‘Cánh cửa cuối’ của vụ án Hồ Duy Hải
Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao đã bác kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải, song nếu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị làm rõ, vụ án có thể được xem xét lại.
Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao có hiệu lực ngay ngày 8/5 – tức bản án tử hình Hồ Duy Hải (35 tuổi, ngụ Long An) có hiệu lực ngay. Theo tố tụng, đây là phán quyết cuối cùng nhưng không có nghĩa là vụ án kết thúc, nếu gia đình bị án tiếp tục kêu oan.
Theo luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Hồ Duy Hải vẫn có hy vọng vụ án được xem xét lại. Bởi Điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định, khi có căn cứ xác định quyết định của HĐTP TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTP TAND Tối cao không biết khi ra quyết định.
Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị, Chánh án TAND Tối cao đề nghị thì HĐTP TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Chánh án TAND Tối cao có trách nhiệm báo cáo HĐTP TAND Tối cao để xem xét lại quyết định của mình. Nếu Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị thì HĐTP TAND Tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị.
Hiện, Hải vẫn có quyền gửi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước. Nếu được chấp nhận, có thể sẽ được giảm từ án tử hình xuống chung thân.
Cùng quan điểm, luật sư Huỳnh Thanh Thi (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, vụ án có thể được xem xét lại bằng một Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể là Ủy ban Tư pháp Quốc hội phải đề nghị. “Đây mới là cánh cửa cuối cùng đối với Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, xưa nay chưa có tiền lệ. Hy vọng, vụ án này sẽ là trường hợp đặc biệt được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và kiến nghị giải quyết để làm sáng tỏ những khúc mắc”, luật sư Thi nói.
Ngoài ra, theo luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn luật sư TP HCM), Hồ Duy Hải vẫn còn cơ hội thoát án tử hình nếu cơ quan chức năng phát hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất, sự thật của vụ án. Ví dụ, có người ra đầu thú, khai nhận là hung thủ thật sự và cung cấp các chứng cứ khách quan để xác định sự thật của vụ án. Hoặc có người thu thập, cung cấp được chứng cứ mới chứng minh Hải không phải là hung thủ. Khi đó vụ án sẽ được giải quyết theo trình tự tái thẩm – quy định tại Điều 398 Bộ Luật tố tụng Hình sự.
Liên quan việc HĐTP TAND Tối cao cho rằng “khi quyết định của Chủ tịch nước – bác đơn xin ân giảm án tử hình đối với bị cáo, đang có hiệu lực thì Viện trưởng VKSND Tối cao không có quyền kháng nghị”, ông Võ Văn Tài – giảng viên Trường bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát TP HCM (nguyên Viện phó VKSND TP Tây Ninh) không đồng tình, nói: “Điều này là chưa có tiền lệ và luật cũng không quy định rõ”.
Ông Tài phân tich, theo Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND và Bộ Luật TTHS, tòa án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử đối với tất cả tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam và cấp xem xét cao nhất là HĐTP TAND Tối cao. Cấp này có quyền xét lại tất cả các bản án đã có hiệu lực pháp luật trong cả nước. Khi thực hiện nhiệm vụ, các thẩm phán tham gia Hội đồng được độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật với những quyết định của mình. Như vậy, cơ quan chịu trách nhiệm xét xử đúng người, đúng tội là Tòa án, không phải Chủ tịch nước.
Đối với những bị cáo bị tuyên tử hình và bản án đã có hiệu lực pháp luật, thì thủ tục bắt buộc sau đó là Viện trưởng, Chánh án Tối cao phải ra quyết định không kháng nghị vụ án theo trình tự giám đốc hoặc tái thẩm, nhưng Chủ tịch nước thì không bắt buộc trong mọi trường hợp phải có quyết định bác đơn xin ân giảm của bị cáo. Luật thi hành án cũng không bắt buộc phải có quyết định trên của Chủ tịch nước trong hồ sơ thi hành án tử hình.
“Chủ tịch nước quyết định bác hay chấp nhận đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của bị cáo chỉ là một hoạt động mang tính nhân đạo. Quyết định của Chủ tịch nước không phải là sự đảm bảo rằng Tòa án đã xét xử có đúng đắn hay không”, ông Tài nêu quan điểm.
Mặt khác, về nguyên tắc, khi nhận thấy có sự sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật, hoặc có vi phạm nghiêm trọng tố tụng mà có lợi cho bị cáo, thì Chánh án hoặc Viện trưởng Tối cao phải có trách nhiệm kháng nghị giám đốc thẩm để xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật. Luật Tố tụng Hình sự cũng không ràng buộc là có quyết định của Chủ tịch nước thì không được kháng nghị.
Hồ Duy Hải bị cáo buộc, tối 13/1/2008 đến Bưu điện Cầu Voi chơi – nơi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và em họ tên Vân (21 tuổi) làm việc. Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên sát hại cô và người em.
TAND tỉnh Long An và Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên phạt bị cáo mức án tử hình. Sau nhiêu năm không được chấp nhận đơn xin giảm án và ân xá bị cáo và gia đình Hải đã đi kêu oan.
Ngày 22/11/2019, VKSND Tối cao kháng nghị, đề nghị HĐTP TAND Tối cao giám đốc thẩm vụ án theo hướng huỷ cả hai bản án, song không được chấp nhận.
Hải Duyên – Bá Đô/VNE