Căng thẳng Mỹ – Trung và Covid-19 khiến Việt Nam là điểm sáng
Nhiều chuyên gia cho rằng căng thẳng Mỹ – Trung và dịch Covid-19 khiến Việt Nam là điểm sáng trong dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ cần biết chọn doanh nghiệp để chơi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đón được làn sóng dịch chuyển đó và hưởng lợi.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương hiệu và cạnh tranh, đã khẳng định quan điểm trên tại sự kiện Vietnam CEO Forum 2020 với chủ đề “Chuỗi giá trị toàn cầu: Dòng chảy mới – Cá có hoá Rồng” được tổ chức tại TP.HCM ngày 19/11, với sự tham gia của hơn 1.000 CEO trên cả nước.
Vận hội mới từ nguy cơ
TS Võ Trí Thành cho rằng căng thẳng Mỹ – Trung và “cú đánh bồi” Covid-19 trong năm nay đã đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi giá trị bổ sung thêm nhiều tính chất mới so với trước đây.
Phân tích cụ thể hơn, chuyên gia cho biết về địa chính trị, ngoài yếu tố chi phí, kết nối thì hiện nay chuỗi cung ứng còn hướng đến đối tác là ai, quyền của đối tác là gì. Sau đó là mặt hàng chiến lược trong chuỗi cung ứng, lợi ích quốc gia. Ông cho rằng đây là yếu tố khiến chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều thay đổi và mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt.
“Việt Nam có đầy đủ yếu tố, lợi thế về giá trị, tính cạnh tranh, tính năng động và có đủ các hiệp định thương mại FTA. Phần lớn các nước đều là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Điều này tạo ra một lợi thế cho Việt Nam và doanh nghiệp Việt đang đứng trước vận hội lớn”, chuyên gia Võ Trí Thành nhận định.
Chưa nói đến việc chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian qua dịch chuyển thế nào nhưng ông Thành cho biết trước mắt, doanh nghiệp Việt cũng tận dụng tích cực và có hiệu quả các hiệp định thương mại, thấy rõ gần đây là EVFTA. Cụ thể, chỉ sau 3 tháng kể từ khi EVFTA có hiệu lực, hơn 20.000 đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt được hưởng ưu đãi thuế quan, giá trị được hưởng trên 1 tỷ USD, nhất là ở mặt hàng nông sản.
Chuyên gia cho biết chiếm 70% hoạt động thương mại tại Việt Nam do doanh nghiệp FDI chi phối nhưng “miếng bánh” này đang ngày càng lớn hơn nên dù tỷ lệ thấy trước mắt là cao nhưng doanh nghiệp Việt vẫn được hưởng. Khi dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội làm ăn với các “ông lớn” để dần tiến đến chia nhỏ “miếng bánh”.
Cập nhật rõ hơn về sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina Capital – ông Don Lam, tiết lộ 20% nhà sản xuất lớn có mặt tại Trung Quốc muốn rời khỏi nước này do Covid-19 và chiến tranh thương mại.
“Năm 2021, Việt Nam đứng vị trí số 1 là đất nước các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển, theo dữ liệu chúng tôi có được là như vậy. Cơ hội tôi thấy là có nhưng bước đầu doanh nghiệp Việt phải qua bão lũ, khó khăn trong năm nay”, ông Don Lam nhận định.
Đi lên từ hợp tác
Dù căng thẳng Mỹ – Trung và Covid-19 khiến Việt Nam là “điểm sáng” của sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam không phải là điểm đến duy nhất. Bởi khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, nhiều nước có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là Indonesia. Mexico cũng là một thị trường lớn và cả làn sóng quay về nước Mỹ như mong muốn của ông Trump.
Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng vận hội là có nhưng quan trọng hơn chính là cách làm để đón được làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng và tận dụng tốt cơ hội. Theo ông, doanh nghiệp phải biết chọn chơi với đối tác. Chẳng hạn, ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hiện có hơn 20 doanh nghiệp Việt cung ứng cho Samsung, từ dịch vụ kết nối, kho bãi đến cả vệ sĩ. Ông cho rằng dù tỷ lệ nhỏ nhưng “miếng bánh” rất to.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương hiệu và cạnh tranh cũng cho biết có hai cách tham gia chuỗi cung ứng. Thứ nhất, có thể chi tiết sản xuất rất nhỏ nhưng chỉ có doanh nghiệp đó làm được thì vị thế sẽ khác. Thứ hai, chỉ cần chơi được với hai “ông lớn” dẫn đầu ngành thì cũng đã thành công.
Theo ông, các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc hiện rất quan tâm Việt Nam. “Khả năng kết nối của doanh nghiệp Việt cao hơn rất nhiều so với trước đây. Hãy kết nối trước, làm ăn với họ, học hỏi và leo lên dần”, chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Về bài toán trước mắt là vượt qua khủng hoảng do Covid-19, ông cho rằng đây là một đợt kiểm tra sức chịu đựng của doanh nghiệp trước vận hội mới. Chỉ những doanh nghiệp nào dám xây dựng lại, chuyển đổi số thì mới có thể vượt bão.
Ông nhấn mạnh quan điểm trước khi kết nối với các “gã khổng lồ” toàn cầu thì chính các doanh nghiệp Việt phải bắt tay, kết nối nhau, hỗ trợ nhau vượt bão Covid-19. Ông cho rằng doanh nhân Việt Nam có thể không nhanh nhất, giỏi nhất nhưng phải có khát vọng. Đây cũng chính là yếu tố giúp kinh tế Việt Nam vượt qua những giai đoạn khủng hoảng trước đây.
Hồng Phúc/DV