Cảnh đặc biệt trong cuộc họp chính trị quan trọng bậc nhất năm của TQ
Mở đầu phiên họp, các quan chức Chính hiệp Trung Quốc dành một phút mặc niệm cho những người dân nước này đã tử vong vì dịch Covid-19. Sau khi phải lùi thời gian tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh, hôm 21.5, Hội nghị Chính hiệp Trung Quốc đã chính thức khai mạc.
Kỳ họp Quốc hội và Chính hiệp được tổ chức cùng thời điểm được xem là sự kiện chính trị quan trọng nhất năm của Trung Quốc.
Sau phút mặc niệm, Chủ tịch Tập Cận Bình, thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc cùng hơn 2.000 đại biểu khác đã tiến hành phiên họp với không khí được đánh giá là khá căng thẳng khi thảo luận các vấn đề quan trọng đối với Trung Quốc hiện tại.
Khác với thường lệ, hầu hết các đại biểu tham gia phiên họp đều phải đeo khẩu trang, ngoại trừ ông Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và một số thành viên cao cấp khác.
Kỳ họp Chính hiệp Trung Quốc khóa 13 lần này cũng sẽ được rút ngắn về thời gian tổ chức và có nhiều yêu cầu đặc biệt nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Uông Dương, quan chức đứng đầu Ủy ban Toàn quốc Chính hiệp, đã có một bài phát biểu các công việc cần thảo luận trong cuộc họp. Bài phát biểu của ông Uông ngắn hơn so với những năm trước.
Trong bài phát biểu, ông Uông đã đề cập đến nhiều vấn đề hiện tại mà Trung Quốc đang phải đối mặt như mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, Tân Cương và đặc biệt là với Mỹ.
Về quan hệ với Đài Loan, ông Uông không đề cập đến việc đối phó với tư tưởng độc lập của hòn đảo (điều mà ông đã nhắc tới trong bài phát biểu năm ngoái). Ông Uông nói chung rằng, Chính hiệp sẽ tăng cường trao đổi với các đảng phái chính trị tại Đài Loan để khắc phục những bất đồng.
Trước đó, trong lễ nhậm chức hôm 20.5, lãnh đạo Đài Loan – bà Thái Anh Văn – khẳng định hòn đảo không chấp nhận chính sách “Một quốc gia hai chế độ” và muốn trao đổi với Bắc Kinh trên cơ sở ngang hàng.
Li Fei – chuyên gia nghiên cứu về Đài Loan tại Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) – nhận định, Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt với mối quan hệ với Đài Loan còn xuống cấp hơn so với hiện tại.
Bắc Kinh được cho là đang phải đương đầu với nhiều “cơn gió chướng” trong năm nay. Từ dịch Covid-19, căng thẳng với Mỹ, khôi phục kinh tế đến vấn đề Đài Loan, Biển Đông. Những thách thức nói trên được giới chuyên gia mô tả là “chưa từng thấy” đối với Trung Quốc.
Theo ghi nhận của SCMP, sự chuẩn bị cho phiên họp Chính hiệp năm nay tại Trung Quốc cũng được đánh giá là kỹ lưỡng hơn mọi năm rất nhiều.
Trung Quốc giảm mức tiếp cận của truyền thông đối với sự kiện. Chỉ một số lượng hạn chế phóng viên, nhà ngoại giao và quan sát viên được phép có mặt trong hội trường của Đại Lễ đường Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh.
Đối với cánh báo chí, các thủ tục phải làm để được vào ghi hình trong Đại lễ đường Nhân dân – nơi tổ chức hội nghị – là không hề đơn giản.
Họ phải tập trung tại một khách sạn gần Đại lễ đường Nhân dân từ lúc 6 giờ sáng để xếp hàng trước khi được kiểm tra sức khỏe bắt buộc.
Sau khi hoàn thành kiểm dịch, các phóng viên lên xe và đi tới Đại lễ đường Nhân dân, nơi các đại biểu dự họp cũng đang dần tập trung đầy đủ. Đứng xếp hàng và chờ đợi, một số phóng viên bắt đầu xích lại gần nhau và trò chuyện. Gần như ngay lập tức, có người đến và nhắc nhở:
“Xin vui lòng giữ khoảng cách với người xung quanh”, một nhân viên an ninh nói.
Sau khi làm xét nghiệm Covid-19, các phóng viên được đưa tới những căn phòng riêng biệt. Ở đây họ được cung cấp đồ ăn, nước uống và chờ đợi kết quả.
Khi cố gắng lại gần để chụp ảnh quá trình xét nghiệm, một phóng viên của SCMP bị nhắc nhở: “Bạn không nên nán lại đây vì lý do sức khỏe”.
Mất khoảng 6 tiếng để có kết quả xét nghiệm, may mắn, tất cả phóng viên đều âm tính với virus.
Nhân viên an ninh và cảnh sát có vũ trang xuất hiện dày ở khắp mọi nơi tại khu vực tổ chức hội nghị, tất cả đều đeo khẩu trang cẩn thận, theo ghi nhận của SCMP.
Vương Nam/DV