Cảnh giác thủ đoạn chia rẽ vùng miền về nhân sự đại hội
Về địa danh hành chính, Việt Nam được chia ra thành ba miền Bắc, Trung và Nam với 63 tỉnh, thành phố. Sự phân chia ấy vốn dĩ chỉ nhằm thuận tiện cho công tác quản lý Nhà nước, hoàn toàn không phải sự phân chia để đem ra so sánh, hơn thua bởi đã là người Việt Nam thì đều mang hai tiếng “đồng bào”, mang máu đỏ da vàng bất kể vùng miền, dân tộc. Thế nhưng, nhiều kẻ vẫn cố tình chia tách khối đoàn kết dân tộc bằng những cách nhìn mang đậm sự ích kỷ, chia rẽ.
Liên quan trực tiếp đến đại hội XIII của Đảng, nhiều cá nhân, tổ chức đã dùng mạng xã hội Facebook để dự đoán về các “kịch bản nhân sự”. Đáng nói, những kẻ này tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, vùng miền để xuyên tạc, kích động chia rẽ dân tộc. Trong đó, nổi lên là việc so sánh các tỉnh miền Nam dù đóng góp phần lớn cho ngân sách Nhà nước nhưng chỉ có số ít người được vào Bộ Chính trị, trong khi miền Bắc và miền Trung gồm những tỉnh “xin ngân sách” nhiều nhất lại chiếm được quá bán số ghế ở Bộ Chính trị. Cách nhìn nhận vấn đề kiểu này trực tiếp tác động đến tâm lý so sánh, hơn thua, tỵ nạnh của người dân trên cả nước. Sâu xa hơn là gây chia rẽ nhằm phá hoại sự đoàn kết toàn dân, làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền.
Thủ đoạn nham hiểm
Chia rẽ vùng miền là một trong những thủ đoạn nham hiểm nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” tại Việt Nam. Trong quá khứ, kẻ địch đã dùng chiến tranh quân sự để chia cắt hai miền Nam – Bắc đất nước nhưng thất bại trước sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, bằng những chiêu trò phá hoại khối đoàn kết ấy, những kẻ chống Đảng, Nhà nước giở thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc để hình thành sự chia rẽ từ chính tư tưởng của người Việt Nam.
Bên cạnh việc xuyên tạc về cơ cấu vùng, miền trong bộ máy Đảng, Nhà nước, những kẻ chống phá đã từng xuyên tạc cả về các chính sách phát triển giữa các vùng miền, vấn đề thu – chi ngân sách giữa các địa phương, vấn đề dân tộc, tôn giáo… Trong đó, nổi bật là việc các đối tượng rêu rao ca ngợi, tung hô các tỉnh, thành phố đóng góp nhiều cho ngân sách như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… đồng thời hạ thấp các tỉnh, thành chưa phát triển khác. Chúng lập luận rằng các tỉnh, thành phố lớn phải “còng lưng nuôi” các tỉnh, thành kém phát triển khác nên mất đi sự bứt phá, mất đi nhiều cơ hội phát triển. Việc xuyên tạc rằng lãnh đạo Nhà nước xuất thân từ những vùng, miền có các tỉnh, thành chưa phát triển cũng nằm trong mục đích xuyên tạc về chính sách xã hội của Nhà nước như trên.
Rõ ràng, nguy cơ hình thành tư tưởng hẹp hòi, cục bộ địa phương, tạo ra sự phân biệt vùng miền trong quần chúng nhân dân, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc qua thủ đoạn này là rất lớn mà tất cả chúng ta phải cảnh giác.
Hiểu đúng về quyền lực và người nắm quyền
Tại một số quốc gia tư bản, khi vận động tranh cử Tổng thống hoặc vị trí đứng đầu quốc gia khác, các ứng viên sẽ được tài trợ tranh cử bởi hàng loạt các tập đoàn, doanh nghiệp tư bản. Đổi lại, nếu ứng viên nào thắng cử, các tập đoàn, doanh nghiệp ủng hộ trước đó sẽ nhận được rất nhiều quyền lợi trong kinh doanh nhờ vào chính sách được bởi tân tổng thống hoặc người đứng đầu quốc gia đó ban hành trong nhiệm kỳ. Vì thế, việc thắng cử của ứng viên phụ thuộc rất lơn vào các yếu tố liên quan như quê quán, nguồn tài trợ…
Ở Việt Nam thì khác, nhân sự trong Đảng hay cơ quan Nhà nước không có tranh cử bằng tài trợ mà bằng xét duyệt, đánh giá năng lực, đạo đức. Người lãnh đạo sau bầu cử cũng không hướng tới làm lợi một nhóm nào đó trong xã hội mà phải hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ công bằng xã hội, phát triển đồng đều giữa các khu vực trên toàn quốc. Điều này cũng thể hiện đúng bản chất của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Khi mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân, người lãnh đạo lúc này chỉ là một đại diện được Nhân dân trao quyền, gửi gắm nhiệm vụ lãnh đạo đất nước.
Như vậy, lãnh đạo cấp cao trong Đảng, Nhà nước, bất kể xuất thân từ vùng miền, dân tộc nào cũng vẫn là người Việt Nam, đại diện của toàn dân chứ không đại diện cho một nhóm người, một dân tộc hay một vùng miền nhỏ lẻ nào đó. Việc so sánh hơn thua cơ cấu vùng miền trong bộ máy Đảng, Nhà nước rõ ràng đã trở nên vô nghĩa.
Đoàn kết là sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, có một Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay chính là nhờ sức mạnh của sự đoàn kết. Vì thế, tất cả mọi người phải hết sức tỉnh táo, có cách nhìn toàn diện, đa chiều, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng, gây ảnh hưởng đến nội bộ, đoàn kết dân tộc.
Mọi thông tin rêu rao, xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước ta “phân biệt vùng miền”, “miền Bắc cai trị miền Nam”… rõ ràng mang tính quy chụp, phiến diện một chiều, thể hiện sự hẹp hòi, ích kỷ, đi ngược lại mục tiêu phát triển chung của dân tộc. Đằng sau những lời lẽ ngụy biện là những mưu đồ nguy hiểm mà có thể trực tiếp ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước.
Komi
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả