+
Aa
-
like
comment

Cảnh giác chiêu trò dùng âm nhạc để chống phá nhà nước

Quỳnh Quỳnh - 11/03/2020 17:28

Hiện nay, một trong những chiêu trò mới của các thế lực phản động nhằm chống phá nhà nước là lợi dụng âm nhạc. Chúng lợi dụng âm nhạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta và lôi kéo những người bất đồng chính kiến, nhẹ dạ, dễ bị cuốn hút theo trào lưu âm nhạc rẻ tiền để “diễn biến hòa bình”.

Trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện nhiều clip âm nhạc hết sức lố lăng, phản cảm. Các thế lực thù địch tận dụng những bản nhạc sẵn có, ghép lời mới và phối lại nhạc, gọi là “nhạc chế”.

Do vậy, việc nhận diện và đấu tranh với những chiêu trò của các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động này để chống phá cách mạng Việt Nam trong tình hình hiện nay là rất cần thiết.

Mục tiêu của thế lực thù địch không có gì khác ngoài việc phi chính trị nền âm nhạc chính thống của chúng ta, từng bước xóa nhòa ranh giới và reo rắc tư tưởng chống phá nền văn hóa, văn nghệ cách mạng vốn có truyền thống lâu đời do Đảng, Nhà nước ta xây dựng nên. Thông qua mạng xã hội, qua các chương trình nghệ thuật được tổ chức một cách dễ dàng ở khắp nơi, chúng đưa vào một số tiết mục biểu diễn vô bổ, không có giá trị nghệ thuật; những bài hát mà lời ca và giai điệu kệch cỡm, mua vui rẻ tiền cho tầng lớp dân chúng nhận thức kém.

Trước đó, với hành vi sáng tác bài hát nội dung chống phá Nhà nước, bị cáo Võ Minh Trí (34 tuổi, nhạc sĩ Việt Khang) đã bị tuyên phạt mức án 4 năm tù.

Về thủ đoạn, các đối tượng sử dụng mạng lưới thông tin tuyên truyền, chủ yếu là mạng xã hội và một số diễn đàn, chương trình nghệ thuật để truyền bá, xuyên tạc, bóp méo quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với lĩnh vực nghệ thuật. Vu cáo Đảng Cộng sản Việt Nam bóp nghẹt tự do, dân chủ, áp đặt máy móc quan điểm trong nghệ thuật, trấn áp những nghệ sĩ đấu tranh cho tự do tư tưởng, tự do sáng tạo; bôi nhọ, đả kích các nhân vật, nhà phê bình nghệ thuật có quan điểm chính thống, đúng đắn; phê phán, làm trầm trọng hóa một vài sai sót của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cấp phép lưu hành, hoặc cấm lưu hành các tác phẩm nghệ thuật nhạy cảm.

Đặc biệt, chúng triệt để khai thác những sáng tác nghệ thuật lệch lạc, tiêu cực, bị phê phán mạnh mẽ trong nước để phổ biến, tán phát rộng rãi; thậm chí còn tổ chức trao giải thưởng, trả nhuận bút cao, khích lệ tính hám danh của một số nghệ sĩ, lôi kéo họ vào hoạt động chống đối chính trị, đưa ra những phát ngôn, sáng tác bất lợi cho đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Trong thời gian gần đây, các đối tượng phản động là nhà văn, nhà báo, ca sĩ tiến hành các thủ đoạn mới, sử dụng ca nhạc làm công cụ tuyên truyền, chống phá lĩnh vực tư tưởng văn hóa trên không gian mạng. Cách thức tiến hành của thủ đoạn này là chuyển hóa các bài viết có sẵn thành thể thơ hoặc bài hát phát trên các kênh âm nhạc trực tuyến; đặt máy chủ ở nước ngoài để vượt qua các cơ chế kiểm duyệt bài viết của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ví dụ như các bài hát xuyên tạc của đối tượng Bùi Thanh Hiếu và Mai Ngô được đăng tải và tuyên truyền trên các trang âm nhạc, video như Youtube, Spotify thu hút nhiều lượt quan tâm. Đặc biệt, các thế lực phản động đã kêu gọi tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm giọng hát đấu tranh” nhằm phát động phong trào sáng tác âm nhạc chống phá, xuyên tạc tình hình trong nước. Kết hợp việc tạo lập các trang Facebook, Youtube (thu hút hơn 200.000 lượt xem và gần 1.000 người đăng ký theo dõi) để tuyên truyền, phát tán và đăng tải các bài hát chống phá với giai điệu hiện đại, theo phong cách thị trường, điều này cho thấy các đối tượng phản động đang hướng mạnh mục tiêu vào giới trẻ Việt Nam trong và ngoài nước.

Những vụ việc, hiện tượng nêu trên đang làm vẩn đục dòng chủ lưu âm nhạc Việt Nam, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá nghệ thuật cách mạng, chống phá chế độ XHCN ở Việt Nam.

Đừng để mất cảnh giác

Trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện nhiều clip âm nhạc hết sức lố lăng, phản cảm. Các thế lực thù địch tận dụng những bản nhạc sẵn có, ghép lời mới và phối lại nhạc, gọi là “nhạc chế”.

Để tiếp tục xây dựng, phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, trước hết cần tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo của Đảng đối với nghệ thuật; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, đặc trưng của nghệ thuật cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý lĩnh vực này.

Xây dựng cơ chế lãnh đạo, quản lý khoa học, bảo đảm được định hướng chính trị; khắc phục những hiện tượng can thiệp thô thiển đối với hoạt động nghệ thuật cũng như xu hướng thả nổi, không phê phán những tác giả, tác phẩm đi ngược lại các giá trị chân-thiện-mỹ, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và cách mạng.

Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao số lượng, chất lượng các hoạt động nghệ thuật. Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo của tổ chức đảng trong các đơn vị hoạt động văn nghệ, quan tâm bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng những văn nghệ sĩ trẻ tuổi, tâm huyết, có nhiều cống hiến đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Cùng với đó, cần nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng các hoạt động âm nhạc để chống phá Việt Nam. Đẩy mạnh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực nghệ thuật và đội ngũ nghệ sĩ.

Ai cũng có quyền tiếp nhận thông tin, quyền thể hiện, chia sẻ những quan điểm, chính kiến của bản thân trước nhiều vấn đề, sự kiện chính trị. Nhưng chúng ta cần phải dè dặt, nghe và xem nhiều nguồn thông tin, tỉnh táo để không bị lôi kéo, trở thành người tiếp tay cho những kẻ xấu vừa gây nguy hại đến an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật vừa trái với đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Quỳnh Quỳnh

Bài mới
Đọc nhiều