Cảnh báo lừa đảo núp bóng từ thiện trên mạng xã hội
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, đơn vị liên tiếp phát hiện một số đối tượng có hành vi tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Ngày 10.5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an (A05) cho biết vừa phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Lâm (23 tuổi, ngụ xã Đồng Hóa, H.Kim Bảng, Hà Nam) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông qua việc kêu gọi người hảo tâm đóng góp tiền làm từ thiện.
Theo đó, từ tháng 9.2020, Trần Văn Lâm đã lập trang fanpage Facebook “Hỗ trợ trẻ em”, đăng gần 250 bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là hoàn cảnh của các cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Đã có hàng nghìn nhà hảo tâm gửi tổng số tiền hơn 6,6 tỉ đồng đến tài khoản ngân hàng do Trần Văn Lâm tạo lập, quản lý.
Ngoài ra, Lâm khai nhận đã lập thêm 7 trang fanpage Facebook khác nhằm mục đích tương tự, gồm: “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”. Sau đó, Lâm lấy các bài viết về các trường hợp thương tâm trên các báo điện tử đăng vào các fanpage và chèn số tài khoản của mình vào để các nhà hảo tâm gửi tiền ủng hộ. Sau khi nhận tiền, Lâm không chuyển tiền cho các hoàn cảnh khó khăn mà chi tiêu cá nhân.
A05 cho biết từ đầu năm đến nay, công an cả nước đã liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều đối tượng quản trị các trang fanpage Facebook có các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự như trên.
Trước đó đầu năm 2021, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với: Đào Bá Lộc (27 tuổi), Huỳnh Ngọc Phúc (25 tuổi, cùng ngụ ở Đơn Dương, Lâm Đồng) và Đặng Viết Phương (30 tuổi, quê Bình Thuận) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng đã lập ra trang “Chia sẻ vì người nghèo” trên Facebook, sau đó lên mạng tìm, tải những hình ảnh, bài viết về một số hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo rồi đăng lên fanpage kèm theo nội dung kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người trên cộng đồng mạng. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định có trên 1000 người hảo tâm chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng với số tiền từ 50.000 đồng – 5 triệu đồng/người. Tổng cộng, Lộc, Phương và Phúc đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ từ đầu năm 2021 đến nay mà lực lượng Công an trong cả nước đã liên tiếp phát hiện, xử lý. Điển hình như Fanpage “Hỗ trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”…
Hay trước đó, những hình ảnh băng bó kèm theo thông tin cá nhân, bệnh lý của bệnh nhân M (quê Đồng Nai) đang điều trị phỏng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) bất ngờ được tung lên mạng. Trang này viết: “Gia đình em ấy rất nghèo, vợ làm công nhân, có hai con còn rất nhỏ. Tai nạn ập đến làm gia đình em khánh kiệt, giờ còn phải đối mặt với viễn cảnh phải chết do hết tiền điều trị”.
Để tăng tính thuyết phục, trang Facebook này còn bịa thêm để câu chuyện trở nên thương tâm hơn rằng bệnh nhân vừa trải qua hai lần phẫu thuật cấy da nhưng thất bại, tổng kinh phí phẫu thuật hơn 300 triệu đồng. Và tất cả những gì có thể bán để chữa trị đều đã bán, gia đình còn phải đi vay nợ khắp nơi trong khi chi phí điều trị đội lên rất nhiều!
Chỉ sau vài giờ đăng tải, trang Facebook của đối tượng này có gần 1.900 lượt người đồng cảm, có nhiều người tỏ vẻ sốt sắng chuyển tiền ủng hộ vào tài khoản ngay để giúp người bệnh. Có thể đó là những “chim mồi”, nhưng khó có ai ngờ rằng đây là một vụ lừa đảo.
Một lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định bệnh nhân M không phải “nằm chờ chết” như lời “thỉnh cầu” trên mạng. Một người nhà của bệnh nhân M. cũng xác nhận trải qua 7 lần phẫu thuật cắt lọc ghép da sau khi bị phỏng, anh M đã có thể ngồi, ăn uống được bình thường.
Riêng khoản chi phí điều trị gần 442 triệu đồng, Bảo hiểm y tế đã chi trả gần 320 triệu đồng. “Số tài khoản đăng trên mạng không phải của gia đình và đến nay chúng tôi không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ việc kêu gọi hỗ trợ này”, người nhà của bệnh nhân M cho biết.
Hay một vụ khác trên một trang Facebook đưa tin bé trai tên B (4 tuổi) bị phỏng nặng đang nằm cấp cứu tại khoa ngoại của Bệnh viện Chợ Rẫy với nội dung thương tâm là khi cậu bé vừa tròn 1 tuổi, mẹ cậu bé đã qua đời vì bệnh ung thư vú. Vào năm 2017, cha cậu bé lại bị té giàn giáo nằm liệt giường đến nay với khoản nợ lên tới hơn 100 triệu đồng. “Hãy mở rộng lòng nhân ái, bớt ly cà phê gói thuốc giúp đỡ con nhé mọi người, giúp đời một đời sẽ giúp lại ta gấp 10” – trang này viết và đăng kèm số tài khoản nhận tiền từ thiện.
Vì giả mạo nên bài viết có nhiều thông tin sai sự thật, đó là Bệnh viện Chợ Rẫy không có khoa ngoại. Khoa phỏng – tạo hình cũng không có tiếp nhận trường hợp nào có tên như trên, và đặc biệt, trường hợp bệnh nhi 4 tuổi không điều trị ở bệnh viện. Tuy nhiên, người đọc bình thường không thể phát hiện những mâu thuẫn này.
Chương trình phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ dưới 16 tuổi do Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với một quỹ từ thiện tổ chức cũng bị các đối tượng lập trang Facebook mạo danh chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM) để lừa đảo. Các đối tượng còn dùng thủ đoạn giả làm nhà hảo tâm, hoặc mạo danh nhân viên của Phòng Công tác xã hội của bệnh viện để lừa đảo. Do đó, đã từng có một nhà hảo tâm tặng một bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa hồi sức cấp cứu 30 triệu đồng, nhưng một đối tượng giả nhân viên của Phòng công tác xã hội yêu cầu bệnh nhân đưa số tiền vừa nhận để đóng viện phí rồi biến mất…
Có thể nói muôn hình vạn trạng kiểu lừa đảo lợi dụng lòng nhân ái diễn ra trên môi trường mạng xã hội. Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng như phần nổi của tảng băng chìm. Do đó, Bộ Công an vừa cảnh báo, cho biết: Số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây là thủ đoạn phạm tội rất đáng lên án và người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.
Các bài viết được các đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội thu hút hàng chục nghìn người quan tâm theo dõi, gửi tiền ủng hộ. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận số tiền được các nhà hảo tâm chuyển đến, các đối tượng không bàn giao tiền từ thiện cho các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn mà sử dụng hết vào mục đích cá nhân; hoặc chỉ chuyển một phần rất nhỏ để làm hình ảnh nhằm tiếp tục “kêu gọi từ thiện”…
Lực lượng Công an đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện để lừa đảo trên mạng xã hội. Cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng thông tin.
Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin để trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc kêu gọi từ thiện, các nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý.
Minh Ngọc