+
Aa
-
like
comment

Cảnh giác thủ đoạn livestream để chống phá nhà nước

Hải Anh - 04/10/2020 18:51

Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, giờ đây mạng xã hội Facebook đã trở nên phổ biến rộng rãi trở thành môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác sử dụng thông tin cho mọi người và đang thâm nhập vào cuộc sống của con người trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, lợi dụng tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn của mạng xã hội, thời gian gần đây nhiều tổ chức, cá nhân chống phá đang tích cực livestream để chống phá nhà nước song song với việc đăng tải các bài viết như trước.

Nhằm mục đích lôi kéo kích động người dân, các thế lực thù địch thông qua mạng xã hội cụ thể là facebook thực hiện livestream phát trực tiếp nói về một sự việc do chúng dựng lên hoặc “lên sóng” trực tiếp trên mạng xã hội để tạo “diễn đàn” kêu gọi mọi người tham gia bình luận về một vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm. Từ đó chúng kêu gọi tạo dư luận xã hội làm nhiễu loạn thông tin; hoặc đánh vào các vấn đề nhạy cảm, xuyên tạc, bóp méo sự thật, tự lấp đầy khoảng trống thông tin khiến người xem hiểu sai sự thật, mất niềm tin vào Đảng và đi theo các thế lực thù địch… Trong đó, nhiều bài viết thu hút hàng trăm đến hàng chục ngàn người xem, tham gia bình luận.

Điển hình nhất là vụ việc xét xử vụ án Đồng Tâm vừa qua, nhiều đối tượng phản động đã ra sức livestream kêu gọi người chia sẻ những nội dung không chính xác, gây hoài nghi trong dư luận nhằm công kích, xuyên tạc bản chất vụ án này. Mục đích là kích động dư luận xã hội, gây sức ép với cơ quan tiến hành tố tụng, đổ trách nhiệm cho cơ quan chức năng trong vụ vi phạm pháp luật tại xã Đồng Tâm, cổ súy cho những âm mưu chống đối, phá hoại, gây mất an ninh trật tự xã hội..


Lợi dụng sự dễ dãi từ người xem, rất nhiều thành phần chống phá Nhà nước ta đã livestream liên tục xuyên tạc sự việc, kích động, bịa đặt, gây chia rẽ nội bộ.

Trước đó vụ việc mất an ninh trật tự xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) hồi tháng 1 cũng cho thấy có sự tiếp tay rất lớn từ hai mạng xã hội Facebook và YouTube, thông qua công cụ live stream. Đó là khoảng 20-30 phần tử thường xuyên có những bài viết, truyền hình ảnh trực tiếp nhằm xuyên tạc sự thật về đất khu vực sân bay Miếu Môn dù vấn đề này đã được Thanh tra thành phố Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận.

Có thể thấy, thủ đoạn livestream để chống phá này được chúng xây dựng “kịch bản” khá công phu, nội dung chúng quay video phát trực tiếp chủ yếu là các vụ việc được nhiều người quan tâm liên quan đến các cuộc biểu tình, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan công quyền. Chủ đề chúng chọn thường là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thực, bức xúc của người dân.

Và đặc biệt, thời điểm chúng chọn để Livestream thường vào dịp có các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước qua đó, chúng kêu gọi sự can thiệp của quốc tế và các tổ chức phản động vào Việt Nam, hoặc chúng lồng ghép quan điểm cá nhân, bình luận xuyên tạc, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, kêu gọi các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị tham gia bình luận, chia sẻ.

Ngoài facebook, số đối tượng phản động, chống đối còn lợi dụng Youtube để đăng tải các video clip tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình Việt Nam. Các video này tác động tiêu cực, gây hoang mang trong một bộ phận quần chúng nhân dân, đặc biệt trong giới trẻ là những người thường xuyên sử dụng internet. Nội dung thường tập trung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, xúc phạm đời tư của một số lãnh đạo; kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự; tuyên truyền, cổ súy “xã hội dân sự”; đa nguyên, đa đảng, đào tạo, huấn luyện kỹ năng hoạt động chống đối, cách thức thực hiện “cách mạng màu”, lật đổ chế độ tại Việt Nam.

Những kẻ chống phá lợi dụng triệt để không gian mạng để thực hiện âm mưu phá hoại nhà nước. Thực tế, pháp luật Việt Nam đã quy định rõ về luật an ninh mạng, Điều 16, Luật An ninh mạng có qui định về phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng, trong đó nghiêm cấm việc đưa nội dung làm nhục, vu khống người khác; đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3-2-2020 cũng đã có chế tài xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực này…

Theo đó, pháp luật nước ta nghiêm trị những kẻ lợi dụng không gian điện tử, mạng xã hội để xuyên tạc lịch sử, chính sách pháp luật, chế độ xã hội, Nhà nước, vu cáo cơ quan tổ chức, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích cộng đồng… Không chỉ cơ quan chức năng cần kiểm soát hơn nữa về vấn đề nội dung livestream trên mạng xã hội hiện nay mà những người dân cũng cần cân nhắc khi xem livestream. Nếu đó là nội dung của những kẻ chống phá Nhà nước ta thì nên thoát ra ngay lập tức. Nhất là những tài khoản bên ngoài Việt Nam mang tính xuyên tạc. Khi tất cả người dân có ý thức cao độ như thế thì những kẻ chống phá không còn đất sống. Đồng thời, Bộ TT-TT cần có những biện pháp mạnh nhằm xử lý nghiêm những phần tử thông tin không đúng sự thật, cũng như ngăn chặn những kẻ xấu bôi nhọ, phá hoại Nhà nước.

Đặc biệt thời gian này khi đại hội Đảng các cấp đang diễn ra ở khắp các tỉnh thành tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, những phần tử chống phá sẽ tiếp tục dùng mọi thủ đoạn, phương thức để hòng phá hoại Đảng, nhà nước. Những tin tức về các sự kiện chính trị quan trọng như bầu cử, họp Quốc hội, nhân sự cấp cao, về đời tư những người nổi tiếng, nhất là liên quan tới các đồng chí lãnh đạo… sẽ được chúng gia tăng chống phá. Vì thế người dân cần đặc biệt chú ý, tỉnh táo trước những thông tin phát tán trên mạng xã hội.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều