Cảnh báo những cái bẫy từ lời mời gọi “việc nhẹ lương cao”
Tin theo những lời rủ rê việc nhẹ, lương cao trên mạng xã hội, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm xuất cảnh trái phép sang Campuchia để rồi nhận ra họ đã sập bẫy từ các đối tượng lừa đảo. Vì không thể chịu nổi cuộc sống địa ngục trần gian, các nạn nhân quyết tâm tháo chạy về nước để được đoàn tụ cùng gia đình.
Sáng ngày 19/8, công an cửa khẩu Long Bình đã tiếp nhận hơn 40 người Việt Nam nhập cảnh trái phép. Họ là những người lao động xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại casino Rich Word (tỉnh Kandal). Tuy nhiên do bị ép làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi và trả lương nên nhóm người này đã mạo hiểm chạy trốn khỏi casino ở Campuchia và bơi qua sông Bình Di để được về với quê hương.
Điều đáng nói, kể từ đầu năm cho đến nay, đã có hàng trăm vụ người Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm việc. Có những người may mắn được gia đình chuộc về nhưng cũng có những người mãi mãi nằm lại nơi đất khách quê người. Hầu hết những nạn nhân bị sập bẫy đều là người lao động nghèo, dưới 40 tuổi, gia đình khó khăn. Vì muốn cải thiện kinh tế gia đình nên họ đã chấp nhận tin vào những lời chào mời, quảng cáo rất hấp dẫn từ các trang mạng xã hội về một công việc ổn định, lương cao và không yêu cầu kinh nghiệm tại Campuchia.
Điển hình như các công việc gõ văn bản, nhập liệu, đánh máy, chăm sóc khách hàng, tìm kiếm khách hàng chơi đánh bạc online,…với mức lương từ 15-30 triệu đồng/tháng. Người lao động đồng ý sang Campuchia làm việc sẽ được miễn toàn bộ chi phí di chuyển và xuất cảnh, đồng thời được bố trí chỗ ở và ăn uống hàng ngày.
Tuy nhiên sau khi được đưa sang Campuchia, các nạn nhân mới bàng hoàng phát hiện mình đã bị sập bẫy. Họ bị đưa vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo. Các nạn nhân phải làm việc liên tục từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày, thậm chí bị bỏ đói và đánh đập. Để được trả tự do và trở về quê, họ bị ép phải liên lạc với gia đình để giao nộp tiền chuộc với số tiền lên đến 30.000 USD. Nếu không nạn nhân sẽ có nguy cơ bị bán sang cho những công ty lừa đảo khác.
Tuy nhiên mặc dù Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về tình trạng người Việt Nam liên tục bị mắc bẫy lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” theo các lời mời chào từ mạng xã hội trong thời gian gần đây. Thế nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm người sập bẫy và bị đưa đi xuất cảnh trái phép thông qua các cửa khẩu Mộc Bài, Bình Hiệp, Mỹ Quý Tây,…giáp ranh Campuchia.
Các cơ sở “lừa đảo” công dân Việt Nam tập trung chủ yếu tại các khu vực: Bavet – tỉnh Svayrieng; Banteay Meanchey – tỉnh Poipet; thành phố Sihanoukville – tỉnh Preah Sihanouk, Chrey Thom – tỉnh Kandal và tại Thành phố Phnompenh. Những đối tượng cầm đầu hoạt động lừa đảo đưa người Việt sang Campuchia để cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc chủ yếu là người Trung Quốc, có sự tham gia giúp sức của các đối tượng người Việt hiện đang hoạt động tại Campuchia.
Theo Bộ Công an, chỉ trong 6 tháng đầu năm, cơ quan công an đã phối hợp với cảnh sát Campuchia giải cứu hơn 400 trường hợp bị lừa đi lao động trái phép. Trước tình hình nạn lừa đảo người Việt sang Campuchia làm việc đang diễn biến phức tạp, Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an đã yêu cầu các bộ đội biên phòng phải tăng cường giám sát, ngăn chặn các hành vi đưa người vượt biên trái phép sang Campuchia. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của Campuchia, để thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, hỗ trợ công dân khó khăn, hoạn nạn để đưa các nạn nhân về nước.
Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia hiện cũng đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân 24/7 để tiếp nhận và triển khai các biện pháp bảo hộ cho công dân quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông phải tăng cường tuyên truyền, cảnh báo và nâng cao nhận thức của người dân để tránh mắc bẫy và đi theo những lời rủ rê, lôi kéo “việc nhẹ, lương cao” tại Campuchia.
Minh Thanh