Cảnh giác với lời kêu gọi thành lập “Nhà nước Mông”
Thời gian qua, một số đối tượng có ý đồ xấu, tiếp tục thực hiện ý đồ thành lập cái gọi là nhà nước Mông cùng với sự giật dây của các thế lực thù địch lưu vong nước ngoài. Chúng tập trung vào các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta để tuyên truyền lôi kéo họ tham gia các tổ chức phản động.
Gần đây, chúng ngày càng thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn, đó là lợi dụng tà đạo, tôn giáo lôi kéo sự nhẹ dạ cả tin của người dân, đồng bào dân tộc miền núi, xúi giục họ chống phá chính quyền.
Thực tế, hoạt động lập nhà nước Mông đã hình thành ở khu vực miền núi nước ta từ nhiều năm về trước. Tình trạng này, đã bị cơ quan chức năng nhiều lần xử lý, bắt giữ nhưng chỉ được một thời gian ngắn các tổ chức, thành phần chống phá lại tìm cách mới lôi kéo người dân. Thời gian đầu, hướng chỉ đạo chính của chúng là tuyên truyền, tập hợp lực lượng để đưa sang Lào tham gia hoạt động vũ trang chống phá, gây bạo loạn, lập “Vương quốc Mông” ở Lào. Những năm trở lại đây, hoạt động này đã chuyển vào vùng đồng bào Mông ở Việt Nam.
Chúng nhằm vào những phần tử xấu, cơ hội trong đồng bào người Mông, “bồi dưỡng”, gây dựng trở thành những đối tượng cốt cán trong việc mở rộng địa bàn hoạt động chống phá. Về bản chất chống phá không mới, nhưng âm mưu, thủ đoạn hoạt động của chúng luôn thay hình, đổi dạng, ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Cụ thể, trong thời gian gần đây, những đối tượng đứng đầu đang có động thái manh nha hoạt động trở lại. Tuyên truyền hoạt động tà đạo là hội thánh đức chúa trời hay còn gọi là tà đạo “Bà Cô Dợ” và tà đạo Giê Sua. Việc truyền đạo trái pháp luật, đòi thành lập “Nhà nước Mông”, xây dựng nhà nguyện trá hình… tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh trật tự.
Đồng thời, chúng chú trọng vào các vấn đề về lịch sử, đất đai, những sai sót trong việc thực hiện các chính sách dân tộc để kích động, lôi kéo người Mông biểu tình, bạo loạn, trốn ra nước ngoài. Vu cáo Việt Nam đàn áp người Mông, tìm cách móc nối, phát triển tổ chức vào trong nước; câu kết, hỗ trợ cho số đối tượng chống đối trong nước bằng nhiều hình thức; triệt để lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động chống phá.
Lật tẩy những chiêu trò mục đích thành lập nhà nước Mông
Phương thức, thủ đoạn của các tà đạo ngày càng tinh vi. Các đối tượng cầm đầu đã biết ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là internet với các trang mạng xã hội để tuyên truyền trực tuyến và chỉ đạo, điều hành hoạt động. Ví dụ, các đối tượng tà đạo “Hội thánh của Ðức Chúa Trời Mẹ” sử dụng máy chiếu để tuyên truyền trên địa bàn xã Pú Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông; hoặc thực hiện trực tuyến qua smart phone; tà đạo “Bà Cô Dợ” dụ dỗ, lôi kéo người tin theo bằng các lợi ích vật chất…
Ðặc biệt, thông qua hoạt động của các tà đạo, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai nhằm chống phá Nhà nước ta.
Do đó, các cơ quan chức năng, cần nâng cao hơn nữa, tuyên truyền nhận thức cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ tác hại của các tà đạo. Và tích cực vận động quần chúng Nhân dân kịp thời phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các hoạt động vi phạm của các đối tượng liên quan đến các loại tà đạo trên địa bàn, để kiên quyết trong đấu tranh và xử lý.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn hoạt động tôn giáo trái phép và tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành thì người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chấp hành tốt chính sách pháp luật Nhà nước; không tin, nghe theo luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Sự thật là không có “Nhà nước Mông” nào cả, tất cả chỉ là chiêu trò của các đối tượng chống đối hoặc bị kích động chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính vì vậy, là mỗi công dân Việt Nam, chúng ta cần nhận thức rõ những thông tin tuyền truyền là đúng hay sai, là tốt hay xấu để từ đó xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người, gia đình, góp phần xây dựng xã hội văn minh, đất nước giàu mạnh.
Hải Anh
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả