+
Aa
-
like
comment

Cảnh báo những sai lầm khi điều trị Covid-19 cho trẻ

02/03/2022 10:49

Khi trẻ nhỏ mắc Covid-19, nhiều cha mẹ bối rối, dẫn đến việc xử trí không đúng. Việc này vô tình làm bệnh của trẻ thêm nặng. Bác sĩ Tỉnh lưu ý một số vấn đề khi chăm sóc trẻ là F0:

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh, giảng viên bộ môn Nhi, khoa Y học lâm sàng, Đại học Y tế Công cộng, sau khi phát hiện trẻ nhiễm nCoV, gia đình cần báo với y tế địa phương, kết nối với bác sĩ hỗ trợ. Ngoài ra, cha mẹ cũng chuẩn bị phòng, người chăm sóc trẻ, thuốc và các vật dụng.

Thuốc kháng virus

Bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh cho hay hiện chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu điều trị Covid-19 tại nhà dành cho trẻ dưới 18 tuổi.

Do đó, cha mẹ không nên lầm tưởng về tác dụng của các loại thuốc kháng virus xách tay được rao bán trên “chợ” mạng. Điều trị Covid-19 cho trẻ mức độ nhẹ tại nhà chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc và theo dõi phát hiện sớm các biến chứng có thể gặp.

Thuốc tăng sức đề kháng”Không ‘thần dược’ tăng sức đề kháng nào có hiệu quả thực sự với Covid-19. Thuốc tăng sức đề kháng nói chung chỉ mang tính chất hỗ trợ. Cha mẹ không bắt buộc phải dùng cho con. Do đó, trước khi bỏ ra rất nhiều tiền để mua thuốc tăng sức đề kháng, cha mẹ nên cân nhắc kỹ”, bác sĩ Tỉnh nói.

 

Nhiều trẻ em mắc Covid-19 sau thời gian ngắn trở lại trường. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên lạm dụng các vitamin kể cả vitamin C hay multivitamin. Sức đề kháng của trẻ không thể tăng lên ngay lập tức chỉ với một vài loại vitamin.

Xông tinh dầu, lá trực tiếp vào mũi, họng của trẻ cũng không có tác dụng điều trị bệnh. Đồng thời, việc này có thể làm trẻ tăng sự khó chịu và nguy cơ bị bỏng.

Kháng sinh

Hiện không ít cha mẹ chia sẻ đơn thuốc của con mình khi mắc Covid-19 lên mạng xã hội. Phụ huynh khác lại sử dụng đơn thuốc đó để điều trị cho trẻ. Việc này rất nguy hiểm vì mỗi trẻ sẽ có chỉ định khác nhau.

Theo bác sĩ Tỉnh, một số đơn thuốc cho trẻ có sử dụng kháng sinh. Thực tế, kháng sinh không có tác dụng với virus Covid-19. Việc sử dụng sớm, sai chỉ định không có bất kỳ lợi ích nào với bệnh. Ngược lại, sẽ đem đến rất nhiều điều có hại với trẻ.

Thuốc kháng sinh, chống viêm không có chỉ định với Covid-19 mức độ nhẹ, không bội nhiễm. Phụ huynh chỉ cho trẻ dùng khi có hướng dẫn của các bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng.

Test nhanh

Việc thực hiện test nhanh tràn lan không có ý nghĩa gì cho việc theo dõi điều trị. Bệnh tiến triển hay cải thiện chủ yếu dựa vào các triệu chứng trên người bệnh, giai đoạn, không phụ thuộc vào kết quả test nhanh.

“Cha mẹ không nhất thiết ngày nào cũng test hay test nhanh trước 7 ngày. F0 là trẻ em, tính từ lúc phát hiện triệu chứng, sau 7-10 ngày, con mới cần test lại để đánh giá xem đã đủ tiêu chuẩn hết cách ly chưa”, bác sĩ Tỉnh cho biết.

 

Test nhanh là ám ảnh của nhiều trẻ em. Ảnh minh họa.

Tâm lý và chăm sóc

Thuốc chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong điều trị. Việc tập trung chăm sóc, quan tâm đến tâm lý của trẻ khi ốm, giúp con có một chế độ dinh dưỡng hợp lý mới thực sự giúp bé mau chóng hồi phục. Phụ huynh nên biết lựa chọn, chắt lọc những kiến thức chính thống, có cơ sở thực tế và khoa học khi theo dõi, chăm sóc con tại nhà.

Bên cạnh đó, nếu có thể, người chăm sóc nên là người khỏe mạnh, không có bệnh lý nền và đã tiêm phòng đầy đủ. Nếu gia đình không thể tách trẻ và người chăm sóc khỏi các thành viên khác trong gia đình, hãy cố gắng tách những người có nguy cơ diễn tiến nặng xa khỏi trẻ bị ốm và người chăm sóc.

Trong quá trình chăm sóc, cha mẹ cũng nên trấn an con rằng bạn sẽ ở bên chăm sóc con và sau một thời gian nghỉ ngơi, bé sẽ dần cảm thấy khá hơn.

“Gia đình không được chủ quan với các dấu hiệu bất thường của bệnh. Việc theo dõi sát sao hàng ngày và thông tin đến các bác sĩ giúp phát hiện sớm những trường hợp chuyển nặng”, bác sĩ Tỉnh khuyến cáo.

Các dấu hiệu cần báo nhân viên y tế:

– Trẻ sốt cao liên tục > 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt (dùng hạ sốt sau khoảng 1-2 giờ nhiệt độ không giảm).

– Trẻ sốt cao quá 48 giờ.

– Mệt nhiều, ăn/uống/ bú kém hơn.

– Thở nhanh: Trẻ < 2 tháng: > 60 lần/phút; 2 – 11 tháng: > 50 lần/phút; 1 – 5 tuổi: > 40 lần/phút; > 5 tuổi: > 30 lần/phút

– SpO2 < 96%

– Ho cơn dài, trẻ lớn: tức ngực, khó thở.

– Trẻ ít chơi, quấy khóc nhiều.

Phương Anh

Bài mới
Đọc nhiều