+
Aa
-
like
comment

Cảnh báo ‘rùng mình’ của ông Trump đối với hàng loạt các nước châu Âu

22/09/2019 22:36

Nhiều nước châu Âu đang đối mặt thách thức trong việc xử lý những tay súng là công dân châu Âu từng tham gia các tổ chức IS. Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi cuộc chiến chống IS tại Syria đã đi đến hồi kết. Và mới đâyTổng thống Mỹ Donald Trump đe doạ nếu châu Âu không tiếp nhận các binh sĩ IS, ông sẽ thả các đối tượng này ở biên giới và châu Âu sẽ phải đi bắt lại.

Cảnh báo 'rùng mình' của ông Trump đối với châu Âu
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ông Trump liên tục chỉ trích các nước châu Âu về việc ngần ngừ tiếp nhận trở lại các công dân của mình từng bỏ đất nước để sang chiến đấu ở Trung Đông dưới trướng IS và bị Mỹ bắt được.

Người đứng đầu Nhà Trắng nói, sau khi Mỹ đánh bại cái gọi là Vương quốc Hồi giáo, Washington đã bắt giữ “hàng nghìn tù nhân chiến tranh, binh sĩ IS” mang quốc tịch châu Âu. Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu từ chối nhận lại các đối tượng này.

“Cho tới giờ, họ vẫn từ chối, và tới một lúc nào đó, tôi sẽ phải nói: “Xin lỗi, hoặc các vị nhận lại hoặc chúng tôi sẽ thả chúng tại biên giới của các vị. Và nếu họ không tiếp nhận các đối tượng này, có lẽ Mỹ sẽ phải để các tù nhân tại biên giới châu Âu và khi đó, họ sẽ lại phải đi bắt các đối tượng đó”, NY Post dẫn lời ông Trump tuyên bố trước các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 20/9.

Lực lượng an ninh Pháp diễn tập chống khủng bố. Ảnh Reuters
Lực lượng an ninh Pháp diễn tập chống khủng bố. Ảnh Reuters

Ông Trump khẳng định Mỹ “sẽ không giữ hàng nghìn người” tại Vịnh Guantanamo trong vòng 50 năm nữa. Mỹ hiện có một nhà tù chuyên giam giữ các nghi phạm khủng bố tại Vịnh Guantanamo.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump cảnh báo các nước châu Âu về hậu quả của việc không hợp tác trong lĩnh vực tù nhân – vốn là những đối tượng vô cùng nguy hiểm nếu được trả tự do.

Hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ cũng doạ thả các đối tượng IS nhưng không nước nào phản hồi với yêu cầu của ông.

Hồi tháng 3, Chính phủ Anh đã phản đối lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho rằng, các tay súng IS này nên được đưa ra xét xử tại nơi mà chúng phạm tội, và Chính phủ Anh sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế khác để giải quyết vấn đề này.

Các cơ quan tình báo Anh ước tính, khoảng 900 tay súng Anh đã đến Syria, 20% trong số này đã chết và 40% sẽ trở về. Anh cho rằng việc các nước châu Âu phải “tiếp nhận lại” các tay súng IS là không khả thi. Châu Âu vốn đã phải chật vật đối phó nguy cơ khủng bố do các “sói đơn độc” lấy cảm hứng từ IS tiến hành, nay lại cận kề nỗi lo các tay súng IS trở về.

Nhằm đối phó với các tay súng IS hồi hương, vào tháng 2-2019 vừa qua, Quốc hội Anh đã thông qua đạo luật chống khủng bố, theo đó các tay súng là công dân Anh đã từng ở Syria sẽ bị bắt giữ và có thể phải đối mặt với án tù giam 10 năm khi trở về nhà.

Sau đó vào tháng 4, Bộ trưởng Nội vụ Pháp C.Castaner khẳng định, Pháp sẽ không hồi hương các công dân gia nhập IS tại Syria. Còn Bộ trưởng Tư pháp của Pháp Nicole Belloubet thì khẳng định cho đến nay Pháp chưa có chính sách mới đối với việc hồi hương những công dân Pháp gia nhập IS ở Syria mà việc hồi hương những người này hiện vẫn thực hiện theo “từng trường hợp một”.

Trong khi đó, Bộ Nhập cư Đan Mạch thông báo, trẻ em sinh ra ở nước ngoài, là con của công dân Đan Mạch tham chiến cho IS sẽ không được nhập quốc tịch Đan Mạch. Bộ trưởng Nhập cư Đan Mạch I.Stojberg nhấn mạnh: “Bố mẹ của những trẻ em này quay lưng với Đan Mạch, do đó không có lý do gì để những trẻ em này trở thành công dân của Đan Mạch”.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã thẳng thắn thừa nhận, vấn đề này là “một trong những thách thức trước mắt lớn nhất của chúng tôi trong những tháng tới”.

Thụy Điển, nước có khoảng 100 công dân tham gia IS, song cũng không muốn “đón” họ trở lại quay trở lại nước này. Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Mikael Damberg cho rằng “những công dân Thụy Điển tham gia tổ chức IS đã gây ra tội ác trước tiên phải được phán xét tại các quốc gia nơi họ đang ở”. Một thực tế là Thụy Điển hiện chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ trong việc xét xử các phần tử khủng bố nên nếu cho hồi hương những công dân tham gia IS thì tòa án nước này cũng không có căn cứ để xét xử.

Còn tại Áo, ngày 6-3, Bộ trưởng Nội vụ Áo Herbert Kickl cũng khẳng định nước này sẽ không tiếp nhận lại những đối tượng đã gia nhập IS và từ bỏ giá trị của xã hội Áo.

Cho đến nay, chỉ có Đức cho biết nước này có thể tiếp nhận lại các tay súng tham gia IS bị bắt giữ ở Syria, nhưng với điều kiện những đối tượng này được quyền tiếp cận lãnh sự. Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao Đức cho rằng sẽ “vô cùng khó khăn” khi tổ chức hồi hương những công dân châu Âu từng tham chiến cho IS. Theo các số liệu thống kê của Ðức, kể từ năm 2013 đến nay, hơn 1.000 người Ðức đã tới các khu vực chiến sự ở Syria và Iraq, tuy nhiên, chỉ khoảng một phần ba trong số này quay trở về Ðức.

Thậm chí, Chính phủ Đức cũng phê chuẩn một dự luật sửa đổi cho phép tước bỏ quyền công dân Đức đối với những người mang hai quốc tịch, nếu như họ từng chiến đấu trong hàng ngũ của các tổ chức khủng bố nước ngoài. Trong một tuyên bố, Chính phủ Đức nhấn mạnh, những người ra nước ngoài tham gia các tổ chức khủng bố đã quay lưng lại với Chính phủ, người dân và các giá trị cơ bản của Đức.

Những động thái nêu trên của các nước châu Âu được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump đề nghị các nước này tiếp nhận và xét xử hàng trăm tay súng là công dân châu Âu tham gia IS và bị quân đội Mỹ bắt giữ tại Syria. Lực lượng người Cuốc tại Syria cũng tuyên bố không đủ nguồn lực để giam giữ vô thời hạn các tay súng nước ngoài.

Vấn đề hóc búa này là nguyên nhân dẫn đến một cuộc tranh luận gay gắt ở châu Âu.Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, sẽ “vô cùng khó khăn” khi tổ chức hồi hương những công dân châu Âu từng tham chiến cho IS tại Syria. Trong khi đó, Pháp luôn giữ quan điểm cứng rắn rằng, các công dân của nước này, nếu đã tham gia hoạt động của IS tại Syria và Iraq, phải bị xét xử tại nước họ phạm tội. Bộ Tư pháp Pháp khẳng định, Paris sẽ không chịu nhượng bộ trước bất kỳ sức ép nào và sẽ duy trì chính sách cho phép hồi hương đối với từng trường hợp cụ thể.

Các nhà phân tích cho rằng, những năm qua châu Âu đã gánh chịu nhiều vụ tiến công khủng bố. Vì vậy, việc các nước trong khu vực không mặn mà với việc tiếp nhận thêm những đối tượng từng đứng trong hàng ngũ khủng bố, là điều dễ hiểu. Các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại, những đối tượng này nếu trở về có thể đe dọa nền an ninh của “lục địa già”, nhất là trong bối cảnh châu Âu vẫn bị đe dọa bởi nguy cơ khủng bố từ tàn quân IS.

Cơ quan phụ trách Quốc phòng-An ninh thuộc EU cho biết, trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2016, đã có khoảng hơn 5000 người châu Âu đã gia nhập IS tại Syria hoặc Iraq. Khi IS bị mất đi các vùng lãnh thổ mà tổ chức này đã từng kiểm soát, sẽ có từ 1.200 đến 3.000 “tay súng IS” quay trở lại lãnh thổ châu Âu.

Các tay súng IS.
Các tay súng IS.

Các chuyên gia cảnh báo, khi những tay súng IS này quay trở lại châu Âu, họ vẫn có thể duy trì liên hệ với IS tại các khu vực xung đột thông qua các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và vì vậy nguy cơ tấn công khủng bố trong lòng châu Âu là rất lớn. Do nhiều nước châu Âu tham gia vào các chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria, Libya, Iraq và Afghanistan, nên châu Âu trở thành mục tiêu trả đũa điên cuồng của các tổ chức khủng bố là rất rõ.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FBS) cũng cho biết, gần 1.500 đối tượng khủng bố từng hoạt động tại Trung Đông, đã có mặt ở châu Âu. FBS cảnh báo, mặc dù bị tổn thất nặng nề tại Syria và Iraq, các tổ chức khủng bố như IS, Al Qeada và những nhóm vũ trang có mối quan hệ với các nhóm này vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với châu Âu.

Cuộc chiến chống khủng bố ngay trong lòng châu Âu hiện vẫn là thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo khu vực. Trong bối cảnh đó, việc hồi hương công dân từng tham chiến cho các tổ chức khủng bố tại nước ngoài dự báo sẽ tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi không chỉ đối với châu Âu, mà cả các nước đang giam giữ các tay súng khủng bố.

Nguyễn Anh

 

Bài mới
Đọc nhiều