+
Aa
-
like
comment

Cảnh báo ‘chủ nghĩa dân tộc vắcxin’

02/08/2020 10:29

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo vắcxin ngừa COVID-19 sẽ không thể có cho đến ít nhất đầu năm 2021. Tuy nhiên, nhiều nước giàu đã “xí chỗ” tại các hãng dược để có hàng trăm triệu liều vắcxin.

Cảnh báo chủ nghĩa dân tộc vắcxin - Ảnh 1.
Người tình nguyện ở Nam Phi được tiêm thử vắcxin ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Baragwanath ở TP Soweto – Ảnh: REUTERS

Chỉ tiêm vắcxin cho một quốc gia không phải là giải pháp hiệu quả. Thật sự, điều đó có thể còn làm kéo dài đại dịch.

Bà KARINA GOULD (bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế của Canada) bày tỏ lo ngại về “chủ nghĩa dân tộc vắcxin” trên thế giới.

Đài Deutsche Welle ngày 1-8 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận với Tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp để cung cấp 300 triệu liều vắcxin. Thỏa thuận này sẽ cho phép tất cả 27 nước thành viên EU mua được vắcxin của Sanofi một khi sản phẩm được phép sản xuất đại trà.

Nước giàu tung tiền lớn

“Do chưa biết được vắcxin nào cuối cùng sẽ cho thấy hiệu quả, nên châu Âu đang đầu tư vào một danh sách đa dạng gồm nhiều loại vắcxin đầy triển vọng, dựa trên nhiều loại công nghệ khác nhau” – Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông tin.

Hiện EU muốn đạt được các thỏa thuận tương tự với 6 hãng dược nhằm có được vắcxin cho khoảng 450 triệu dân của khối này.

Trong khi đó, đến nay Mỹ đã ký các thỏa thuận để mua tổng cộng khoảng 1 tỉ liều vắcxin ngừa COVID-19, theo trang Politico. Trong số này có một thỏa thuận trị giá 1,95 tỉ USD với Hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) để cung cấp lên tới 600 triệu liều. Hai hãng dược của Mỹ và Đức này cũng vừa thông báo đã ký thỏa thuận với Nhật Bản về việc đặt mua 120 triệu liều.

Còn Vương quốc Anh sẽ đứng đầu tiên trong hàng dài các nước để nhận 30 triệu liều vắcxin từ AstraZeneca – hãng dược Anh đang lên kế hoạch sản xuất loại vắcxin ngừa COVID-19 đầy hứa hẹn do Đại học Oxford phát triển. Pháp, Đức, Ý, Hà Lan cũng đã ký thỏa thuận với hãng dược này.

Giữa bối cảnh đó, nhiều nước cảm thấy sốt ruột vì sợ hết phần. Kênh truyền hình Global News của Canada tuần này đặt câu hỏi: “Mỹ và châu Âu đã đặt trước hàng triệu liều vắcxin ngừa COVID-19. Sao Canada vẫn chưa?”.

Kênh này dẫn lời chuyên gia Amir Attaran, giáo sư luật tại Đại học Ottawa, lo ngại “dù mọi thứ diễn ra tốt đẹp đi nữa, chúng ta cũng sẽ có vắcxin trễ hơn Mỹ và châu Âu nhiều tháng”.

Trang Politico bình luận cuộc đua vắcxin cuối cùng cũng chỉ là “trò chơi địa chính trị” chứ không hoàn toàn để bảo vệ sức khỏe của người dân. Vì nhiều chuyên gia nhận thấy vắcxin cũng đóng vai trò quan trọng giúp kéo nền kinh tế quay trở lại đúng hướng và mang lại nhiều lợi ích khác.

Lo lịch sử lặp lại

Người ta đang lo một khi các vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên được phê duyệt, nhu cầu của thế giới sẽ không được đáp ứng đầy đủ do nguồn cung giới hạn.

Theo tạp chí Science, nhiều chuyên gia y tế đã chỉ ra nhóm ưu tiên: nhân viên y tế khắp thế giới, sau đó là những người đối diện nguy cơ cao, tiếp theo là những người ở các khu vực chứng kiến dịch bệnh đang lây lan nhanh và cuối cùng là phần còn lại của thế giới.

Ông Christopher Elias – người đứng đầu bộ phận phát triển toàn cầu của Quỹ Bill & Melinda Gates (Mỹ) – bình luận rằng một chiến lược như trên sẽ “cứu được các sinh mạng nhiều nhất và làm chậm sự lây lan nhanh nhất”.

Còn bà Ellen ‘t Hoen – luật sư và là nhà hoạt động y tế công Hà Lan – nói thêm: “Thật buồn cười nếu những người đối diện nguy cơ thấp ở các nước giàu được dùng vắcxin trong khi các nhân viên y tế ở Nam Phi lại không”.

Tuy nhiên, tiền và lợi ích quốc gia có thể sẽ thắng thế. Mỹ và châu Âu đã đặt mua trước hàng trăm triệu liều vắcxin và điều này có thể khiến những nơi nghèo hơn trên thế giới không tiếp cận được vắcxin. “Tôi rất lo” – ông John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi, chia sẻ.

Để tránh điều đó, WHO và các tổ chức quốc tế khác đã lập một hệ thống giúp phân phát vắcxin nhanh chóng và công bằng được gọi là COVAX.

Theo trang web của WHO, có 75 quốc gia đã bày tỏ quan tâm tham gia dự án COVAX, với tiềm năng hỗ trợ 90 quốc gia nghèo hơn thông qua các khoản đóng góp tự nguyện. Tuy nhiên, chưa rõ cuối cùng sẽ có bao nhiêu nước giàu tham gia.

Lịch sử cho thấy tình cảnh “nơi đủ đầy, nơi thiếu thốn” từng diễn ra trong cuộc chiến chống bệnh tật của nhân loại.

Chẳng hạn khi phác đồ điều trị HIV/AIDS bằng cách phối hợp ba loại thuốc kháng virus được áp dụng vào năm 1996, nhiều người ở phương Tây đã được cứu mạng, nhưng phải mất 7 năm để liệu pháp này được dùng rộng rãi ở châu Phi, lục địa bị ảnh hưởng nặng nhất.

Hay trong đại dịch cúm H1N1 hồi năm 2009, các nước giàu mua hết nguồn cung vắcxin có sẵn, khiến các nước nghèo thiếu vắcxin để tiêm.

Mỹ và nhiều nước châu Âu đã đóng góp 10% số vắcxin dự trữ của họ cho các nước nghèo hơn, nhưng điều này chỉ diễn ra sau khi họ đã có đủ vắcxin cho người dân trong nước.

“Quá nhiều người phải đợi quá lâu để nhận được quá ít” – ông Richard Hatchett, giám đốc điều hành Liên minh đổi mới sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), một đối tác trong dự án COVAX, bình luận.

Nga sẽ tiêm đại trà cho dân từ tháng 10

Theo Hãng tin Reuters, ngày 1-8, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết việc thử nghiệm lâm sàng vắcxin ngừa COVID-19 do Trung tâm Gamaleya nghiên cứu đã hoàn thành.

Theo người đứng đầu ngành y tế Nga, hiện công việc chuẩn bị để đăng ký vắcxin này đang được tiến hành và việc tiêm vắcxin đại trà cho người dân có thể bắt đầu vào tháng 10-2020.

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Murashko: “Chúng tôi đang chuẩn bị để có thể tiêm vắcxin hàng loạt ngừa COVID-19 vào tháng 10 tới”. Phía Nga từng lý giải việc bào chế nhanh được vắcxin là bởi từng có kinh nghiệm và không có “động cơ chính trị”.


4.963

Đó là số ca nhiễm COVID-19 trong một ngày cao nhất tại Philippines được Bộ Y tế nước này công bố trong ngày 1-8, theo Hãng tin Reuters. Quốc gia Đông Nam Á này đứng thứ hai trong khu vực, sau Indonesia, về số ca nhiễm (98.232 so với 108.376) và số ca tử vong (2.039 so với 5.131).

Tình hình lây nhiễm ở châu Á vẫn còn phức tạp trong ngày 31-7. Theo các thông tin công bố ngày 1-8, Nhật ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại (1.323 ca, với Tokyo ghi nhận 472 ca – ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới liên tục phá đỉnh), trong khi Trung Quốc (45 ca, gồm 39 trong cộng đồng) và Hàn Quốc (31 ca, với 8 ca trong cộng đồng) lại giảm.

Tổng số ca nhiễm trên thế giới tính đến 23h ngày 1-8 là 17.858.865, số tử vong là 684.897 và số hồi phục đã đạt 11.231.434.

PV/TT

Bài mới
Đọc nhiều