+
Aa
-
like
comment

Cảnh giác với bàn cờ vây của nước Mỹ

Huy Hoàng - 12/04/2022 11:19

Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga, nhiều luồng ý kiến cho rằng đã đến lúc đặt dấu chấm hết cho sự thống trị đơn cực của Mỹ. Tuy nhiên, thực tế đó cũng đang làm cho thế giới trở nên nguy hiểm hơn, khi Mỹ quyết tâm chơi “tất tay” để kiềm hãm Nga – Trung Quốc. Nhưng trong cuộc chiến một cân hai này, Mỹ không định nhúng tay. Trận cờ vây của Mỹ, vẫn là núp bóng NATO, vẫn sẽ là dùng những con tốt thí mạng, như Mỹ đã dùng Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Khiêu khích Nga, đẩy Moscow sa lầy vào chiến tranh

Sau sáu tuần kể từ thời điểm điện Kremlin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, thì đến hôm 6/4, quân đội Nga hầu như đã rút toàn bộ lực lượng khỏi thủ đô Kiev. Có thể nói hiếm có một cuộc chiến nào giống với xung đột Nga-Ukraine. Khi vừa tranh nhau ác liệt về mặt quân sự, vừa thúc đẩy tiến trình đàm phán để hướng tới hòa bình. Hơn nữa, các cuộc đàm phán còn được chính phía Nga thúc đẩy xuyên suốt kể từ thời điểm mở màn chiến dịch đến nay. Hôm 24/2 khi Nga đưa quân vào Ukraine, thì hôm 28/2, cả Nga và Ukraine đã liên lạc với nhau để ngồi xuống đàm phán.

Tuy nhiên, mắt xích lớn nhất vẫn chưa được giải quyết, là do Nga vẫn giữ yêu cầu Ukraine công nhận Crimea thuộc về Nga, cùng với đó Kiev cũng phải công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông Donbass. Phía Ukraine đã đề nghị tạm thời gác lại vấn đề Crimea và các vùng lãnh thổ ly khai ở Donbass. Kiev hiện chỉ chấp nhận yêu cầu trung lập mà phía Nga đề ra. Sẵn sàng từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, không sở hữu vũ khí hạt nhân, các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và cam kết không tiếp nhận quân đội hoặc căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine.

Chính lỗ hổng này đang tạo cơ hội cho Mỹ kéo Nga sa lầy vào cuộc chiến ở Ukraine. Bởi Donbass vẫn sẽ là điểm nóng giữa hai quốc gia Đông Âu.

Hôm 09/04 Thủ Tướng Anh Boris Johnson đã đến thăm Ukraine, cùng với đó là hứa sẽ chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine, bao gồm xe thiết giáp và tên lửa chống hạm. Hay như Cộng hòa Czech, Slovakia đã gửi xe tăng, hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine để đổi lại được Mỹ chuyển giao các hệ thống mới hơn. Cả khối NATO cũng cam kết chi viện vũ khí hạng nặng cho Ukraine, gồm những vũ khí sát thương cao hơn, tinh vi hơn, tầm xa và được bọc thép.

Thế nhưng, điều lạ là tuần qua NATO còn đã có nhiều động thái làm leo thang quân sự với Nga, như việc Thụy Điển, Phần Lan, Gruzia xem xét quyết định gia nhập NATO. Thậm chí, Phó thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski còn nói rằng Warsaw sẵn sàng chứa vũ khí hạt nhân Mỹ.

Nếu mục tiêu của Mỹ và NATO đơn thuần chỉ là để giúp Ukraine không bị thất thế trước Nga, khi cuộc chiến ở Donbass đã cận kề thì họ không nhất thiết phải có hành động khiêu khích với Nga. Nhưng hành động của NATO đang cho thấy, họ vừa ủng hộ Ukraine, lại vừa cố tình khiêu khích Nga. Không khác gì đang lợi dụng Ukraine để kéo dài thời gian chiến tranh với Nga.

Nga chắc chắn sẽ hao tiền tốn sức nếu chiến tranh mãi kéo dài. Và bên thương vong vẫn là Ukraine, người gánh chịu thiệt hại là Châu Âu. Ukraine là lá chắn sống, còn Châu Âu là lá chắn về kinh tế. Còn Mỹ, họ nằm cách xa cả một đại dương, vừa vây được Nga, vừa hạn chế được tối đa tác động về nhân mạng và kinh tế. Nên không phải Nga hay Trung Quốc, Mỹ mới chính là bên làm chủ thế cờ.

Khiêu khích Trung Quốc, kích động chiến sự leo thang ở Châu Á-Thái Bình Dương

Ở phía Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc đã rất bất an mỗi khi Mỹ chuyển giao vũ khí cho Đài Loan. Giới chức Mỹ cho rằng việc đó là cần thiết để hòn đảo này tự vệ, bất chấp vi phạm đến chủ quyền nguyên tắc một Trung Quốc của Bắc Kinh.

Hôm 05/04, nhóm 3 nước AUKUS gồm Mỹ, Anh, Úc còn đã cam kết cùng nhau phát triển vũ khí siêu thanh. Và vài ngày sau đó, truyền thông Nhật Bản và Đài Loan đã rầm rộ đưa tin Chủ tịch Hạ Viện Mỹ bà Pelosi sẽ dẫn đầu phái đoàn đến Nhật cuối tuần này và thăm đảo Đài Loan tuần tới. Bơm vũ khí cho hòn đảo, tới thăm chính thức như công nhận chủ quyền của Đài Loan, thậm chí Mỹ còn dọa sẽ trừng phạt Trung Quốc nếu dám gây hấn với Đài Loan, Mỹ đang khiêu khích Trung Quốc ngày một dữ dội hơn. Và tình hình sẽ thật sự leo thang như ở Ukraine, nếu Mỹ chuyển giao vũ khí siêu thanh của AUKUS cho Đài Loan.

Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ bằng việc tuyên bố sẽ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Để khi có xung đột, Mỹ và NATO sẽ phải đứng ngoài cuộc. Nhưng điều lạ là, hôm 12/04, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết rằng “mối đe dọa từ Trung Quốc” đã được ghi vào “khái niệm chiến lược” của NATO, một văn bản chiến lược hành động chung của khối. Ngoài ra, ông Stoltenberg còn nói rằng NATO cần tăng cường hợp tác với các đối tác ở châu Á – Thái Bình Dương để đối phó với sự gia tăng năng lực và đầu tư quốc phòng của Trung Quốc.

Mỹ và NATO hiểu rất rõ một khi có xung đột, họ chắc chắn không tham gia. Vậy thì việc NATO công khai tuyên bố Trung Quốc là mối đe dọa và xích lại gần với các nước Châu Á Thái Bình Dương không khác nào đang tìm kiếm một con cờ thế mạng để gián tiếp leo thang xung đột với Trung Quốc.

Không phải tự nhiên mà Trung Quốc càng hung hăng, thì Mỹ càng tỏ ra anh hùng. Toan tính của Mỹ chính là nhằm tạo thêm đồng minh để vây kẻ thù chiến lược của mình. Nhưng nếu chiến sự ở Châu Á có nổ ra, họ chắc chắn không tham gia. Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực ASEAN, các nước lân cận sẽ hứng chịu hậu quả về kinh tế do phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc. Còn Mỹ vẫn nằm tít ở bên kia đại dương, vừa vây được đối thủ của mình, vừa tránh được tối đa tổn thương về nhân mạng và kinh tế. Nên dù sự thống trị đơn cực của Hoa Kỳ đã không còn, nhưng bàn cờ vẫn do Mỹ làm chủ.

Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ không để yên cho Hoa Kỳ lấy lại vị thế dẫn đầu, bởi bản thân họ cũng luôn xem mình là siêu cường. Cuộc cạnh tranh gay gắt của ba ông lớn làm tình hình chính trị thế giới ngày một nguy hiểm hơn. Vì lẽ đó, Việt Nam mới kiên quyết không trở thành đồng minh của Mỹ, của bất kỳ ai, kể cả Nga. Quyết tâm với chủ trương trung lập và đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều