Cảnh giác Trung Quốc tuyên truyền đường lưỡi bò trên Tiktok nhân ngày Quốc Khánh
Ngày 24-9, cộng đồng mạng lan truyền video mà Page Trân Châu Đen lấy từ TikTok Trung Quốc có chứa đường lưỡi bò.
Không hiểu là do vô trách nhiệm hay do được trả tiền bởi bên thứ ba mà Admin trang này đã đăng video này với title “màn teamwork cực đỉnh, nhìn ra chữ không”mà hình ảnh cuối video cho thấy cả bản đồ Trung Quốc cộng với “đường lưỡi bò”. Đây là sự xâm phạm trắng trợ với chủ quyền Việt Nam. Xin hỏi những người Admin page này rằng các bạn có thực sự quan tâm tới Tổ quốc hay không, có để ý tới toàn thể Nhân dân đang cùng hướng về chủ quyền Việt Nam hay không, hay các bạn chỉ đăng cho xong nhằm kiếm like, kiếm view ??? Mặc dù đã có rất nhiều bạn phản ảnh bên dưới bình luận nhưng có vẻ Admin Trân Châu Đen vẫn cố tình làm ngơ.
Người Trung Quốc vốn nổi tiếng thủ đoạn trong tuyên truyền, cái trào lưu suốt ngày lôi các video từ Trung Quốc về rất dễ bị họ lợi dụng cho mục đích của họ.mọi người nên chú ý những gì mình đăng và chia sẻ trên mạng xã hội.
Không biết ai còn nhớ vụ Wechat cũng cài “Đường lưỡi bò” vào ứng dụng hay không? Hồi tháng 7.2012, Báo Thanh Niên đăng bài Cẩn trọng với WeChat! để cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn của ứng dụng này mà người dùng có thể gặp phải. Thế nhưng, suốt thời gian qua, không rõ các cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm hiểu về WeChat như thế nào. Trong khi đó, WeChat ra sức đẩy mạnh hoạt động như giới thiệu hình ảnh khá nhiều “ngôi sao” làng giải trí Việt Nam hào hứng chia sẻ về ứng dụng này cùng người hâm mộ. WeChat còn tổ chức các chương trình trao giải thưởng cho người dùng Việt Nam, ví dụ như cuộc thi “Chia sẻ Giáng sinh và Năm mới cùng WeChat”, “Giật iPhone5 trước ngày tận thế!!!”… Nhờ đó, WeChat dần thu hút và tạo ảnh hưởng đối với rất nhiều người dùng Việt Nam. Với ảnh hưởng đang có, đặc biệt đối với lớp trẻ, việc bản đồ “đường lưỡi bò” ngấm ngầm xuất hiện trong ứng dụng này sẽ trở thành mối nguy hại lớn cho chủ quyền quốc gia.
Cũng vào tháng 7.2012, Báo Thanh Niên đăng bài Quan ngại với mạng xã hội Baidu Tieba. Mạng xã hội này, cũng có xuất xứ từ Trung Quốc, khi đó đã không cho phép thiết lập các chủ đề liên quan đến chủ quyền Việt Nam. Cụ thể là sau khi đăng ký thành viên của Baidu Tieba, Thanh Niên không thể thiết lập các chủ đề thảo luận Trường Sa và Hoàng Sa. Ngược lại, các chủ đề Tây Sa (tên Trung Quốc gọi Hoàng Sa) và Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa) thì được phép tạo lập. Chỉ sau khi dư luận lên tiếng, Baidu Tieba mới sửa đổi mang tính đối phó. Tuy nhiên, vào thời điểm Baidu Tieba rầm rộ quảng bá việc ra mắt tại Việt Nam thì đại diện cơ quan chức năng trả lời Thanh Niên rằng vẫn chưa nhận hồ sơ đăng ký hoạt động của dịch vụ này.
WeChat và Baidu Tieba chỉ là hai trong số những ví dụ về việc các dịch vụ trực tuyến, mạng xã hội đang bị khai thác như một công cụ xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Nguy cơ này rất thật. Vì thế, các cơ quan hữu trách cần năng động hơn nữa trong việc đóng vai trò “gác cổng” để phòng ngừa những nguy cơ như vậy.
Tin liên quan: TikTok giờ đây cũng trở thành công cụ tuyên truyền lòng yêu nước tại Trung Quốc
Cao Phúc