+
Aa
-
like
comment

Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ lực gây lo ngại nghiêm trọng

17/11/2020 21:05

Việc Trung Quốc định cho phép lực lượng chấp pháp biển sử dụng vũ lực trong vùng biển yêu sách gây lo ngại nghiêm trọng không chỉ đối với các nước trong khu vực, mà còn đối với các nước cùng sử dụng Biển Đông, Biển Hoa Đông…

Các nước lo ngại về việc Trung Quốc có thể cho cảnh sát biển sử dụng vũ lực /// Ảnh Ngư dân cung cấp
Các nước lo ngại về việc Trung Quốc có thể cho cảnh sát biển sử dụng vũ lực

“Đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc”?

Trong ngày làm viêc thứ 2 của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông, các diễn giả đã dành thời gian để thảo luận về việc quản trị rủi ro, phòng tránh nguy cơ đụng độ trên biển, hợp tác trong bảo vệ tài nguyên biển.

Tại đây, các diễn giả nêu thực tế, trong thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ đụng độ đáng tiếc giữa các lực lượng chấp pháp của các nước láng giềng, nhất là tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển. Một số hoạt động nghiên cứu khoa học biển, khai thác tài nguyên của các nước trên vùng biển nước mình của các quốc gia ven biển cũng thường bị quấy nhiễu.

Nguy cơ xảy ra đụng độ trên biển thời gian tới ngày càng lớn do cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng. Do vậy, các học giả đã khuyến nghị những biện pháp phòng tránh đụng độ, giảm thiểu rủi ro, trong đó đặc biệt là nghiêm chỉnh tuân thủ UNCLOS 1982, gia nhập các điều ước, thoả thuận quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro trên biển…

Từ năm 2016, Trung Quốc và ASEAN đã ra tuyên bố chung về Quy tắc phòng tránh đụng độ trên biển (CUES). Tuy nhiên, đến nay CUES vẫn là bộ quy tắc tự nguyện và chỉ áp dụng cho các lực lượng hải quân. Do vậy, học giả Úc đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng CUES cho cả các lực lượng cảnh sát biển, chấp pháp dân sự trên biển.

Một vấn đề nóng bỏng được đề cập đến trong chủ đề phòng tránh đụng độ trên biển là dự luật Cảnh sát biển của Trung Quốc, trong đó có thể có quy định cho phép lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc sử dụng vũ lực trong vùng biển nước này yêu sách.

Dự luật này đã gây ra lo ngại nghiêm trọng không chỉ đối với các nước khu vực mà còn đối với các nước cùng sử dụng Biển Đông, Biển Hoa Đông, do việc Trung Quốc thực hiện dự luật sẽ đe doạ tính mạng và tài sản của ngư dân các nước, gây cản trở tự do hàng hải qua khu vực Biển Đông.

Dù học giả Trung Quốc tham gia hội thảo giải thích rằng đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng trong vấn đề Biển Đông, nhưng nhiều học giả Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á tiếp tục bày tỏ sự lo ngại đối với dự luật trên, do Trung Quốc không làm rõ khu vực biển áp dụng dự Luật, cũng như những tiêu chí cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ lực.

Tuy một số nước ven biển cũng cho phép lực lượng cảnh sát biển sử dụng vũ khí trong một số tình huống nhất định nhưng dự luật của Trung Quốc gây lo ngại chính vì cách hành xử tuỳ tiện của nước này đối với ngư dân và tàu thuyền các nước thời gian qua.

Hợp tác trong bảo vệ môi trường biển có thể giảm căng thẳng, góp phần xây dựng lòng tin

Trong các vấn đề đánh bắt cá, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, và phát triển kinh tế biển bền vững, các đại biểu tham dự cũng cho rằng, đây là những lĩnh vực cần được các nước quan tâm chú ý, do đây là các lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng, có hiệu quả thực tiễn, cho thấy thiện chí hợp tác của các nước nhằm làm giảm căng thẳng, đóng góp vào quá trình xây dựng lòng tin tại khu vực.

Đồng thời, hợp tác trong các lĩnh vực này cũng góp phần đáp ứng lợi ích chung của người dân các nước khu vực về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Tuy nhiên, khi đi vào thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nói trên, các đại biểu cho biết họ gặp phải nhiều khó khăn khi đề xuất các dự án trên thực địa, đồng thời, xuất hiện nhiều yếu tố nhạy cảm trong tiến trình hợp tác như vị trí địa lý, cơ chế tổ chức, tài chính và nhân sự…

Ngoài ra, gần đây một số nước đối tác của ASEAN cũng đề xuất các ý tưởng, sáng kiến hợp tác “kinh tế biển xanh” với ASEAN, do đó khó tránh khỏi chồng chéo và phức tạp giữa các sáng kiến này. Các đại biểu đã đề xuất tìm kiếm các biện pháp để đồng bộ hoá các sáng kiến này, kể cả việc xây dựng các cơ chế hợp tác biển đa phương của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác để thúc đẩy hợp tác biển.

Vũ Hân/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều