Cảnh giác trước luận điệu chống phá Đại hội Đảng
Những ngày gần đây, khi nhiều địa phương đã và đang tiến hành tổ chức Đại hội Đảng, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội liên tục tung ra những bài viết, thông tin, lập luận phản động, tiêu cực về tình hình tổ chức Đại hội cũng như công tác nhân sự. Các đối tượng đang bôi bẩn, làm biến dạng vấn đề bầu cử lãnh đạo tại Việt Nam nhằm hiện thực hóa mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước.
Trên nhiều trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành cũng như một số tờ báo điện tử của nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm, sai lệch, thậm chí là thù hằn với Việt Nam đang lan truyền nhiều thông tin tiêu cực, sai trái về vấn đề bầu cử lãnh đạo. Những luận điệu tiêu cực, sai trái có thể dễ dàng bắt gặp như: ở Việt Nam không có dân chủ trong bầu cử, bầu cử lãnh đạo tại Việt Nam chỉ là trò hề, không thể lựa chọn được người tài trong cơ chế Đảng cử – dân bầu, việc bầu cử chỉ nhằm mục đích “hợp thức hoá” quyết định của một nhóm người về vấn đề nhân sự, việc cạnh tranh quyền lực được diễn ra phía sau “hậu trường”…
Đặc biệt, từ vấn đề đồng chí Vương Đình Huệ được 100% phiếu bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội, các đối tượng đẩy mạnh việc tô vẽ, biến tướng công tác bầu cử lãnh đạo, cho rằng đây là kết quả của việc sắp xếp nhân sự; cho rằng bầu cử hiện nay không bầu cũng trúng, chưa bầu đã trúng.
Những luận điệu xuyên tạc vẫn tiếp tục được tung ra
Trong Đại hội, nhiều vấn đề được quyết nghị, có ý nghĩa quyết định đến tầm nhìn, sự phát triển tương lai của một cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, công tác nhân sự tại Đại hội là yếu tố đóng vai trò then chốt trong then chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến thanh – bại trong sự nghiệp cách mạng của giai đoạn tiếp theo. Chính vì vậy, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị tận dụng triệt để thời gian tổ chức Đại hội để tung ra những chiêu trò công kích chống phá, tấn công Đảng, chính quyền.
Trước hết, các đối tượng cố tình tung ra những lập luận mang tính kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc giữa Đảng và quần chúng nhân dân. Các đối tượng rêu rao luận điệu rằng việc tuyển chọn các nhân sự lãnh đạo tại Việt Nam chỉ được Đảng Cộng sản gói gọn trong 4 triệu Đảng viên, hơn 95 triệu dân còn lại bị Đảng gạt sang bên lề. Từ đó, các đối tượng biến tướng, xuyên tạc công tác Đại hội, kích động người dân đòi đa nguyên, đa Đảng để thể hiện cái gọi là “quyền làm chủ” đất nước.
Gắn liền với đó, các đối tượng đẩy mạnh việc hướng lái thông tin về công tác nhân sự theo hướng suy diễn cho rằng đây là một cuộc đấu đá nội bộ. Đây không phải là thủ đoạn mới nhưng vẫn luôn là chiêu bài được các đối tượng tận dụng một cách triệt để. Để bôi nhọ uy tín, hình ảnh của Đảng, xuyên tạc thực tiễn tổ chức Đại hội tại các địa phương, các đối tượng này rêu rao thông tin việc bầu cử tại Đại hội chỉ là để “trình diễn”, mị hoặc nhân dân; mọi vấn đề đấu đá, tranh giành quyền lực đều diễn ra phía sau sân khấu Đại hội.
Trên cơ sở những lập luận xuyên tạc được tung ra, các đối tượng này táo tợn kết luận việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp chỉ là vô nghĩa và từ đó kích động người dân phản đối Đại hội Đảng. Đồng thời, các đối tượng này tích cực tung hô những giá trị dân chủ phương Tây, cổ xúy đa nguyên, đa Đảng nhằm làm lung lay niềm tin, tạo ra những sự tự diễn biến, tự chuyển hóa từ bên trong nội bộ nước ta.
Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định đến mọi thắng lợi
Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đây là một vấn đề mang tính tất yếu, khách quan. Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố giữ vai trò quyết định, bảo đảm nhà nước thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; là hạt nhân tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm sự thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị.
Việc thực hiện quyền lực chính trị của nhân dân cần có sự lãnh đạo của Đảng để đảm bảo cách mạng nước ta đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, không bị chệch hướng hay lật bánh trên con đường đã chọn.
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn tự ý thức được vai trò, trách nhiệm của chính mình. Chính vì vậy, Đảng ta không ngừng đấu tranh, tự đấu tranh để làm trong sạch chính bản thân mình, không phụ sự kỳ vọng cũng như niềm tin của nhân dân. Việc tổ chức Đại hội Đảng không chỉ là “việc riêng” của Đảng như những gì các đối tượng đang rêu rao mà nó là vấn đề có ý nghĩa chung đối với toàn dân tộc. Mỗi kỳ Đại hội là thời điểm để Đảng ta tự nhìn nhận, đánh giá lại kết quả công tác lãnh đạo của bản thân mình đối với cách mạng nước nhà, từ đó đặt ra những mục tiêu, chương trình, kế hoạch cho giai đoạn cách mạng tiếp theo. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm để Đảng lựa chọn những người đủ đức, đủ tài bầu vào các vị trí lãnh đạo chèo lái con tàu cách mạng giai đoạn tiếp theo. Hơn ai hết, Đảng ta nhận thức rõ nếu không lựa chọn được người có đủ đức, đủ tài để lãnh đạo thì cũng đồng nghĩa với việc Đảng tự giết chính bản thân mình. Chính vì vậy, để bảo đảm thắng lợi của cách mạng nước nhà, để giữ vững vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam, Đảng ta luôn không ngừng rèn luyện, làm bản thân lớn mạnh.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả