mới lên, bà con trong xóm thường chung tay giúp các hộ dân ở dưới thấp chuyển trâu, bò, lợn, gà đến nơi cao ráo, chuyển lúa, đồ đạc lên trần nhà. Khi nước rút thì giúp nhau lau chùi nhà cửa, khiêng đồ đạc về chỗ cũ, dọn dẹp vệ sinh. Bản thân anh tham gia vận chuyển hàng cứu trợ cho người dân, ngày nào cũng sáng đi, tối mịt mới về.

“Toàn bộ hàng hóa vừa đầu tư hàng chục triệu để vợ buôn bán đều hư hỏng vì ngâm lũ nhiều ngày. Sách vở các con cũng không còn quyển nào nguyên vẹn”, anh Phú nói.

Đợt lũ này, xã Thanh Xuân có 4 xóm: Phú Lập, Xuân Lan, Mụ Cẩm, Kim Hoa, với 1.200 hộ, 2.050 nhân khẩu bị cô lập; khi nước lũ lên 40 người phải di dời; 5 nhà dân bị hư hại; 2 nhà dân bị cây đổ sập mái (hộ ông Hồ Sỹ Tài và Hồ Sỹ Quân), 160 ao, 8 ha nuôi cá vụ 3 bị mất trắng, chợ Đàng với hàng chục ki-ốt bán hàng ngập trong biển nước, hệ thống cầu, cống, kênh mương, đường giao thông bị hư hỏng nặng, hàng trăm ha hoa màu bị thiệt hại từ 30 – trên 70%. Thống kê sơ bộ, đợt lũ này, xã Thanh Xuân thiệt hại khoảng 7,6 tỷ đồng.

Còn bà Nguyễn Thị Liên (58 tuổi) cũng mất hết tài sản khi dê, lợn và đàn gà cả trăm con đều chết. “Không còn gì nữa cả, nhà tui mất trắng rồi. Hôm ấy nếu không có lực lượng cứu hộ đến sớm, chắc người cũng không thoát kịp”, bà Liên nói.

Những ngày qua, cuộc sống, sinh hoạt của người dân vùng ngập lũ gặp nhiều khó khăn, chật vật, tuy nhiên, bà con cũng ấm lòng vì nhận được sự quan tâm, động viên của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là sự chia sẻ, giúp đỡ của người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Công tác tiếp nhận cứu trợ diễn ra một cách khẩn trương. Lãnh đạo huyện Thanh Chương cũng có mặt tại “rốn lũ” để đôn đốc công việc. Lực lượng quân sự huyện liên tục nhiều ngày dùng ca nô vận chuyển hàng cứu trợ giúp dân. Nhiều đoàn thiện nguyện vượt hàng trăm km về trao quà cho bà con.

Người dân địa phương cho biết đợt lũ vừa qua cao hơn mực nước năm 1978. Không kịp di dời, hầu hết tài sản của người dân xã Thanh Mỹ đều ngập. Trong ảnh, căn nhà của bà Liên bị nước lũ làm nứt toác.

Có mặt tại xã Thanh Xuân, anh Lê Hữu Minh Quý (37 tuổi) quê ở huyện Quảng Ninh – địa phương vừa thoát cảnh ngập lũ ở tỉnh Quảng Bình cho biết: Nghe tin người dân Nghệ An bị ngập lũ, chúng tôi tổ chức ngay 1 chuyến thiện nguyện về đây, trao hàng trăm suất quà, của ít lòng nhiều, góp phần động viên bà con.

Nước lũ rút, hàng chục đoàn viên thanh niên đến giúp người dân khắc phục hậu quả.

Các xã khác trong cụm Bích Hào như: Thanh Lâm, Thanh Tùng, Thanh Giang, Thanh Hà, Thanh Long cũng có nhiều xóm bị chia cắt. Xóm Thủy Hòa (cũ) thuộc xã Thanh Lâm, xóm Mai Đình, xã Thanh Mai cũng bị cô lập hoàn toàn. Ở xã Thanh Long, các xóm Long Sơn, Long Tiến, cụm 5 xóm Long Giang với 510 hộ cũng bị chia cắt, ngập trong nước lũ nhiều ngày.

Quan tâm công tác khắc phục hậu quả

Sau 5 ngày bị ngập trong nước lũ, mặc dù nước lũ đã rút, nhưng các xã thuộc cụm Bích Hào vẫn bị ngập cục bộ, trong đó, xã Thanh Xuân vẫn là xã bị ngập sâu nhất. Nhiều nhà dân đã thoát cảnh úng ngập, nhưng ngoài ruộng nước lũ vẫn còn cao 1 – 4m. Có thể nói, đợt lũ này, các xã cụm Bích Hào tuy không bị thiệt hại về người, nhưng tài sản như cơ sở hạ tầng, hoa màu… bị thiệt hại nặng, trong đó diện tích nuôi cá gần như mất trắng.

“Ngoài việc hỗ trợ người dân dọn dẹp, sớm vực dậy sau lũ, 2 ngày qua, đoàn thanh niên cũng nấu cơm cho các hộ dân ngập lụt vì tài sản bị hư hỏng, nhiều gia đình chưa thể tự nấu ăn được”, ông Nguyễn Tư Hải Phong, Bí thư Huyện đoàn Thanh Chương, nói.

Nước lũ đang rút, người dân các xã vùng ngập lũ đang tranh thủ chùi rửa, dọn dẹp vệ sinh với phương châm nước ra đến đâu thì chùi rửa nhà cửa, sân, đường đến đó.

Những công trình công cộng, như nhà văn hóa xóm, sân thể thao, các di tích lịch sử… cũng được các ban, ngành, đoàn thể và người dân các địa phương chung tay cào bùn, bơm nước, làm sạch hoặc thau dọn khi nước lũ chưa rút hẳn.

Sau lũ, ngoài vấn đề lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm là cần kíp, việc vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm. Số lượng rác thải theo nước dạt về trên các đường làng, ngõ xóm, xác động vật… được bà con thu gom xử lý.

Nguyễn Thị Phượng (10 tuổi) nhận cơm về cho người thân.

Ông Nguyễn Khánh Thành – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân cho biết: Trong và sau lũ, vấn đề quan tâm hàng đầu là cuộc sống của người dân, đảm bảo không để người dân thiếu ăn, khát uống. Tiếp đó, sẽ khắc phục hậu quả về vệ sinh môi trường, dịch bệnh, khắc phục công trình giao thông, thủy lợi… bị hư hỏng.

Theo ông Thành, xã Thanh Xuân là địa phương thường xuyên bị ngập nặng vào mùa lũ, trong khi đó, con đường độc đạo chạy qua xã đã hư hỏng, cần thiết được nâng cấp để làm “xương sống cứu trợ” làm “điểm tựa” cho người dân mỗi mùa lũ về.

Hiện nay, xã Thanh Mỹ vẫn chưa có điện. Người dân phải dùng nến hoặc thuê máy phát điện về để dọn nhà và thắp sáng. Trong ảnh, anh Nguyễn Hữu Hoàng (32 tuổi) bám trụ lại căn nhà từng ngập sâu 3 m để dọn dẹp những thứ còn sót lại. Đêm lũ lên, anh cùng vợ đang mang thai 8 tháng và 3 con nhỏ ngồi mái nhà chờ người đến ứng cứu.

Trong đợt lũ này không chỉ có xã Thanh Mỹ, cụm Bích Hào bị ngập nước, thiệt hại nặng mà nhiều địa phương khác trong huyện Thanh Chương cũng bị ngập cục bộ như các xã Võ Liệt, Hạnh Lâm, Thanh Nho, Thanh Ngọc, Thanh Giang, Thanh Lương…

Thiệt hại do hoàn lưu bão số 9 và đợt lũ này ở huyện Thanh Chương là vô cùng lớn. Toàn huyện có 4 người bị lũ cuốn trôi, 3 người bị thương, gãy tay, chân, di dời hàng nghìn hộ dân bị ngập, hàng trăm hộ dân bị sạt lở đất, 34 nhà dân bị đổ tường, cây đè, tốc mái; 1.400 ha cây trồng, 46.000 con gia cầm và hàng trăm con lợn bị chết; 8 chiếc cầu bị cuốn trôi.

Nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, núi Nguộc bị sát lở mạnh, hàng nghìn m3 đất đá tràn lấp lòng đường gây ách tắc hoàn toàn Quốc lộ 46.

Lãnh đạo UBND huyện Thanh Chương cho biết hiện nơi đây còn hàng trăm họ dân thuộc 7 xã vùng trũng đang bị ngập nước như Thanh Lâm, Thanh Xuân, Thanh Mai, Thanh Tùng…

Nói về việc khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn, ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Huyện đề nghị các địa phương, nước rút đến đâu thì làm vệ sinh, dọn dẹp đến đó, cần làm sạch môi trường sau lũ. Huy động các lực lượng hiện có phối hợp với các lượng lượng quân đội, công an… trong tỉnh tiến hành các hoạt động hỗ trợ người dân. Quan tâm giúp đỡ các gia đình chính sách, neo đơn, hoàn cảnh đặc biệt…

Việc khắc phục, sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất sẽ diễn ra sau đó. Đồng thời hỗ trợ nguồn giống cây, con cho các địa phương, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân…

Bài mới
Đọc nhiều