Cảnh giác trước những bài báo kinh tế được dùng chống phá
Trước tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, các hoạt động công kích Chính phủ cũng bắt đầu gia tăng theo. Những bài viết về kinh tế hiện đang là công cụ của nhóm đối tượng này dùng để kích động chống phá Việt Nam.
Theo đó, bài báo cho rằng ở các nước tiến bộ, Ngân hàng Trung ương (NHTW) và Chính Phủ là 2 cơ quan độc lập, tuy nhiên, về chính sách thì lại rất đồng bộ. Trong đại dịch, nếu NHTW bơm tiền thông qua chính sách tiền tệ, thì Chính phủ cũng bơm tiền bằng cách tăng chi tiêu qua các dự án. Bài báo viện dẫn về Việt Nam, khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngang bộ với nhau nhưng chính sách lại không đồng bộ với nhau, do có lúc thì NHNN bơm tiền, nhưng chính sách tài khóa lại nghẽn tiền. Điển hình là đầu tư công và các gói hỗ trợ tín dụng chậm giải ngân.
Ngoài ra bài báo cũng cho rằng, tình hình lạm phát năm 2022 được thông báo là dưới 4% là không đúng. Vì hầu hết các mặt hàng đều tăng giá trong năm qua, ít nhất là 20%, cho nên, con số lạm phát dưới 4% là không đáng tin. Đặc biệt năm nay, ngân hàng tăng lãi suất quá cao, đến hơn 13%, điều đó cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đang muốn hút tiền về. Nếu lạm phát thấp thì tại sao phải hút tiền về? Đấy là minh chứng cho thấy, tình hình nền kinh tế Việt Nam đang rất tệ.
Vậy những lập luận trên có đúng với tình hình kinh tế Việt Nam ta hiện nay? Thực tế có đúng với nhận định “Chính phủ bế tắc, Thủ tướng bất lực và kinh tế Việt Nam đang rất tệ” hay không?
Không thể phủ nhận những lập luận trên rất sắc sảo, tuy nhiên, bài báo đang tự xung đột với chính mình khi ở trên thì cho rằng việc bơm tiền đang bị nghẽn, ở dưới thì lại nói rằng NHNN muốn hút tiền về, như thể lạm phát tại Việt Nam là do chính sách bơm tiền của NHTW. Nếu đã không bơm tiền thì làm sao có thể hút tiền về? Trên thực tế, lạm phát tại Việt Nam là do chi phí nhập khẩu tăng. Còn việc lãi suất bị neo quá cao ở các ngân hàng hiện nay là hệ quả từ cuộc đua lãi suất huy động cuối năm ngoái, khi các ngân hàng đang phải “gồng mình” trả lãi tiền gửi. Thế nên khi chi phí cho lãi tiền gửi tăng lên, nhiều loại chi phí khác như trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá, hoạt động tín dụng khác cũng tăng lên ở hầu hết ngân hàng. Đó chính là nguyên nhân khiến lãi suất cho vay chưa thể giảm sâu như mong đợi. Chứ không phải để hút tiền về như lập luận của bài báo. Chỉ lỗi sai nhỏ này thôi đã đủ cho thấy bài viết đang không hiểu đúng về thực trạng nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên không thể phủ nhận tình hình chậm giải ngân ở lĩnh vực đầu tư công và các gói hỗ trợ tín dụng. Mặc dù vậy, đây là tình trạng thường gặp khi điều hành nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Mọi chính sách tài khóa đôi lúc sẽ gặp vấn đề vì tùy vào bối cảnh chung của giai đoạn đó. Như giai đoạn hiện nay, kinh tế toàn cầu trên đà giảm sút, việc ngại cho vay, cho vay lãi suất cao nhằm hạn chế nợ xấu và phát sinh chi phí sau này cũng là điều dễ hiểu.
Hay như việc NHNN vừa qua cũng nhìn nhận, kết quả hỗ trợ lãi suất của gói 40.000 tỷ đồng chưa như kỳ vọng là do một số vướng mắc như tâm lý e ngại thanh kiểm tra của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, thủ tục hậu kiểm….
Trong công điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà Nước rà soát các gói tín dụng chính sách như gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% từ ngân sách nhà nước để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh.
Có thể thấy, những điểm nghẽn là có, nhưng Chính phủ và NHNN, các chuyên gia, các doanh nghiệp đều đang vào cuộc để khơi thông. Chứ không phải tình cảnh chịu trận, bất lực như bài báo nói.
Huy Hoàng