“Thiên đường” của những lời dối trá
Không ít người cho rằng, mạng xã hội là môi trường “ảo” nên cứ thoải mái phát ngôn, tự do thông tin. Trong khi những hành động, lời lẽ thiếu suy nghĩ của họ đã vô tình tiếp tay để các thế lực thù địch, chống đối suy diễn, lợi dụng gây ảnh hưởng xấu trong dư luận nhân dân. Điều nguy hiểm là thông tin giả, tin đồn thất thiệt về nhân sự đưa ra với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo lại được một số người nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, hoặc vì những động cơ xấu đã phát tán, chia sẻ, lan truyền…
Một thủ đoạn chống phá đại hội Đảng nữa mà các đối tượng thù địch, phần tử cơ hội chính trị thường dùng, đó là xuyên tạc, hạ thấp uy tín của Đảng, qua việc xử lý những vụ việc phức tạp. Thời gian qua, với quyết tâm cao, không có vùng cấm, Đảng và Nhà nước ta đã hành động quyết liệt để xử lý những vụ án tham nhũng lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, khởi tố, thậm chí có cả cán bộ cấp cao đương chức. Thế nhưng, một số phần tử phản động và các trang mạng xã hội lại cho rằng tệ nạn tham nhũng do chế độ, cơ chế mà ra. Rồi thì cuộc chiến chống tham nhũng thực chất là “cuộc đấu đá nội bộ”… cố tình tạo ra cái nhìn sai lệch của nhân dân và cộng đồng quốc tế về tình hình trong nước.
Thời gian qua, có nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương, Ban Bí thư quản lý bị xử lý, kỷ luật, trong đó có cả những cán bộ cấp cao, đương chức. Hàng nghìn vụ đã được đưa ra xét xử sơ thẩm về các tội tham nhũng, quản lý kinh tế. Kết quả này có được là nhờ sự quyết tâm hành động của toàn Đảng, mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng – người đã tuyên chiến với tham nhũng và khởi xướng công cuộc làm trong sạch bộ máy. Đây cũng là kết quả được nhân dân, toàn xã hội và cả cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận. Thế nhưng, trên mạng xã hội vẫn xuất hiện không ít giọng điệu lạc lõng phủ nhận những cố gắng này, thậm chí cho rằng tham nhũng, tiêu cực là bản chất của chế độ do một đảng lãnh đạo. Những luận điệu này khơi dậy những nghi ngờ về năng lực của các lãnh đạo Đảng và vai trò của những cán bộ cốt cán trên mặt trận đấu tranh với tham nhũng tiêu cực.
Trong khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, Việt Nam là 1 trong 2 nền kinh tế châu Á được dự báo tăng trưởng dương nhờ nỗ lực của Chính phủ và của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, và không ít đối tượng thiếu thiện cảm với đất nước lại triệt để sử dụng những hình ảnh lượm lặt đâu đó, để thể hiện sự khốn cùng của người dân, sự đổ vỡ trong phát triển kinh tế, hay những phân tích vô căn cứ, phiến diện để vẽ nên một bức tranh tối tăm, quy kết về một tình cảnh “lâm nguy”, “hiểm nghèo” của đất nước mà nguyên nhân là từ trách nhiệm và sự yếu kém của đội ngũ cán bộ được giao trọng trách phòng chống đại dịch.
Vậy sự thật thế nào? Một trong những minh chứng rõ nét nhất đó là trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung vừa qua, bên cạnh việc chỉ đạo chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc, Chính phủ cũng đã chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp 500 tỷ đồng và 5000 tấn gạo cho 5 tỉnh bị ảnh hưởng. Thế nhưng, những thế lực chống phá tiếp tục phủ nhận mọi nỗ lực đó, chê trách Chính phủ và các cá nhân lãnh đạo Chính phủ, địa phương và lực lượng vũ trang tham gia ứng cứu đồng thời vu cáo rằng, Đảng, Nhà nước chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, ứng cứu chậm trễ, thậm chí còn bỏ mặc người dân trong lũ lụt.
Xuyên tạc thành tựu đạt được chưa đủ, các thế lực thù địch và các phần tử cực đoan còn khoét sâu thổi phồng khuyết điểm nhằm hạ uy tín các cán bộ dự kiến được lựa chọn, giới thiệu để đại hội bầu vào cấp ủy khóa mới. Âm mưu này không chỉ làm nhiễu thông tin về cán bộ, phá hoại công tác nhân sự cho đại hội mà nguy hiểm hơn, đó còn phá hoại niềm tin của nhân dân với Đại hội và với Đảng. Các đối tượng xấu sẽ tiến hành phá hoại công tác nhân sự, tuyên truyền, xuyên tạc về công tác chuẩn bị, nội dung, tính chất hoạt động bầu cử trước thềm Đại hội Đảng. Chúng đưa ra những bài viết, bình luận kiểu như “Việt Nam đã chọn xong người làm Tổng Bí thư”, “Cuộc bỏ phiếu là sự đấu tranh giữa các phe phái trong Đảng”… Gắn liền với đó, chúng chống phá công tác cán bộ, cho rằng công tác cán bộ của Đảng ta là không dân chủ, thiếu minh bạch, làm theo kiểu “áo gấm đi đêm”; việc quy hoạch, sắp xếp cán bộ “không có dân chủ”… nhằm phá hoại an ninh chính trị nội bộ, phá hoại sự kiện chính trị – xã hội quan trọng nhất của đất nước. Từ đó hòng làm giảm sút uy tín của Đảng, lung lạc niềm tin của nhân dân đối với chế độ và hệ thống chính trị. Nhưng mục đích sâu xa hơn của chúng là đòi “đa nguyên, đa đảng”, tìm cách xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Như vậy, xét về góc độ pháp lý, rõ ràng việc sử dụng các phương tiện truyền thông để đăng phát những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ nhằm xâm hại lợi ích của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Xét về góc độ đạo đức, những biểu hiện xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, hạ thấp uy tín cán bộ thông qua các phương tiện truyền thông tin đại chúng, thông qua đơn thư nặc danh, mạo danh là việc làm mờ ám, vụng trộm, lén lút, không trong sáng, không nhân văn giữa con người với con người. Nếu động cơ trong sáng, thực sự vì sự tiến bộ của người khác, với tinh thần xây dựng vì sự vững mạnh của tập thể, vì sự ổn định, phát triển của đất nước thì không thiếu hình thức, biện pháp phê bình, góp ý dân chủ, công khai, minh bạch. Pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Việc lợi dụng tự do ngôn luận, tự do trên mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bịa đặt, vu khống uy tín tổ chức và cá nhân, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh đó, chúng ta cần tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, nêu cao tinh thần cảnh giác, có nhãn quan chính trị sắc bén, nhìn vào thực tế đang diễn ra trên đất nước ta để nghe, để sàng lọc thông tin một cách chính xác, không bị lung lay bởi những luận điệu xuyên tạc không có căn cứ. Ngoài ra các cơ quan chức năng chuyên trách như Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông cần chủ động phân tích dữ liệu lớn để nhận diện xu hướng thông tin, phát hiện những thông tin tiêu cực, xấu độc nhằm xử lý kịp thời. Đề nghị các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook… phải chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung xấu độc, xuyên tạc… để ngăn chặn, gỡ bỏ. Càng gần đến thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ta nhận thấy việc tuyên truyền, phát tán thông tin xấu độc về nhân sự sẽ diễn ra với mức độ gay gắt, thủ đoạn tinh vi và nguy hiểm hơn. Cuộc đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật còn nhiều gian nan, nhất là khi công nghệ ngày càng phát triển. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa, xử lý nghiêm minh hơn nữa những hành vi chống phá, xuyên tạc Đại hội Đảng thì vấn đề rất quan trọng cần thực hiện tốt là công khai, minh bạch thông tin, không nên để những thông tin giả, tin đồn thất thiệt lan truyền và hoành hành trong cộng đồng rồi mới tìm cách khắc phục theo kiểu “chạy theo” tình hình. Mỗi người dân chúng ta, cũng cần tỉnh táo, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng mỗi khi định chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến Đại hội Đảng. Đừng để mình trở thành “con rối”, tiếp tay cho kẻ xấu và các thế lực thù địch.
Diệp Vấn
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.