+
Aa
-
like
comment

Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc Quốc hiệu Việt Nam

Diệu Hương - 17/06/2020 16:30

Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sự tiếp nối của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà tiền thân là Nhà nước Văn Lang thời lập quốc. Quốc hiệu của nước Việt Nam thống nhất, gắn liền với niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, nay đã “sánh vai với cường quốc năm châu” như lời mong mỏi của Lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại. Vậy mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn cố tình xuyên tạc về việc thay đổi tên Quốc hiệu của Nhà nước ta.

Quốc hiệu luôn là một trong những cái tên thiêng liêng nhất đối với mỗi dân tộc, mỗi con người. Nó khẳng định sự tồn tại và chủ quyền của một quốc gia, thể hiện ý thức và niềm tự hào của mỗi dân tộc cũng như sự bình đẳng với các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới. Quốc hiệu còn là những cột mốc ghi lại những bước thăng trầm, những bước phát triển trong tiến trình lịch sử dân tộc, đồng thời nói lên khát vọng của ông cha ta về một đất nước toàn vẹn chủ quyền, độc lập, thống nhất, giàu mạnh và vững bền.

Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, ở mỗi giai đoạn, nước ta từng có những quốc hiệu như Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, Việt Nam, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày 02/7/1976, nước Việt Nam mang tên mới: Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày bắt đầu chương mới huy hoàng của lịch sử Việt Nam. Từ Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dân tộc ta đã trải qua những chặng đường lịch sử đầy chông gai nhưng cũng đầy khí phách anh hùng, chiến thắng vẻ vang. Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm tròn sứ mệnh lịch sử quang vinh.

44 năm một chặng đường lịch sử đã đi qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEAN và trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế khác ngày càng được coi trọng. Việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu) và đảm nhận thành công rất nhiều trọng trách đa phương như chủ nhà APEC 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, tổ chức tốt Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai (2019) đã khẳng định tầm vóc và vị thế mới của đất nước…

Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Ấy vậy mà, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước vẫn hàng ngày, hàng giờ tuyên truyền, xuyên tạc trên các trang mạng xã hội, đưa ra nhiều ý kiến sai lệch về việc thay đổi tên nước ta. Chúng cho rằng: “bỏ quốc hiệu Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là việc phải làm bởi vì nó loại trừ những người không tán thành chủ nghĩa xã hội, nghĩa là gần như tất cả mọi người Việt Nam hiện nay. Nó là một thách đố xấc xược đối với dân tộc Việt Nam. Hơn nữa chủ nghĩa xã hội, hay chủ nghĩa Mác – Lênin, đã bị thế giới vất bỏ như một chủ nghĩa tội ác. Trên thế giới hiện nay Việt Nam là nước duy nhất còn tự xưng là “cộng hòa xã hội chủ nghĩa”. Đây hoàn toàn là luận điệu phản động, xuyên tạc bản chất chế độ và xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa được thể hiện trong quốc hiệu nước ta.

Như chúng ta đã biết, mỗi quốc gia có một tên gọi riêng của mình mà không có sự trùng lặp với bất kỳ nước nào, thể hiện sự độc lập của họ trong quan hệ quốc tế cũng như phản ánh thiết chế chính trị của họ. Trong thế giới hiện nay, các nước thường gắn với các cụm từ “cộng hòa” hoặc “dân chủ” trong quốc hiệu của mình để khẳng định bản chất chính trị riêng biệt đó, như: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào; nước Cộng hòa Pháp…

Đối với Việt Nam, Quốc hiệu cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định nhà nước Việt Nam có hình thức chính thể là cộng hòa xã hội chủ nghĩa, có chế độ chính trị dân chủ cộng hòa xã hội chủ nghĩa và là nhà nước đơn nhất, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt, khi đi cùng tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” càng khẳng định mục tiêu có tính bản chất trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa cộng sản – chế độ chính trị mà toàn Đảng, toàn dân ta hướng đến; là thành quả, khát khao mà nhiều thế hệ nhân dân đã đổ mồ hôi, hy sinh xương máu để xây dựng qua trường kỳ lịch sử.

Như vậy, việc đổi tên nước từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với điều kiện lịch sử và chế độ chính trị của nước ta lúc bấy giờ. Bởi lẽ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là tên gọi đã được Quốc hội Khoá VI quyết định vào ngày 2/7/1976 sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất, non sông thu về một mối cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và được sử dụng ổn định cho đến nay. Tên gọi này gắn với giai đoạn hoà bình, độc lập dân tộc, thống nhất của đất nước. ” Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là tên gọi khẳng định làm rõ con đường, mục tiêu mà chúng ta đang đi và hướng tới là phấn đấu thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tư đó đến nay, trải qua những thăng trầm của công cuộc dựng xây đất nước, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh đó là sự lựa chọn đúng đắn, phản ánh đúng bản chất chế độ và trung thành với mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước lợi dụng sự kiện này để chống phá cách mạng Việt Nam là bỉ ổi, vô lương tri, đi ngược lại với xu thế tất yếu của lịch sử nhân loại và làm cản trở tiến trình phát triển của cách mạng nước ta. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh nhằm bảo vệ giá trị của quốc hiệu Việt Nam./.

Diệu Hương

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều