+
Aa
-
like
comment

Cảnh giác trước trò “nộp tiền” để kiểm tra của những kẻ mạo danh công an

Thái Thanh - 28/08/2019 16:43

Vừa mới đây, thêm một người dân trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Nhận cuộc gọi điện thoại từ người không quen biết, bị hù dọa liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền, chị Đặng T.M.A. (SN 1972), trú tại quận Ba Đình, Hà Nội liền tự nguyện chuyển gần 500 triệu đồng cho bọn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt. Những mô tip lừa đảo thế này đã cũ nhưng cứ vài tháng lại có một người dân trở thành nạn nhân.

Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, Công an TP.Hà Nội đã nhận được đơn trình báo của 18 nạn nhân bị các đối tượng sử dụng mạng internet, mạng viễn thông lừa đảo với số tiền gần 33 tỷ đồng

Như bao trường hợp đã được cơ quan ra cảnh báo, bọn lừa đảo giở thủ đoạn quen thuộc là gọi điện thoại cho đối tượng muốn săn mồi – lần này là chị Đặng T.M.A. Chúng tự xưng là nhân viên bưu điện gọi đến cho biết chị có một khoản nợ ngân hàng. Sau đó một người khác tự xưng là công an, thông qua điện thoại yêu cầu chị Đặng T.M.A cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ căn cước công dân, số điện thoại di động để kiểm tra về khoảng nợ.

Ngày hôm sau, kẻ tự xưng là công an tiếp tục điện cho chị Đặng T.M.A thông báo đã xác minh thông tin và được biết chị có một tài khoản ngân hàng khác, đã nhận được số tiền rất lớn đến hàng chục tỉ đồng từ các đối tượng trong một đường dây mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền.

Biết chị Đặng T.M.A hoang mang, lo lắng khi liên tục khẳng định không liên quan đến số tiền trên, thì người tự xưng công an lại chuyển điện thoại cho một người khác, được giới thiệu là cấp trên của công an tự xưng. Người này yêu cầu, chị Đặng T.M.A muốn chứng minh bản thân vô tội thì phải mua một chiếc điện thoại mới, cài đặt ứng dụng “Bộ Công an”, đồng thời sử dụng một số điện thoại khác để mở thẻ ngân hàng rồi chuyển tiền vào đó để cơ quan Công an xác minh.

Chị Đặng T.M.A lập tức đi mua một chiếc điện thoại cùng với sim mới và cài đặt ứng dụng có tên “Bộ Công an” theo đường link mà người lạ gửi tới, rồi mở tài khoản gửi vào đó số tiền 476.953.000 đồng. Sau đó, chị Đặng T.M.A tiếp tục nhắn tin thông tin cho đối tượng tự xưng công an về cách thức đăng nhập, mật khẩu tài khoản ngân hàng mới vừa mở để người này kiểm tra.

Sau 3 ngày, các đối tượng lừa đảo tiếp tục yêu cầu chị Đặng T.M.A mở một tài khoản ngân hàng khác và làm đúng như hướng dẫn trước đó. Lần này, linh cảm bị lừa nên chị không làm theo, đồng thời làm đơn trình báo gửi Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Ngày 27-8, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, đang điều tra vụ việc sử dụng cài đặt ứng dụng “Bộ Công an” lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Sự việc sẽ sớm được cơ quan chức năng bóc tách, đưa thủ phạm ra ánh sáng

Một trong các đường dây các đối tượng lừa đảo qua mạng viễn thông, internet bị lực lượng chức năng bắt giữ. (Ảnh: Công an cung cấp)

Thủ đoạn gọi điện thoại, mạo danh người của cơ quan công quyền để lừa đảo đã quá cũ. Thật ra, chỉ cần lưu tâm một chút, ai cũng sẽ điều biết, không bao giờ cơ quan công an làm việc qua điện thoại. Từ xưa đến nay, quy tắc làm viêc của công an là khi cần sẽ mời người liên quan lên làm việc bằng cách gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập thông qua cảnh sát khu vực. Nơi làm việc chắc chắn là tại cơ quan công an, chứ không phải nơi nào khác. Càng không có việc cán bộ công an điện thoại yêu cầu chuyển tiền, tất cả đều là thủ đoạn của bọn tội phạm lừa đảo.

Vì thế, cho nên khi nghe điện thoại có nội dung trên, người dân cần tỉnh táo, không thực hiện theo những gì bọn chúng nói, mưu trí ghi âm lại, hoặc trình báo cơ quan chức năng liền ngay sau đó. Tuyệt đối không cung cấp địa chỉ nhà, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại cho bất kỳ cá nhân nào không quen biết, khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.

Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không có lý do chính đáng, thì cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Thái Thanh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều