Căng thẳng Trung Quốc – Philippines: Chiến thuật ‘vùng xám’ tái diễn
Động thái của Trung Quốc triển khai hơn 200 tàu thuộc lực lượng dân quân biển neo đậu tại đá Ba Đầu (cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) thu hút sự chú ý của khu vực và quốc tế.
Ngày 21/3, Philippines công bố hình ảnh khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu gần rạn san hô đá Ba Đầu (Philippines gọi là đá Julian Felipe) từ ngày 7/3.
Là cấu trúc địa lý ở cực đông trong cụm Sinh Tồn ở Trường Sa, đá Ba Đầu có vị trí chiến lược, là cơ sở lý tưởng để giám sát và điều động đối với toàn bộ khu vực biển kế cận.
Trong công hàm phản đối, Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh: “Hành động triển khai liên tục, sự hiện diện kéo dài và các hoạt động của tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Philippines… Sự hiện diện áp đảo và đe dọa của những tàu Trung Quốc tạo ra bầu không khí bất ổn và thể hiện sự phớt lờ rành rành cam kết của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực”.
Một ngày sau khi Philippines mô tả sự xuất hiện của tàu Trung Quốc là “hành động xâm phạm”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, các tàu nước này tập trung gần một khu vực tranh chấp trên Biển Đông là “tàu cá” tránh thời tiết xấu.
Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Gần đây, do điều kiện thời tiết trên biển, một số tàu cá Trung Quốc đã trú ẩn tránh gió ở gần đá Ba Đầu. Chúng tôi tin rằng điều này vô cùng bình thường và hy vọng tất cả các bên có thể xem xét một cách sáng suốt”.
Ngày 22/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nói rằng đá Ba Đầu “là một phần của Trung Quốc”. Đại sứ quán cũng bác bỏ cáo buộc về sự hiện diện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc có mặt trong những ngày vừa qua tại đá Ba Đầu.
Bác bỏ khả năng xảy ra đối đầu
Bất chấp những mâu thuẫn rõ ràng trong màn “đối đáp” của Manila và Bắc Kinh, trong cuộc họp báo ngày 22/3, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque bác bỏ khả năng xảy ra đối đầu.
Tham khảo thêm
Tuyên bố của ông Roque phản ánh cách tiếp cận bao trùm hơn của Tổng thống Rodrigo Duterte, vốn thường giảm nhẹ sự bất đồng giữa Philippines và Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông để ngăn lan sang các khía cạnh khác của quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Manila đã không được lòng các ngư dân và giới chuyên gia luật Philippines. Họ cảnh báo rằng Philippines có nguy cơ bị cho là đã từ bỏ các yêu sách lãnh thổ.
Các chuyên gia luật cũng hối thúc Manila không được thỏa hiệp. Cựu thẩm phán tòa án tối cao Antonio Carpio cảnh báo: “Phải phản đối mọi vụ việc riêng lẻ để tránh từ bỏ các quyền hợp pháp… Việc không phản đối có thể bị tòa quốc tế coi là sự khước từ các quyền chủ quyền của Philippines”.
Giành quyền kiểm soát vùng biển
Trong những năm gần đây, bất cứ khi nào muốn tập trung vào một đặc điểm hoặc yếu tố, Bắc Kinh đều nỗ lực với quy mô và cường độ mà các đối thủ của họ không thể sánh kịp.
Từ khoảng năm 2014, Bắc Kinh bắt đầu bồi lấp và quân sự hoá các thực thể mà họ đang kiểm soát với tốc độ kinh ngạc. Vì thế, những gì đang xảy ra tại đá Ba Đầu vào lúc này cũng là cách mà Trung Quốc làm tăng cường các khả năng quân sự để đe dọa chủ quyền của các nước láng giềng cũng như các quy tắc và chuẩn mực quốc tế ở Biển Đông.
Để giành quyền kiểm soát vùng biển, một trong những chiến thuật ưa thích của Trung Quốc là “vùng xám” theo cách gọi của giới nghiên cứu phương Tây. Tức là không cần đụng độ quân sự nhưng triển khai lực lượng dân quân biển có vũ trang để làm công việc của hải quân dưới chiêu bài “đánh cá”.
Việc lực lượng dân quân biển Trung Quốc hóa trang thành ngư dân ở Biển Đông là điều không mới. Điều khác biệt lần này là quy mô của đội tàu lên tới 220 chiếc. Với số lượng tàu nhiều như vậy, không có quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á có thể theo kịp, đặc biệt là Philippines.
GS Jay Batongbacal thuộc Viện nghiên cứu hàng hải và luật biển của Đại học Philippines nhận định: “Dân quân biển và các tàu Trung Quốc khác đã neo đậu như vậy ở những nơi khác, đặc biệt là đá Chữ Thập và đá Su Bi các năm trước như đã thấy trong hình ảnh vệ tinh. Vì thế, việc này không có gì là bất ngờ cả”.
Theo ông, cách đối phó với các tàu này là “kêu gọi” và “phơi bày lực lượng dân quân ra thế giới trước khi lực lượng này đạt được mục đích… Cần giám sát chặt chẽ cho đến khi lực lượng này thay đổi hành vi”.
Tuy nhiên, ông Batongbacal cũng cho hay việc phát hiện nhiều tàu như vậy ở một địa điểm và chụp được ảnh là điều bất thường: “Dù là để chuẩn bị cho các hoạt động khác hay chỉ nhằm mục đích cho các tàu neo đậu trên biển để chờ lệnh, nếu không có thêm thông tin thì cũng không thể biết chắc”.
Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) Greg Poling có cùng quan điểm: “Việc Trung Quốc triển khai lực lượng tại đá Ba Đầu không phải là mới, nhưng số lượng đang tăng lên”.
Đối với một số người dân Philippines, vụ việc mới nhất này đã khơi lại câu chuyện buồn. Năm 2012 tại bãi cạn Scarborough, các tàu đánh cá của Trung Quốc (thực chất là dân quân biển) đã kiểm soát bãi đá này và ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận.
Theo Batongbacal, “hiện nay, không có chỉ dấu nào cho thấy điều gì sẽ xảy ra sau khi đá Ba Đầu bị chiếm đóng; các tàu dân quân biển Trung Quốc chỉ đang thả neo và có vẻ bất động… Việc xếp hàng ngay ngắn như vậy hơi tốn công sức cho các tàu lớn, vì vậy, có vẻ như các tàu không ra ngoài vào buổi tối để đi đánh cá và quay trở lại vào buổi sáng. Dù có định làm gì thì cũng phải cần ít nhất một khoảng thời gian nữa kể từ ngày bị chụp ảnh”.
Những ẩn ý trong động thái của Trung Quốc
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã tuyên bố các yêu sách đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Những năm gần đây, khi sức mạnh tăng lên, Trung Quốc lại càng quyết tâm khẳng định vị thế thống trị trên vùng biển này.
Trung Quốc dường như đang xây dựng các mô hình hoạt động gần đá Ba Đầu, với số lượng tàu lớn hơn nhiều, dễ nhìn thấy và lảng vảng lâu hơn. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang quyết tâm khẳng định sự hiện diện và bằng mọi cách triển khai chính sách tiếp cận quyết đoán của họ.
Đáng chú ý là động thái này của Trung Quốc diễn ra vừa sau khi cuộc đối thoại Mỹ Trung tại Alaska kết thúc trong “băng giá”.
Cựu Giám đốc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học chiến tranh hải quân Trung Quốc Peter Dutton nhận định: “Rõ ràng là họ đang gây sức ép với đồng minh của Mỹ ở Biển Đông. Thông điệp ngầm của Trung Quốc là: Chúng tôi mạnh mẽ và sẽ thực hiện những gì chúng tôi muốn nếu cần, bất kể luật pháp hoặc các cam kết trước đó”.
Nếu không được đối phó đúng cách tại đá Ba Đầu, hoặc những nơi khác, các tàu “dân quân biển” có thể hỗ trợ tham vọng bành trướng hơn nữa của Bắc Kinh, giống như lợi ích của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough vào năm 2012.
Hoàng Việt/ VNN