Cảnh giác âm mưu tăng cường chống phá giáo dục trước thềm đại hội Đảng
Giáo dục là lĩnh vực đặc biệt, có vai trò quyết định đến tiến trình phát triển lâu dài của đất nước, không chỉ vậy, nó còn là mối quan tâm của hầu hết gia đình, đối tượng trong xã hội. Do đó mà đây chính là một “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng những bất cập để xuyên tạc, hạ thấp nền giáo dục Việt Nam.
Trong một hệ thống giáo dục rộng lớn, phát triển đa diện, không tránh khỏi có những sai lầm. Cho nên một số lỗi, một số khuyết điểm của cả giáo viên và học sinh, một số sai sót trong các khâu của giáo dục không thể đổ lỗi cho cả hệ thống. Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục đã kiên quyết đấu tranh, loại bỏ những tiêu cực, những cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, tuyệt đối không dung túng, bao che. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng càng đẩy mạnh thực hiện chống phá nhà nước bằng những luận điệu xuyên tạc, trong đó có phủ nhận thành tựu giáo dục Việt Nam. Những kẻ chống phá đưa ra những luận điệu xuyên tạc bịa đặt như: “nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục dối trá từ trên xuống dưới”, “công cuộc cải cách giáo dục đã hoàn toàn thất bại”,… Đây là những luận điệu sai trái nhằm xuyên tạc, phủ nhận thành tựu của nền giáo dục nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đặc biệt mới đây, trên trang facebook của Việt Tân đăng tải bài viết bôi nhọ hình ảnh của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với tiêu đề: “BỘ TRƯỞNG PHÙNG XUÂN NHẠ NÊN CẢM THẤY XẤU HỔ” với những nội dung xuyên tạc, bịa đặt như “Bộ Giáo Dục tại Việt Nam dậm chân tại chỗ từ năm này qua năm khác dù hô hào cải cách, cải tổ, thì các nhóm lợi ích chăm chăm vẽ ra dự án in sách, thay sách để bóc lột tiền của phụ huynh. Là người đứng đầu đống lộn xộn này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có cảm thấy xấu hổ không?”
Không những thế các đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng một số vụ việc đơn lẻ xảy ra trong ngành giáo dục như chạy điểm, chạy bằng cấp, suy thoái về đạo đức của một số giáo viên đưa ra những cái nhìn sai lệch chưa khách quan, toàn diện, thậm chí phủ nhận những thành tựu của nền giáo dục Việt Nam. Ví dụ như mới đây việc thổi phồng gây kích động người dân trước một số quy định của ngành giáo dục như quy định học trò được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho việc học tập, với điều kiện phải được sự cho phép của giáo viên. Những đối tượng này không hề quan tâm đến chuyện quy định đúng hay sai, có phù hợp hay không mà chúng chỉ biết dùng những ngôn từ xấu xa nhất để bôi nhọ, nói xấu, hạ bệ những kết quả của ngành giáo dục Việt Nam.
Thực tế từ trước đến nay Đảng, Nhà nước luôn nỗ lực quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo và coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Với những chính sách chăm lo, xây dựng một nền giáo dục đại chúng đến nay, ngành giáo dục nước ta đã có nhiều đổi mới căn bản, toàn diện nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay Việt Nam đã có 700 trường đại học, học viện và trường cao đẳng với gần 73.000 giảng viên, hơn 16.500 tiến sĩ, 500 chương trình đào tạo, phối hợp với nhiều trường đại học trên thế giới và nhiều chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, cử nhân tài năng, chương trình tiên tiến theo chuẩn quốc tế. Những thành quả đạt được của giáo dục Việt Nam qua các cuộc thi học sinh giỏi, thi Olympic các môn; sự thành công của nhiều học giả, nhiều nhà khoa học người Việt trên thế giới đã chứng minh điều đó.
Đặc biệt, trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngành giáo dục nước ta đã có sự thích nghi chỉ đạo, đổi mới rất tốt bảo đảm cho học sinh, giáo viên thực hiện học tập, giảng dạy theo chương trình đã xác định. Trong số đó phải kể đến việc tổ chức thành công kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm học 2019-2020. Với điều kiện Đà Nẵng là tâm dịch Bộ giáo dục đã linh hoạt chia thành 2 đợt thi, có thể nói những thành tích đó rất đáng được ghi nhận và tăng thêm niềm tin của nhân dân với ngành giáo dục.
Chính vì vậy bản thân mỗi người có ý thức tự giác, kỷ luật trong quá trình tiếp xúc thông tin; tránh truy cập những trang mạng thiếu tin cậy, chia sẻ các bài viết không rõ nguồn, địa chỉ hay tạo những hình ảnh, bài viết để giật tít, câu like ở trang cá nhân của mình không đúng với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, làm giảm uy tín của ngành giáo dục Việt Nam. Chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin, tích cực đấu tranh chống phao tin đồn nhảm, lưu truyền thông tin xấu, thông tin thất thiệt.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả