Cảnh giác thủ đoạn lợi dụng chuyện ổ bánh mì thêu dệt “thuyết âm mưu”
Ròng rã gần nửa năm qua, mỗi sáng, mỗi tối, thậm chí mỗi đêm, người dân đều tiếp nhận tới mức bội thực những tin tức xám xịt về dịch Covid-19. Chuyện giăng dây, số ca nhiễm, hay giấy thông hành âm tính… đã đang làm người dân vô cùng não nề. Nhưng trong cuộc chiến chống đại dịch này, đáng buồn hơn cả khi phải liên tục đi sửa sai vì những hành xử không đáng có. Từ chuyện anh công nhân đi mua bánh mì bị phạt đến sự đi lại của người dân, hàng hóa bị cản trở bởi những giấy phép con trong phòng chống dịch… Không ít những sai lầm, quyết định thiếu suy xét của cấp dưới mà cấp trên, thậm chí tới Thủ tướng phải chấn chỉnh, nhắc nhở.
Chiều muộn ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại chủ trì họp Chính phủ về công tác phòng chống dịch. Trong đó, 2 ý chính được người đứng đầu Chính phủ quán triệt rõ, các địa phương không được tạo giấy phép con trong phòng chống dịch và lãnh đạo chỉ đạo chống dịch cần tập trung, thống nhất, chuyên sâu. Cùng lúc ấy, trên sóng truyền thông và trong dư luận đang xôn xao bởi mấy quyết định có phần cục bộ của các tỉnh như: không chấp nhận test nhanh khi vào tỉnh Quảng Ninh; cấm đi làm bằng xe máy ở Bà Rịa-Vũng Tàu; Việc Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa (Nha Trang) giữ xe và giấy tờ của công nhân Trần Văn Em, xưng hô “mày, tao” với người vi phạm. Trước đó, chuyện giấy thông hành âm tính trong nội khu TP.Hồ Chí Minh dẫn đến ùn ứ; chuyện lương thực gửi vào TP bị làm hành bởi giấy phép con, rau vào đến nơi đã thành dưa… chính quyền TP đã nhanh chóng chấn chỉnh.
Trở lại câu chuyện về những hành xử không đáng có gây làn sóng bức xúc thời gian qua cho thấy, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của chúng ta còn rất nhiều cam go khi có những vị cán bộ yếu kém, từ cách hành xử tới kiến thức cơ bản. Thực tế, trong quá trình vận dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, còn có những địa phương, nhất là cấp cơ sở lúng túng. Gây bức xúc dư luận trong bối cảnh người dân đang gặp sức ép lớn khi giãn cách xã hội nghiêm ngặt, trăm bề khó khăn, nỗi lo cơm áo gạo tiền bủa vây. Chưa kể, tạo cớ cho các thế lực chống phá lợi dụng, khoét sâu vào những sự vụ như thế, để châm ngòi làn sóng phẫn nộ trong dư luận, gây chia rẽ, xói mòn lòng tin của người dân với các quyết sách của Đảng và Nhà nước.
Chính quyền cơ sở là mắt xích cuối cùng kết nối Nhà nước với nhân dân. Họ có điều kiện để gần dân, nghe dân, hiểu dân nên càng có điều kiện để thuyết phục dân. Nhưng chính họ nhiều khi lại xa cách dân, làm mất niềm tin của dân. Trong thực thi công vụ, không phải bao giờ cũng sử dụng mệnh lệnh hành chính, nhất là trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, trong lúc gặp những đối tượng yếu thế, dễ tổn thương. Người cán bộ giỏi là người biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo từng tình huống cụ thể để biến khó thành dễ, biến nguy thành cơ.
Nửa cái bánh mỳ vẫn là cái bánh mỳ nhưng nửa hiểu biết, nửa trách nhiệm, nửa tình người không thể trở thành… cán bộ. Cuộc sống không phải lúc nào cũng đi trên thang bậc quy trình mà đôi khi phải biết nhìn thấy những “chỉ giới” của trái tim. Quy định nào cũng đều do con người thực thi, như Bí thư Nguyễn Văn Nên đặc biệt lưu ý: “lực lượng chức năng cần linh hoạt, khéo léo trong mọi tình huống liên quan đời sống người dân bởi an dân rất quan trọng“. Vì vậy, tháo gỡ những thực trạng trên là một công việc cũng cấp thiết như chống dịch dập dịch.
Ái Dân