+
Aa
-
like
comment

Cảnh giác với các dự án của Trung Quốc có nguy cơ đến an ninh quốc phòng

24/08/2019 23:06

“Tôi khẳng định, trên thế giới, không nước nào không gắn hoạt động đầu tư với hoạt động gián điệp để khai thác thông tin từ các nước rồi làm lợi cho quốc gia mình. Gần đây, Huawei của Trung Quốc và cách ứng xử của Mỹ là câu chuyện điển hình”, GS Nguyễn Mại nói.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trả lời báo chí - Ảnh: LT
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trả lời báo chí – Ảnh: LT

Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể là phấn đấu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt số vốn đăng ký giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 150-200 tỉ USD (30-40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 200-300 tỉ USD (40-50 tỉ USD/năm). Vốn thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 100-150 tỉ USD (20-30 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 150-200 tỉ USD (30-40 tỉ USD/năm)…

Vốn FDI cần bằng 22-23% vốn đầu tư xã hội

Nói về nghị quyết này, GS.TS Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng năm 2018 và 2019 là năm của doanh nghiệp. Bộ Chính trị đã có 3 nghị quyết: Một là nghị quyết xem tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng; hai là nghị quyết nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh cổ phần hóa và thứ ba là nghị quyết về đầu tư nước ngoài… cho thấy đã có đánh giá đầy đủ hơn vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp.

“Nếu 3 “đội quân” kinh tế tư nhân, nhà nước và FDI cùng phát triển thành động lực quan trọng của tăng trưởng thì mới có thể có được nền kinh tế phát triển cao, tăng trưởng bền vững”, ông Mại nói.

Cũng theo ông Mại, FDI đã làm thay đổi Việt Nam rất nhiều về phương thức sản xuất, tiêu dùng, phân phối và cả tư duy của người Việt. Tuy vậy, thay đổi trong FDI có sự hạn chế, đặc biệt là từ khi phân cấp quản lý cho các địa phương từ năm 2006. Việc trao quyền cho địa phương cấp giấy phép kinh doanh, xúc tiến đầu tư, chọn dự án bên cạnh việc phát huy được tính năng động của địa phương đã nảy sinh tiêu cực.

Chuyên gia này cũng bình luận rằng, mục tiêu đạt số vốn đăng ký giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 150-200 tỉ USD (30-40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 200-300 tỉ USD (40-50 tỉ USD/năm) là con số “rất quan trọng”.

“Năm 2019, nếu làm tốt, vốn FDI thực hiện sẽ đạt khoảng 19,5 tỉ USD. Như vậy, giai đoạn tiếp theo đặt mục tiêu vốn thực hiện 20-30 tỉ USD (tức trung bình 25 tỉ USD, cao hơn khoảng 5 tỉ USD so với năm 2019) là hợp lý”, ông Mại nói.

GS này cho hay, Việt Nam có 712.000 doanh nghiệp trong nước, 25.000 doanh nghiệp FDI nữa. Doanh nghiệp FDI bao giờ cũng đóng góp 22-23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Thêm mỗi 5 tỉ USD trong các năm tới chính là giữ vững tỷ lệ 22-23% tổng vốn đầu tư xã hội của khối FDI. Tương tự ở giai đoạn sau, mỗi năm vốn thực hiện 30-40 tỉ USD, tức trung bình 35 tỉ USD, cũng chính bằng 22-23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội

“Với tư cách người nghiên cứu kinh tế, tôi cho đó là con số cần đạt được, không nên thấp hơn cũng không nên cao hơn, vì dù chúng ta có 712.000 doanh nghiệp trong nước và 5 triệu hộ kinh doanh nhưng vốn trong nước vẫn hạn hẹp nên ta cần thêm một lượng vốn FDI để có tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 30% GDP, như vậy mới có thể tăng trưởng GDP 7-8%/năm.

Ông Mại tái khẳng định: “Chúng ta phải nhớ rằng, khác với thập niên 90 của thế kỷ trước, khi ta chưa có bao nhiêu vốn đầu tư trong nước nên phải ưu tiên cho đầu tư nước ngoài, giờ ta đã có rồi thì nên giữ ở mức 22-23%. Đây là tỷ lệ hợp lý”.

Nghi phạm Trung Quốc lập đường dây đánh bạc 10.000 tỷ đồng ở Hải Phòng
Nghi phạm Trung Quốc lập đường dây đánh bạc 10.000 tỷ đồng ở Hải Phòng

300 tỉ USD đăng ký có 200 tỉ USD không thể giải ngân

Phân tích thêm về mục tiêu vốn thực hiện trong các giai đoạn, ông Mại cho rằng nếu theo dõi từ năm 2010 đến nay thì có thể thấy vốn giải ngân bằng 60-70% vốn đăng ký là hoàn toàn làm được.

Vốn đăng ký quan trọng nhưng chuyện giải ngân vốn còn quan trọng hơn. Ông Mại cho biết đến bây giờ vẫn còn 300 tỉ USD chưa giải ngân. “Tôi đã nhiều lần nói có lẽ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê nên làm lại con số vốn đăng ký, vì thực sự có những vốn đăng ký từ lâu lắm rồi mà không thực hiện. Trong số 300 tỉ USD chưa thực hiện đấy có 200 tỉ USD là không bao giờ thực hiện”.

Theo ông Mại, trong số 100 tỉ USD có thể giải ngân thì nên chia làm 3 loại. Thứ nhất là loại gặp khó khăn do chưa có mặt bằng, chưa được cấp giấy phép xây dựng; để giải quyết thì chính quyền cần hỗ trợ.

Thứ hai là loại thiếu vốn, cần vay mượn; để giải quyết thì chính quyền cần thảo luận với nhà đầu tư về cách vay mượn; ngân hàng trong nước có thể cho vay hoặc nhà đầu tư trong nước có thể tham gia liên danh.

Thứ ba là loại thực sự khó khăn, không giải ngân được. Đối với loại này, chính quyền cho thời gian 6 tháng để nhà đầu tư tự giải quyết; sau 6 tháng không làm được thì xóa dự án, như vậy đỡ con số ảo 300 tỉ USD.

Về chất lượng, ông Mại cho biết cần thu hút những dự án công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao. “Ba cuộc cách mạng trước chúng ta chưa tham gia tích cực thì cuộc cách mạng lần 4 này chúng ta phải tham gia. Theo đó, không được châm trước dự án để đảm bảo số lượng lẫn chất lượng, không chấp nhận dự án ma, dự án chui, mỏng vốn, chuyển giá…”, ông Mại nêu.

Chuyên gia này cũng nêu, Mỹ đã gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ thì câu chuyện giữa 2 quốc gia này ảnh hưởng đến cả thế giới. Do đó, sẽ có làn sóng chuyển đầu tư ra nước ngoài. Năm 2019 việc này sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn với hàng trăm tỉ USD ra nước ngoài. Hai năm nay, có khá nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam. Do đó, việc có nghị quyết này là rất thuận lợi cho môi trường đầu tư.

“Chúng ta muốn thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, có chất lượng hơn thì phải có môi trường đầu tư tốt hơn Trung Quốc. Mấy tháng trước, Trung Quốc có luật đầu tư nước ngoài riêng và rất cởi mở với đầu tư nước ngoài. Do đó, chúng ta cần rà soát lại thể chế, luật pháp để cải thiện môi trường đầu tư để thông thoáng hơn, cạnh tranh với các nước xung quanh thì chúng ta mới có thể thu hút được dòng vốn FDI”, ông Mại khẳng định.

Cần xem xét an ninh quốc phòng

Về tiêu chí an ninh quốc phòng, toàn bộ chiến lược phát triển doanh nghiệp đều phải xem xét an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Hơn nữa, FDI là một mảng liên quan đến kinh tế đối ngoại, có quan hệ chặt chẽ đến quan hệ ngoại giao, chính trị với các nước trên thế giới.

“Nước chúng ta cũng có nhiều vấn đề nảy sinh với các nước láng giềng như biên giới, hải đảo, nên không thể coi nhẹ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Trên thế giới, không nước nào không gắn hoạt động đầu tư với hoạt động gián điệp để khai thác thông tin từ các nước rồi làm lợi cho quốc gia mình. Gần đây, Huawei của Trung Quốc và cách ứng xử của Mỹ là câu chuyện điển hình. Đây không chỉ là chuyện riêng của doanh nghiệp mà là an ninh giữa hai quốc gia”, ông Mại nói.

Cách đơn giản, chuyên gia này cho rằng Việt Nam là cần phải chọn bạn mà chơi. Ở châu Á, có 2 người bạn rất đáng tin cậy là Nhật Bản và Hàn Quốc. Những doanh nghiệp Nhật, Hàn vào Việt Nam vào đây cả 30 năm nay không hề có chuyện gì về an ninh quốc phòng cả. Nhưng trái lại, những nước có vấn đề biên giới, hải đảo với chúng ta, không thể để họ thực hiện các dự án có ảnh hưởng và nguy cơ đến an ninh quốc phòng.

Lam Thanh/ Một Thế Giới

Bài mới
Đọc nhiều