Cảnh giác thủ đoạn lợi dụng đám tang Dương Văn Mình để chống phá an ninh tôn giáo
Vừa qua, Dương Văn Mình, người sáng lập tổ chức tôn giáo trái phép cùng tên qua đời, nhiều tín đồ của ông đã mượn cớ dự tang để tụ tập đông người bất chấp đại dịch. Chính quyền muốn xét nghiệm truy vết thì họ chống đối, tạo ra tình hình lộn xộn, và nhiều trang báo hải ngoại cũng tranh thủ nhảy vào đưa tin.
Vụ việc xảy ra tại thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Dương Văn Mình mắc bệnh nặng, bị viện Huyết học trung ương trả về, nửa đường thì mất vào 4h sáng 11/12. Sáng sớm cùng ngày, có đoàn y bác sỹ tới nhà ông Mình chia buồn và cho biết tài xế xe cứu thương dương tính với Covid, do đó yêu cầu xét nghiệm ông Mình và một số người đi cùng. Đây là yêu cầu cần thiết khi dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng trên cả nước. Tuy nhiên gia đình ông này không đồng ý với lý do đang đau buồn, sau đó nhiều tín đồ của ông xông vào chống đối, xảy ra xô xát với lực lượng chức năng, gây phức tạp tình hình dẫn đến việc nhiều người bị bắt giữ.
BBC có bài tường thuật khá rõ sự kiện này, và họ vô tình tiết lộ thêm một số chi tiết khác. Cụ thể là trong đám đông có nhiều người quay phim, chụp ảnh, chống đối đến cùng lực lượng chức năng. Khi một số đối tượng quá khi bị bắt giữ thì có hàng trăm người khác tụ tập kéo đến nhà văn hóa đòi thả người thân. Đài RFA thì bịa ra một nhân vật là ông Y kể lại câu chuyện ông ta gặp cảnh sát cơ động hỏi có phải chính quyền chống dịch không thì “họ phải không phải” (?). VOA thì thừa nhận phải đến ngày hôm sau chính quyền mới đến nơi yêu cầu xét nghiệm cách ly, khi bị chống đối thì mới xảy việc bắt giữ. Tuy nhiên họ lại chế ra cái gọi là “báo cáo tổng hợp của các tín đồ người H’mong theo đạo Dương Văn Mình” quy kết chính quyền “đàn áp tôn giáo”.
Sau khi tường thuật sự kiện, các trang tin kể trên cũng không quên kể lại lai lịch của tổ chức tôn giáo trái phép Dương Văn Mình. Điều quan trọng họ lờ đi là các vụ lộn xộn liên quan đến tổ chức này thường xuyên diễn ra. Năm 2014 khi họ xây “nhà đòn” có thông báo cho huyện, xã biết về việc xây dựng, nhưng xã không đồng ý mà họ vẫn cứ tiến hành và khi xong rồi thì cho người canh gác để không bị tháo gỡ. Họ xúi giục một số người Mông không chịu nhận giống lúa của Nhà nước, không cho con em đi học, không cho con em nhận hỗ trợ tiền học phí và tiền ăn trưa và bao biện rằng đó là vì chính quyền nói xấu những người Mông theo đạo của Dương Văn Mình nên người ta phản ứng (?). Năm 2013, một số người dân H’Mông còn nghe theo lời xúi giục của một số phần tử xấu kéo xuống Hà Nội và tụ tập biểu tình kêu tội cho Dương Văn Mình.
Vụ việc mới xảy ra cũng thể hiện sự phức tạp liên quan đến tổ chức tôn giáo trái phép này. Báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Bắc năm 2012 cho biết những nơi có hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, bản sắc văn hóa bị mai một, nếp sống, phong tục tập quán truyền thống của dòng họ, cộng đồng bị xáo trộn, làm ảnh hưởng đến niềm tin của một bộ phận đồng bào Mông trong việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong cộng đồng dân tộc Mông đã xuất hiện sự kỳ thị, phân biệt có dấu hiệu mất đoàn kết, nguy cơ gây xung đột về tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong khi xuyên tạc Nhà nước đàn áp tôn giáo, RFA và các trang mạng khác không thể phủ nhận một thực tế là đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay khá sôi động, đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức tôn giáo. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tôn giáo, hiện có khoảng trên 2,8 triệu người dân tộc thiểu số theo các tôn giáo (chiếm khoảng gần 20% dân số là người DTTS), trong đó có khoảng 8,7% theo Phật giáo; 6,1% theo đạo Tin lành; 3,7% theo đạo Công giáo; 0,56 % theo Hồi giáo. Trong xu thế phát triển của đất nước và xu thế chung của thời đại, các tôn giáo tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.
Một tổ chức tôn giáo trái phép chỉ có khoảng 7.000 tín đồ so với con số thống kê nêu trên là quá nhỏ bé, không hiểu các “chuyên gia” của RFA, BBC, VOA lấy căn cứ nào để cho rằng Nhà nước đàn áp tôn giáo. Ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, quyền tự do tôn giáo đều phải diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, chứ không thể có sự tự do vô chính phủ, tự do vô nguyên tắc. Cần nhắc lại Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó nêu rõ, quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình phải chịu các giới hạn, chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác.
Với gần 3 triệu người dân tộc thiểu số theo các tôn giáo, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là đàn áp tôn giáo. Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, những câu chuyện bịa đặt của RFA, BBC hay VOA liên quan đến vụ việc đám tang ông Dương Văn Mình chỉ là chiêu trò mà họ lợi dụng để nhằm phục vụ âm mưu chống phá Nhà nước Việt Nam.
An Diễm