+
Aa
-
like
comment

Cảnh sát biển VN tiếp nhận tàu tuần tra mới, sức mạnh nâng cao

21/08/2020 07:30

Mới đây, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã có cuộc họp giao nhiệm vụ cho các cán bộ chiến sĩ ta chuẩn bị sang Mỹ tiếp nhận tàu tuần tra cỡ lớn mới USCGC John Midgett (WHEC-726).

Sáng 19/8, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển I đã tiến hành giao nhiệm vụ cho khối cán bộ, chiến sĩ lên đường sang Mỹ tiếp nhận tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton chiếc số 2 trở về nước. Trước đó, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã ra Quyết định số 10086/QĐ-BTL thành lập khung cán bộ đi huấn luyện và tiếp nhận tàu từ Mỹ. Đây vốn là tàu USCGC John Midgett (WHEC-726) vừa được loại khỏi biên chế Tuần duyên Hoa Kỳ và chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục sử dụng. Ảnh: Tàu CSB 8020 – Chiếc đầu tiên thuộc lớp Hamilton của Cảnh sát biển Việt Nam.

 

Trước đó vào đầu năm 2020, chiếc USCGC John Midgett (WHEC-726) đã được loại khỏi biên chế của Tuần duyên Hoa Kỳ, và người ta dự tính là sẽ tổ chức một buổi bàn giao tàu cho Cảnh sát biển Việt Nam vào ngày 26/3. Tuy nhiên, do sự hoành hành của đại dịch COVID-19 tại Mỹ khiến tình hình rất phức tạp, buổi lễ đã bị hủy bỏ. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã tương đối ổn định hơn, và phái đoàn Việt Nam sắp tới sẽ chính thức qua Mỹ để tiếp nhận tàu tuần tra cỡ lớn này. Ảnh: Tàu USCGC John Midgett sau khi đã loại biên, xóa hết số hiệu tàu và huy hiệu của Tuần duyên Hoa Kỳ để chuẩn bị sơn huy hiệu và số hiệu mới của Cảnh sát biển Việt Nam.

 

Như vậy, đây sẽ là chiếc Hamilton thứ hai mà Việt Nam tiếp nhận từ Mỹ. Được biết, phía Việt Nam đã đề nghị Mỹ chuyển giao tới 3 tàu Hamilton và có thể sau USCGC John Midgett sẽ còn một tàu Hamilton nữa gia nhập biên chế Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Tàu CSB 8020 vốn là tàu tuần tra Hamilton của Mỹ.

 

Tàu tuần tra USCGC John Midgett (WHEC-726) được đóng mới từ năm 1971, chính thức gia nhập biên chế Tuần duyên Hoa Kỳ vào năm 1972, và từng bị loại biên một lần vào năm 1991. Sau đó tiếp tục được gọi tái ngũ vào năm 1993 cho đến khi chính thức nghỉ hưu vào đầu năm 2020 để chuẩn bị chuyển giao cho đối tác Việt Nam. Ảnh: Tàu CSB 8020 lớp Hamilton – Cùng lớp với chiếc John Midgett.

 

Tàu có lượng giãn nước đầy tải 3.250 tấn, dài 115m, rộng 13m, mớn nước 4.6m, tốc độ tối đa 29 hải lý/h, tầm hoạt động 14.000 hải lý và có thể hoạt động liên tục 45 ngày trên biển, thủy thủ đoàn 167 người. Đã có tổng cộng 12 chiếc Hamilton được đóng mới dành cho Tuần duyên Hoa Kỳ và đến nay đã loại biên gần hết trong đó 3 chiếc đã được chuyển giao lại cho hải quân Philippine, 2 chiếc về hải quân Nigerian, 2 chiếc cho hải quân Bangladesh và một chiếc cho hải quân Sri Lanka. Ảnh: Tàu Hamilton số hiệu CSB 8020 đậu ở giữa hai tàu tuần tra đa năng DN-2000 của Cảnh sát biển Việt Nam.

 

Vũ khí trên nguyên bản trên tàu John Midgett của Tuần duyên Mỹ là một pháo hạm Otto Melara 76mm, một hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx cùng hai bệ pháo bắn nhanh Mk 38 cỡ 25mm cũng như một số súng máy hạng nặng .50cal M2 Browning. Dẫu vậy, sau khi chuyển giao, chiếc John Midgett đã bị tháo hết các hệ thống vũ khí, chỉ còn để lại pháo hạm Otto Melara 76mm. Thực ra, đối với tàu chấp pháp làm nhiệm vụ trên biển, việc sử dụng các vũ khí hạng nặng này đôi khi là thừa thãi và không hợp lý. Ảnh: Pháo Otto Melara 76mm trên tàu Hamilton của Tuần duyên Hoa Kỳ khai hỏa.

 

Có thể thấy rằng, các nước khi tiếp nhận tàu Hamilton đều biên chế về cho lực lượng hải quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tuy nhiên Việt Nam lại biên chế cả hai tàu tuần tra cỡ lớn này cho Cảnh sát biển Việt Nam. Điều này chứng tỏ một điều rằng hải quân ta lớn mạnh và không cần thiết phải sử dụng loại tàu có năng lực tác chiến thấp cũng như hỏa lực yếu hơn so với các tàu hộ vệ mà chúng ta đang có. Thay vào đó, việc biên chế cho Cảnh sát biển sẽ càng tăng thêm sự hùng hậu cho đội tàu tuần tra cỡ lớn vốn đang rất hạn chế của ta, cần những con tàu to để bám biển dài ngày và có thể chịu các cấp sóng lớn. Ảnh: Biên đội tàu tuần tra TT-400 và TT-200 của Cảnh sát biển Việt Nam.

 

Với việc bổ sung thêm tàu Hamilton mới, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được biên chế tới 14 tàu đa năng cỡ lớn có lượng giãn nước hơn 1.000 tấn, gồm các tàu Damen Salvage, tàu DN-2000, tàu Hamilton, tàu Sông Hán,… nâng cao đáng kể khả năng bám biển dài ngày và tầm bao quát rộng, có thể đi biển xa, trong các điều kiện thời tiết phức tạp, nhằm làm những nhiệm vụ cấp bách, kịp thời. Ảnh: Tàu CSB 8001 của Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp cùng hai tàu tuần tra nhỏ của Bảo vệ bờ biển Ấn Độ (ICG) trong một lần diễn tập chung.

 

Đó chính là tiền đề quan trọng, là sự đầu tư đúng đắn, kịp thời nhằm tạo ra một lộ trình phát triển hiệu quả mà cấp trên tạo điều kiện cho Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ ta có những con tàu to lớn, hiện đại hơn, đủ sức nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đảm bảo quản lý tốt vùng biển Việt Nam, thực hiện và giám sát chặt chẽ luật biển nước ta, bảo vệ, hỗ trợ và giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển, cùng phối hợp với các lực lượng Hải quân, Kiểm ngư, Bộ đội biên phòng,… đấu tranh ngăn chặn hành vi xấu của nước ngoài. Ảnh: Tàu Cảnh sát biển Việt Nam và tàu Hải cảnh Trung Quốc trong một chuyến tuần tra chung trên vịnh Bắc Bộ.

 

Bên cạnh những ưu ái đó, cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề đối với mỗi người cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, phải luôn mưu trí, táo bạo, mềm mỏng trong các tình huống xử lý nhưng kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hành vi xấu nhằm làm tổn hại đến chủ quyền Quốc gia, tính mạng và tài sản của nhân dân. Phải luôn nắm bắt tình hình kịp thời, tầm bao quát rộng lớn, tránh để Tổ quốc bị động, bất ngờ từ phía biển, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, luôn có mặt kịp thời, trong bất cứ tình huống nào. Ảnh: Tàu Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp diễn tập cùng trực thăng của Bảo vệ bờ biển Ấn Độ.

Hùng Dũng/KT

Bài mới
Đọc nhiều